Nguồn gốc, ý nghĩa Tết Trung thu có gì đặc biệt?

Rằm tháng 8 - Tết Trung thu là một dịp lễ quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Nguồn gốc và ý nghĩa ngày lễ này là như thế nào?

Nguồn gốc ngày Tết Trung thu tại Việt Nam

Không ai biết Tết Trung thu có từ bao giờ, hoặc chính thức từ khi nào người Việt bắt đầu "ăn" Tết Trung thu. Sách "Việt Nam phong tục" của soạn giả Phan Kế Bính, có ghi lại rằng, Tết Trung thu còn gọi là Tết trẻ em, với tục treo đèn bày cỗ xuất phát từ điển tích liên quan đến lễ sinh nhật vua Đường Minh Hoàng, cả nước treo đèn kết hoa, lâu dần thành tục lệ. Và ở Việt Nam, do những ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa, cũng theo tục treo đèn vào đêm rằm tháng Tám.

Cụ Phan Kế Bính còn lý giải, tục rước đèn có từ đời Tống, truyền rằng thời vua Nhân Tôn có con cá chép thành yêu tinh, cứ đêm trăng lại biến thành cô gái làm hại người. Lúc đó ông Bao Công giúp dân làm chiếc đèn hình con cá để soi khi đi ngoài đường, khiến con tinh cá chép sợ mà không dám hại người nữa. Cụ Phan Kế Bính cũng giải thích thêm: "Lời ấy huyền hoặc lắm, vị tất đã thật".

Rằm tháng 8 - Tết Trung thu là một dịp lễ quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Ảnh minh họa

Rằm tháng 8 - Tết Trung thu là một dịp lễ quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Ảnh minh họa 

Sách "Hội hè lễ tết của người Việt" của tác giả Nguyễn Văn Huyên cũng đề cập đến sự tích Trung thu liên quan đến vua Đường Minh Hoàng (thế kỷ VII): "Một đêm rằm tháng Tám, vua ra khỏi cung và được một đạo sĩ chống gậy đến mời lên cung trăng dạo chơi". Nhà vua đã thấy một thế giới khác hẳn trần gian, cây cối đang trổ hoa, thảm cỏ thơm và mượt như nhung, cung điện nguy nga có chữ "Cung Quảng Hàn", những nàng thiếu nữ xinh đẹp mặc xiêm hồng và áo trắng múa theo nhạc. Lúc trở về trần gian, nhớ những kỳ quan trên cung trăng, nhà vua đã sai các cung tần múa và đàn ca điệu này".

Sách "Bắc Kỳ tạp lục" của Henri-Emmanuel Souvignet xuất bản năm 1903 viết ngắn gọn: "Ngày 15 tháng Tám âm lịch, Tết Trung thu, trong ngày này mọi người làm và ăn những chiếc bánh có hình mặt trăng (bánh nguyệt hay bánh mặt trăng)".

Thậm chí, trong sách "Việt Nam Văn Minh Sử" của tác giả Lê Văn Siêu hồi đầu thế kỷ 20, khi phân tích các hình ảnh trên trống đồng Ngọc Lũ (văn hóa Đông Sơn cách đây khoảng 2.500 năm), cũng đề cập đến tháng Tám trăng sáng nhất, cùng các công việc chuẩn bị hội hè trước ngày đông chí, trùng hợp với khoảng thời gian diễn ra Tết Trung thu sau này.

Ý nghĩa ngày Tết Trung thu tại Việt Nam

Đối với người Việt, đêm rằm tháng 8, đêm rằm Trung Thu mọi người vừa ăn cỗ vừa kể chuyện về trăng. Trăng là Thái Âm, là nơi mát lạnh với nhiều điều tốt đẹp, theo sự tích dân gian còn có thỏ ngọc, cây đa, chú Cuội, chị Hằng.

Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung Thu, ban ngày làm cỗ gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt. Đầu cỗ là bánh mặt trăng, và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm đủ các màu sắc, sặc sỡ, xanh, đỏ, trắng, vàng. Con gái hàng phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành hình các bông hoa, nặn bột làm con tôm, con cá ...

Các loại đèn lồng dịp Tết Trung thu. Ảnh minh họa

Các loại đèn lồng dịp Tết Trung thu. Ảnh minh họa 

Tết Trung thu là dịp để gia đình sum họp, quây quần bên nhau thưởng thức bánh trung thu, ngắm trăng và trò chuyện. Đây là thời điểm để mọi người thể hiện tình cảm yêu thương, gắn kết gia đình.

Tết Trung thu cũng cũng là dịp để dành tặng những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em. Các em được rước đèn ông sao, xem múa lân, phá cỗ và nhận quà từ người lớn.

Người xưa còn quan niệm, Tết Trung thu còn mang ý nghĩa nông nghiệp, đánh dấu sự kết thúc của mùa vụ và thời điểm để người nông dân nghỉ ngơi, vui chơi sau những ngày lao động vất vả.

Ngày nay, Tết Trung thu vẫn giữ được những ý nghĩa truyền thống tốt đẹp và trở thành một dịp lễ quan trọng để mọi người sum vầy, thể hiện tình cảm yêu thương và gửi gắm những ước vọng tốt đẹp cho tương lai.

Thủy Tiên (T/h)/Đời sống Pháp luật