Trước khi bị bắt, hôm 24/11, ông Hoàng đã làm đơn từ nhiệm chức danh Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (MCK: TDH) vì lý do cá nhân, không thể tiếp tục đảm nhiệm chức vụ trên.
Ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng bắt đầu giữ chức vụ Thành viên HĐQT từ năm 2011. Đến năm 2015, ông Hoàng kiêm thêm vị trí Tổng giám đốc và nắm giữ từ đó đến nay.
Ngoài giữ chức vụ tại Nhà Thủ Đức, ông Hoàng còn nắm giữ nhiều chức vụ khác tại các công ty như Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư Tp.HCM (Fideco, MCK: FDC) - công ty con của Nhà Thủ Đức; Chủ tịch HĐQT CTCP Dịch vụ và Xúc tiến Thương mại Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM; Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Ngôi sao Gia Định; Tổng giám đốc CTCP Địa ốc Đại Á.
Nhà Thủ Đức kinh doanh ra sao?
Trong giai đoạn từ năm 2011-2020, doanh thu và lợi nhuận của TDH từng bước tăng trưởng và lập kỷ lục vào năm 2019 với doanh thu 3.929 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 178 tỷ đồng. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, Nhà Thủ Đức "nhận trát" truy thu thuế gần 400 tỷ đồng từ Cục Thuế TP.HCM. Doanh nghiệp này đã có một năm kinh doanh bết bát khi lần đầu tiên trong vòng 10 năm ghi nhận lỗ 310 tỷ, doanh thu giảm tới 50% so với năm 2019 còn 1.961 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐQT - Lê Chí Hiếu từng tâm sự: “Nhà Thủ Đức đã trải qua một năm 2020 với nhiều khó khăn chồng chất mà có thể xem là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong suốt hơn 30 năm hoạt động của công ty”.
Đứng trước cuộc khủng hoảng đó, từ đầu năm 2021 đến nay, TDH đã dồn dập thoái vốn tại các công ty con.
Cụ thể, đầu năm 2021, Nhà Thủ Đức đã thoái toàn bộ vốn tại Công ty TNHH Dịch vụ Tam Bình - Thủ Đức (công ty con) và Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Vico Quảng Trị (công ty liên kết).
Tháng 3/2021, công ty tiếp tục chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH Song Hỷ Quốc tế với giá chuyển nhượng hơn 962 tỷ đồng, thu về số tiền lãi gần 225 tỷ đồng.
Đến tháng 6, TDH tiếp tục thông báo đã thoái toàn bộ vốn tại Công ty Chứng khoán Sen Vàng và Công ty TNHH Thông Đức.
Tiếp đến, TDH thông báo thương vụ thoái vốn tại Ngoại thương và Phát triển Đầu tư Tp.HCM (Fideco; MCK: FDC). Thương vụ thoái vốn gây chú ý bởi thông qua Fideco, Thuduc House đang thực hiện 2 dự án quan trọng: Tòa nhà văn phòng số 28 Phùng Khắc Khoan tại quận 1, Tp.HCM; Dự án Khu dân cư Cần Giờ tại Trung tâm huyện Cần Giờ, Tp.HCM.
Gần đây nhất là vào cuối tháng 9, ban lãnh đạo Nhà Thủ Đức đã thông qua chủ trương thoái toàn bộ 40% vốn sở hữu tại công ty liên doanh với Tập đoàn Xây dựng Daewon (Hàn Quốc) - CTCP Phát triển Nhà Daewon – Thủ Đức (DWTD).
Còn 2 công ty con là CTCP Đầu tư Huế - Nhà Thủ Đức và CTCP Lộc Phú Nhân, TDH chỉ thoái lần lượt 25% và 2% vốn tại hai công ty này.
Sau khi thoái vốn tại hàng loạt các công ty con; chấm dứt đầu tư Dự án Khu Đô thị Nam Cần Thơ - Khu 3, Lô 14A và sẽ tiếp tục thực hiện thoái vốn tại FDC và DWTD trong quý III và quý IV, Nhà Thủ Đức chỉ còn đầu tư vào CTCP Đầu tư Nghĩa Phú.
Ngoài ra, Nhà Thủ Đức còn 2 dự án xây dựng dở dang là dự án khu dân cư Cần Giờ với quy mô 31,8ha và dự án khu dân cư Bình Trưng Đông với quy mô gần 137ha tại Bình Trưng Đông, Q.2, Tp.HCM do Công ty xây dựng và kinh doanh Nhà Phú Nhận làm chủ đầu tư.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, dù doanh thu thuần giảm 61% so với cùng kỳ, đạt 464 tỷ đồng nhưng nhờ khoản lãi thanh lý các khoản đầu tư, Thuduc House lãi sau thuế gần 250 tỷ đồng trong khi ở cùng kỳ lỗ gần 3 tỷ đồng.
Thương vụ chớp nhoáng với Louis Land
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TDH từng biến động trước sự xuất hiện của cổ đông mới Louis Land (BII) nắm giữ 11,34 triệu cổ phiếu, tương đương 10,07% vốn. Theo đó, giá cổ phiếu TDH lập tức tăng phi mã. Từ ngày 10 - 23/9, mã TDH liên tiếp có 10 phiên tăng trần, từ 7.800 đồng/cổ phiếu lên 15.050 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 92,9%.
Sau khi trở thành cổ đồng, BII và TDH ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư danh mục dự án bất động sản. Theo đó, TDH và BII sẽ góp vốn thành lập công ty độc lập để thực hiện dự án Khu dân cư Cần Thơ (Louis Mekong River); Dự án Bất động sản Nhà văn hóa Long Xuyên (Louis Mega City); dự án trụ sở Công an tỉnh An Giang (Louis Central Plaza) và dự án Phan Văn Hớn - Hóc Môn (Louis Mega Tower).
Tuy nhiên, bất ngờ Louis Land đã bán sạch vốn tại Thuduc House, chấm dứt hợp tác chiến lược trước đó.
Động thái thoái vốn của BII diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu TDH bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt bắt đầu từ ngày 21/10, do công ty tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện cảnh báo.
Cũng trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến nay, nhiều sếp lớn của TDH đồng loạt bán ra cổ phiếu. Trước khi bị bắt, ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng đã kịp thời bán ra 1,75 triệu cổ phiếu TDH, giảm tỉ lệ sở hữu từ hơn 2 triệu cổ phiếu còn 281 nghìn cổ phiếu, thời gian thực hiện trong ngày 1/11, thông qua phương thức thỏa thuận.
Trước đó, ngày 29/10, ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Phó tổng giám đốc TDH cũng bán ra toàn bộ 1,46 triệu cổ phiếu TDH, đưa tỉ lệ sở hữu về 0%. Thành viên Ban Kiểm soát Thái Bằng Âu cũng bán ra 120.000 cổ phiếu TDH trong thời gian từ 16/11 đến 18/11/2021.
Thông tin ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng bị bắt có vẻ như không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý các cổ đông nắm giữ cổ phiếu TDH khi không xảy ra tình trạng bán tháo. Kết phiên giao dịch ngày 25/11, cổ phiếu TDH giảm 2,9% xuống 11.900 đồng/cổ phiếu. Tuy vậy, nếu xét từ đỉnh của cổ phiếu khi nhóm Louis Land thông báo mua đứng ở mức 15.000 đồng/cổ phiếu và cổ phiếu TDH bị đưa vào diện kiểm soát thì cổ phiếu này đã mất giá 22%.
Theo Người Đưa Tin