Nhận diện mánh khoé lừa đảo online: "Bình mới, rượu cũ" nhưng nhiều người vẫn mất tiền tỉ

Các chiêu trò lừa đảo liên tục được thay đổi, dù dưới hình thức nào, đều có những điểm đặc điểm chung. "Bình mới, rượu cũ", nhưng người dân vẫn bị bủa vây bởi "ma trận" các bẫy lừa. Người mất tiền, người mang nợ vì trót tin vào đối tượng xấu.

Dù các cơ quan chức năng, truyền thông liên tục cảnh báo về các chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội nhưng người dân vẫn không thoát khỏi những "liên hoàn bẫy" với đủ các mánh khoé tinh vi. Một số trò lừa đảo phổ biến hiện nay như: Nhận quà từ bạn nước ngoài làm quen qua mạng; Tự xưng là cơ quan chức năng gọi điện thông báo điều tra; Thông báo trúng thưởng tiền, tài sản có giá trị; Gửi link giả để đánh cắp thông tin ngân hàng; Chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng rồi bị thông báo có khoản nợ cần thanh toán....

Một số trò lừa đánh vào lòng tham của con người nhưng cũng có một số bẫy lừa lại sử dụng chiêu trò tâm lý khiến người dân sợ hãi, lo lắng rồi "phục tùng" theo chỉ dẫn của kẻ xấu. Nhưng dù có thay đổi ra sao, dưới hình thức nào thì những trò lừa này đều có đặc điểm chung. Người dân cần nhanh chóng "nhận dạng" để tránh mất tiền oan. 

Tự xưng cơ quan chức năng yêu cầu hợp tác điều tra 

Gần đây, các đối tượng lừa đảo thường dùng chiêu bài tự xưng cơ quan chức năng như cảnh sát giao thông, công an phòng chống buôn lậu, ma tuý, nhân viên viện kiểm sát...gọi điện yêu cầu hợp tác điều tra vì người dân đang vướng vào trọng án. Chúng đưa ra các giấy triệu tập, lệnh bắt đã được chỉnh sửa giống như thật khiến nhiều người sợ hãi.

Trong thực tế, cơ quan chức năng không làm việc qua mạng xã hội và các hình thức online. Đối với một số trường hợp vi phạm luật giao thông bị phạt nguội, các đơn vị xử lý liên quan sẽ gửi thông báo có đầy đủ các thông tin sau: không gian vi phạm (địa điểm hoặc tuyến đường vi phạm), thời điểm vi phạm, lỗi vi phạm và biển số xe. Sau đó, thông báo sẽ được gửi công an phường, xã, thị trấn và được công an địa phương chuyển đến chủ xe, mời đến đơn vi xử lý để thực hiện nộp phạt theo quy định của pháp luật. 

Ảnh: Tuổi Trẻ Thủ Đô

Đối với các trường hợp liên quan đến buôn lậu, trọng án ma tuý... lại càng không thể nào được xử lý qua một cuộc điện thoại. Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định vô cùng chặt chẽ và được các cơ quan liên quan kiểm soát nghiêm ngặt. 

Giấy triệu tập sẽ được gửi cho chính quyền địa phương nơi bị can cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi bị can làm việc, học tập. Các cơ quan này có trách nhiệm chuyển ngay giấy triệu tập cho bị can. Việc giao nhận giấy triệu tập phải được giao trực tiếp và có ký nhận. Nghiêm cấm bất kỳ hành vi thông báo, giao nhận giấy triệu tập qua điện thoại, online. 

Vì vậy, khi nhận được cuộc gọi từ cơ quan cảnh sát điều tra, viện kiểm sát, tổ trọng án... thì người dân cần cảnh giác cao độ. Không nên tiếp tục nghe điện thoại và giữ tâm lý bình tĩnh không để bị dẫn dắt theo ý đồ của kẻ lừa đảo. Đối với các gia đình có người lớn tuổi, cần phổ biến thông tin này để tránh mất tiền oan. 

Bên cạnh đó, còn một số kiểu lừa đảo giả danh nhân viên ngân hàng, nhân viên bưu điện, nhân viên chuyển phát nhanh... mời mở thẻ miễn phí nhận quà trúng thưởng, có kiện hàng từ nước ngoài đang kẹt tại hải quan... cũng cần để ý. Nếu không chắc chắn, liên hệ cơ quan công an gần nhất để nhờ hỗ trợ thông tin. 


Một cô gái trẻ tại Hà Nội đã bị đối tượng giả danh cảnh sát gửi giấy triệu tập.

Dùng lời lẽ đanh thép, doạ nạt nếu không "phục tùng" 

Nhiều người đến khi đã mất hàng trăm triệu đồng vẫn không tin mình bị lừa, ngỡ ngàng vì "anh công an nói chuyện rất bài bản, lừa đảo làm sao mà nói chuyện như vậy được". Một trong những lý do khiến người dân dễ dàng bị lừa, chính là cách giao tiếp cực kỳ chuẩn, lời lẽ nghiêm chỉnh, thái độ đanh thép khiến ai nấy cũng tưởng rằng mình đang làm việc với cơ quan chức năng. 

Những kẻ này dường như đã được đào tạo vô cùng bài bản, khi người dân tỏ vẻ nghi ngờ thì chúng có nhiều lý lẽ để đáp lại ngay lập tức. Không những thế, chúng còn dùng chiêu bài tâm lý, doạ nạt, thông báo đang ghi âm cuộc trò chuyện, yêu cầu người dân không được trốn tránh trách nhiệm, chống đối người thực thi pháp luật, nếu không làm theo hướng dẫn thì tội sẽ càng nặng hơn...

Khi thực hiện những cuộc gọi này, đa phần nhóm lừa đảo đã có được thông tin cá nhân sơ bộ về tên, tuổi, địa chỉ, số CMND, CCCD nên càng khiến người nghe điện thoại tin tưởng và làm theo chỉ dẫn.

Yêu cầu đăng nhập vào các đường link lạ 

Thông thường, sau khi đã chi phối được tinh thần của người dân, kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu đăng nhập thông tin vào một đường link được gửi đến qua điện thoại. Các đường link này đều có tên miền giả mạo, khiến nhiều người nhầm tưởng là của cơ quan điều tra.. nhưng thực chất những đường link này chứa mã độc có thể chiếm quyền kiểm soát điện thoại, các tài khoản mạng xã hội hoặc từ đó ăn cắp thông tin đăng nhập vào tài khoản ngân hàng. 

Một đường link giả mạo website của Bộ Công An. 

Không chỉ thế, những đường link độc này còn ồ ạt được gửi đến nhiều người dùng viễn thông, mạng xã hội với các nội dung thông báo trúng thưởng, nhờ bình chọn cuộc thi, làm khảo sát nhận quà...vv. Đây là chiêu trò vô cùng phổ biến nhưng vẫn "hiệu quả" trong việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Khi chiếm được quyền truy cập mạng xã hội, kẻ xấu sẽ dùng danh nghĩa chủ tài khoản đi vay mượn tiền, vay online...Đối với việc mất tài khoản ngân hàng còn nguy hiểm hơn, toàn bộ số tiền sẽ được thực hiện chuyển qua tài khoản khác. Các mã độc từ những đường link lạ này có thể âm thầm thu thập các thông tin như mật khẩu, nội dung gõ phím hay các hình ảnh nhạy cảm trong máy. 

Khi lỡ bấm vào các đường link này cần thoát ra ngay, tuyệt đối không đăng nhập thông tin cá nhân theo yêu cầu của link. Nếu lo sợ điện thoại dính mã độc, có thể đem ra các chi nhánh điện thoại gần nhất để các kỹ thuật viên kiểm tra và phát hiện sớm nếu có. 

Yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân, nạp tiền điện thoại với mệnh giá lớn 

Đây gần như đã là bước cuối cùng, mục đích của mọi hành vi lừa đảo. Có hai cách chiếm đoạt tiền phổ biến: Một là yêu cầu chính chủ chuyển khoản với lý do chứng minh tài chính, thực hiện các bước điều tra, tiền sẽ được trả lại sau khi kết thúc điều tra; hai là thông qua chiếm đoạt quyền kiểm soát tài khoản thông qua các đường link độc hoặc yêu cầu chính chủ đọc OTP gửi về điện thoại, sau đó kẻ xấu sẽ tự thực hiện các thao tác chuyển tiền từ tài khoản của bị hại.

Nhiều người tá hoả vì mất tiền chỉ sau một cuộc gọi 

Trong hai cách thức kể trên, việc bị chiếm đoat tài khoản ngân hàng là cực kỳ nguy hiểm và dẫn đến hậu quả khó lường, người dùng có thể mất luôn tài khoản ngân hàng hiện có, không thể lấy lại quyền truy cập. Đối với các trường hợp vi phạm pháp luật bị xử phạt hành chính, các khoản phạt này thông thường sẽ phải đóng tại kho bạc nhà nước hoặc tại nơi tiếp nhận xử lý vi phạm.

Vì vậy, khi có bất cứ hành vi nào đe doạ, dụ dỗ, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để phục vụ điều tra thì người dân không được làm theo. Thậm chí, có một số nhóm lừa đảo chuyên nghiệp còn sở hữu số tài khoản ngân hàng mang tên công ty, tổ chức.. điều này lại càng khiến nhiều người bị đánh lừa. 

Cách tốt nhất để tránh khỏi những chiêu trò lừa đảo này chính là không tiếp chuyện những nội dung cuộc gọi tương tự như trên. Khi có ai đó tự xưng cơ quan chức năng yêu cầu hợp tác thì yêu cầu được làm việc trực tiếp tại cơ quan liên quan, không làm việc qua điện thoại, mạng xã hội. Và cuối cùng, không hoang mang, sợ hãi khi bản thân không thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. 

H.G