Dưới đây là những hành động hầu như xảy ra hàng ngày của bố mẹ tưởng tốt nhưng vô tình dạy hư trẻ gây ảnh hưởng đến tính cách tương lai.
Cha mẹ chăm sóc trẻ quá mức
Nuông chiều con quá mức, còn được gọi là "nuôi dạy con cái trực thăng", là khi cha mẹ dành cho con quá nhiều sự quan tâm, quà tặng và đặc quyền.
Nhiều cha mẹ có thể dễ dàng rơi vào cái bẫy của việc chăm con cái quá mức, xuất phát từ quan điểm trẻ cần được nuôi dạy tốt nhất trong thời thơ ấu. Tuy nhiên, điều này lại ngăn cản sự phát triển bình thường về tâm lý và khả năng thích nghi của trẻ.
Những cha mẹ có xu hướng quá nuông chiều con thường không coi trọng kỷ luật. Họ cho phép con cái làm bất cứ điều gì chúng muốn. Điều này khiến trẻ trở nên hư hỏng và hay đòi hỏi, đồng thời thiếu kỷ luật tự giác.
Cha về đến nhà là nằm xem điện thoại
Thấy trẻ nghiện điện thoại nhiều cha mẹ tức giận và cho rằng con đang vô kỷ luật. Tuy nhiên thực tế ở nhiều gia đình, người cha còn mắc chứng "nghiện" điện thoại nặng hơn con cái.
Theo một nghiên cứu đa quốc gia cho thấy các bậc cha mẹ nhìn vào màn hình điện thoại để thư giãn có nhiều khả năng la mắng và cằn nhằn con cái hơn so với những người rời xa thiết bị của họ. Phát hiện này đã khiến một số chuyên gia kêu gọi các hướng dẫn quốc gia về lượng thời gian sử dụng thiết bị điện thoại mà người lớn nên tham gia và nên để tâm đến.
Việc cha mẹ sử dụng thiết bị di động có thể có tác động tiêu cực đến cảm xúc và khả năng tương tác xã hội của trẻ nhỏ, đồng thời giảm khả năng thấu hiểu giữa đôi bên. Hành vi như vậy không chỉ là tấm gương xấu mà còn khiến trẻ trở nên lười biếng, phá hủy bầu không khí học tập trong gia đình.
Mẹ thường phàn nàn
Người lớn ai cũng có nhiều căng thẳng trong cuộc sống, không thể tránh khỏi có lúc cáu kỉnh hay buồn bã. Tuy nhiên, nếu cha mẹ thường phàn nàn trước mặt con cái về công việc không thành công, sự bất mãn cuộc sống... họ sẽ vô tình gieo vào đầu con những áp lực cuộc sống sớm.
Cha mẹ thích phàn nàn, con cái cũng học cách kêu ca một cách vô nguyên tắc. Tính phàn nàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, khiến trẻ cảm thấy dễ bất mãn nếu có việc gì đó không như ý muốn, cũng như không có lợi cho sự phát triển lành mạnh của trẻ.
Nếu người mẹ có thái độ sống lạc quan, không kêu ca hay phàn nàn, mỗi khi gặp khó khăn con cái sẽ được truyền năng lượng tích cực và có đủ tự tin để dũng cảm tiến về phía trước.
Cha không chia sẻ việc nhà với mẹ
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, cả 2 vợ chồng đều góp phần vào việc chăm sóc gia đình, đi làm và nuôi dạy con cái. Việc san sẻ sẽ giúp giảm bớt gánh nặng trách nhiệm của mỗi thành viên, tăng sự kết nối và thấu hiểu nhau hơn.
Các nhà khoa học cho biết, trẻ gần gũi với mẹ nhưng lại học nhiều điều từ cha. Việc gần gũi và học những điều tốt từ cha sẽ giúp con tăng khả năng tìm tòi, sáng tạo của mình, từ đó hỗ trợ tối ưu cho sự phát triển trí tuệ.
Nghiên cứu cũng chỉ ra, nếu con trai thấy chỉ có mẹ là người làm việc nhà sẽ nảy sinh tư tưởng đây là công việc của phụ nữ và không tham gia vào. Lớn lên con sẽ thiếu tinh thần trách nhiệm, ngại làm việc nhà cũng như không có các kĩ năng cần thiết trong cuộc sống.
Còn con gái luôn kém tự tin, ngại khó khăn và có lựa chọn nghề nghiệp hạn hẹp hơn. Bởi vậy một người cha chủ động làm việc nhà là người tạo ra cuộc sống hạnh phúc cho con cái.
Cha luôn cáu giận
Đại học Cambridge ở Vương quốc Anh từng tiến hành thí nghiệm về mối quan hệ giữa di truyền và tính cách. Theo đó, người mẹ ảnh hưởng trực tiếp tới trí thông minh của trẻ, trong khi tính cách của trẻ lại bị ảnh hưởng lớn từ cha.
Nếu đứa trẻ có một người cha ôn hoa, trẻ sẽ học được cách giao tiếp tốt, còn ngược lại nếu có một người cha nóng tính, đứa trẻ cũng trở nên hung dữ, luôn giải quyết mọi việc bằng bạo lực.
Việc quản lý cảm xúc thực tế là biểu hiện quan trọng trong sự phát triển toàn diện của một đứa trẻ, thậm chí ảnh hưởng đến việc bé có được các mối quan hệ giữa các cá nhân tốt và một tinh thần lành mạnh trong tương lai hay không.
Cha mẹ không tuân theo đạo đức xã hội
Cha mẹ luôn là tấm gương phản chiếu của con cái, trước khi dạy con, hãy tự dạy chính mình. Trẻ luôn có thói quen là nhìn vào hành vi của cha mẹ để bắt chước. "Quả" hiện tại của con thực ra là do cha mẹ trồng.
Ví dụ nếu muốn con lễ phép với mình, cha mẹ phải lễ phép với ông bà. Nếu muốn con lịch sự nơi công cộng thì cha mẹ phải biết cách giữ ý, cư xử đúng mực ở chốn đông người. Dù vô thức hay có ý thức, con cái sẽ học theo những gì cha mẹ làm hơn những điều cha mẹ nói.
So sánh trẻ với người khác
Hơn ai hết, con cái luôn mong muốn làm hài lòng cha mẹ và việc không đáp ứng được kỳ vọng có thể khiến chúng lo lắng tột độ. Sự so sánh có thể hạ thấp lòng tự trọng của trẻ, từ đó trẻ bắt đầu tin rằng những người khác đều tốt hơn mình.
Mỗi đứa trẻ đều có tài năng, sở thích và khả năng phát triển ở mức độ khác biệt. Nếu phải nhận so sánh, trẻ sẽ trở nên tự ti luôn thấy mình kém cỏi, phát sinh tâm lý oán giận mọi người, cũng như ảnh hưởng đến lòng tự trọng của trẻ.
Không ai hoàn hảo trong tất cả các lĩnh vực. Nhưng bằng cách tiếp cận tích cực và động viên trẻ mà không so sánh chúng với những đứa trẻ khác có thể giúp trẻ làm điều tốt, trở thành những cá nhân tự tin và thành công.
Như Quỳnh (T/h)