Bằng lái xe (giấy phép lái xe) là một loại giấy phép, chứng chỉ do cơ quan Nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp cho một cá nhân cụ thể, cho phép người đó được vận hành, lưu thông, tham gia giao thông bằng xe cơ giới như: xe máy, xe mô tô phân khối lớn, xe ô tô, xe tải, xe buýt, xe khách…
Nghị định 123/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, giao thông… quy định người lái xe máy, ô tô… nếu vi phạm các lỗi dưới đây thì bị tước bằng lái xe từ 22 - 24 tháng.
Theo đó, tước bằng lái xe là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong thời gian bị tước bằng lái xe thì không được điều khiển xe.
Thời hạn tước bằng lái xe có thể từ 1 - 24 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành.
Cụ thể, các lỗi vi phạm bị tước bằng lái xe đến 2 năm gồm:
- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở.
- Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.
- Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy.
- Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ.
Ngoài bị tước bằng lái xe, người lái ô tô vi phạm 4 lỗi trên sẽ bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng. Người lái xe máy vi phạm 4 lỗi trên cũng bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng.
Trong thời gian bị tước quyền sử dụng bằng lái xe, người bị tước không được điều khiển phương tiện ghi trong giấy phép lái xe bị tước quyền sử dụng để tham gia giao thông, nếu vi phạm sẽ bị phạt tiếp với lỗi không có giấy phép lái xe.
Mức phạt không có bằng lái xe đối với xe máy: Phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng với người điều khiển xe mô tô 2 bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3. Phạt tiền từ 4 – 5 triệu đồng với người điều khiển xe mô tô 2 bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên.
Đối với xe ô tô, máy kéo: Phạt tiền từ 10 – 12 triệu đồng.