Những người "nổi tiếng bất đắc dĩ": Nụ cười cuối đời của tử tù 43 năm "ôm" án oan

Nhắc đến những cái tên như cụ Trần Văn Thêm, ông Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long...dư luận không thể quên những gì họ đã trải qua sau khi chịu đựng hàng ngày tù oan.

Sau này, khi được minh oan, những người “nổi tiếng bất đắc dĩ” ấy vẫn sống trong nỗi day dứt, niềm đau không thể gọi thành tên.

Bài 1:

Hạnh phúc cuối đời của người 43 năm mang thân phận tử tù oan

Hơn 43 năm mang thân phận tử tù, những tưởng thân phận ấy sẽ theo cụ Trần Văn Thêm đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Nhưng cuộc đời vẫn còn công bằng với cụ khi hung thủ thật sự bị bắt và nỗi hàm oan của cụ được hóa giải. Giờ đây, cụ Thêm sống an yên bên con cháu và dần xóa nhòa ký ức về những ngày sống ở “địa ngục trần gian”.

“Cõng” trên lưng nỗi oan đi qua hai thế kỷ

Căn nhà cấp 4 cũ của cụ Trần Văn Thêm (84 tuổi, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) - người mang án oan giết em họ, nằm khuất phía cuối thôn Đức Lân. Hôm chúng tôi đến, cháu nội của cụ vừa yên bề gia thất, trong lòng cụ cảm thấy vui vì những tháng ngày cuối đời được sum vầy bên cháu con, chứng kiến con cháu trưởng thành.

Đôi mắt nhìn xa xăm, cụ Thêm kể lại: Tháng 3/1970, vì cuộc sống mưu sinh để nuôi 5 người con, đứa lớn mới 11 tuổi, đứa bé nhất mới 3 tuổi, cụ Thêm cùng người em con cô ruột tên là Nguyễn Khắc Văn đi xe đạp lên Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) để bán thuốc lào và mua trám mang về chợ quê bán.

Pháp luật - Những người 'nổi tiếng bất đắc dĩ': Nụ cười cuối đời của tử tù 43 năm 'ôm' án oan
Sức khỏe của cụ Trần Văn Thêm giờ đã yếu hơn.

Đêm 24/7/1970, anh em cụ ghé vào ngủ ở lều cắt tóc lụp xụp cạnh Cầu Diện, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú. Nửa đêm, 1 tên cướp tấn công, đánh cụ Thêm bị thương, khi ông Văn choàng dậy cũng bị cướp đánh luôn vào đầu. Anh em cụ Thêm chống cự lại và kêu cứu thì tên cướp bỏ chạy.

“Khi dân làng đến cứu thì tôi đang bị thương, trên tay đang cầm chiếc cọc xe thồ dính máu, còn ông Văn bị thương nặng nằm tại chỗ, được đưa đi bệnh viện cấp cứu, sau đó tử vong. Căn cứ vào tài sản không bị mất, cướp không thấy, chỉ thấy lúc đó trên tay tôi đang cầm cọc thồ dính máu nên cơ quan tố tụng buộc tội tôi là hung thủ. Sau đó, bị 2 cấp tòa tuyên tử hình về tội Giết người, Cướp tài sản”, cụ Thêm nhớ lại.

Thời gian ở tù, có lần 1 phạm nhân khác rủ cụ Thêm vượt ngục nhưng cụ không đồng ý, cụ không muốn sống chui sống nhủi khi đang bị oan. Một ngày, cụ xin được mẩu giấy nhưng lại không có bút nên đã cắn đầu ngón tay để lấy máu viết thư kêu oan gửi về gia đình để tìm cách chuyển đi các cơ quan có thẩm quyền. Đây là lần gửi duy nhất của cụ trong thời gian ở trong tù.

Pháp luật - Những người 'nổi tiếng bất đắc dĩ': Nụ cười cuối đời của tử tù 43 năm 'ôm' án oan (Hình 2).
Cụ Thêm sống cùng con trai cả trong căn nhà cũ.

Thế rồi, nỗi oan của cụ Thêm đã được gột rửa khi hung thủ thực sự bị bắt. Năm 1976, cụ Thêm được trả tự do nhưng vẫn mang thân phận bị án. Năm 1997, lá đơn đầu tiên đề nghị được minh oan cũng được cụ Thêm gửi đến cơ quan chức năng. Cụ Thêm cùng gia đình đã có nhiều đơn kêu oan đến các cơ quan cao nhất của Đảng, Quốc hội, cơ quan tiến hành tố tụng, đề nghị trả lại sự trong sạch cho mình. Tuy nhiên, hồ sơ bị tắc vì cụ Thêm không có bất kỳ giấy tờ gì liên quan đến vụ án, kể cả cáo trạng hay bản án 2 phiên tòa kết tội cụ.

Năm 2014, TAND Tối cao mới trích lục được 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm của cụ Trần Văn Thêm tại Công an tỉnh Bắc Ninh, yêu cầu các cơ quan tố tụng Trung ương và địa phương phối hợp giải quyết.

Day dứt niềm đau về người cha

Nhớ lại ngày đoàn viên, cụ Thêm cho hay, hàng xóm đến rất đông để hỏi chuyện. Trong số người đứng kín căn nhà tranh 3 gian để chia vui, có vợ của chú Văn. Khi ấy, không biết bao nhiêu nước mắt của cụ, người thân đã rơi, họ khóc vì hạnh phúc, vì mừng cho cụ đã thoát kiếp nạn chốn trần gian.

Đưa bàn tay nhăn nheo, run rẩy chỉ vết sẹo dài, lõm sâu sau đỉnh đầu, cụ Thêm nói: “Vết sẹo bị bọn cướp đánh đấy, khi trái gió trở trời, đầu tôi đau nhức, không ngủ được". Cụ bảo trí nhớ đã giảm, sức khỏe yếu đi lại khó khăn nhưng ký ức về bi kịch của cuộc đời mình thì đến khi nhắm mắt cũng không thể quên.

Điều khiến cụ xót xa nhất chính là không được về chịu tang cha. Người mang tù oan kể, khi đang thụ án thì bất ngờ được 1 bạn tù cùng quê mới vào trại, báo cha cụ đã qua đời. "Tôi nghe mà bủn rủn chân tay. Tôi chưa báo hiếu được cho cha, lại khiến cha ra đi trong oan ức vì lời gièm pha của người đời", cụ Thêm rơi nước mắt khi nói.

Pháp luật - Những người 'nổi tiếng bất đắc dĩ': Nụ cười cuối đời của tử tù 43 năm 'ôm' án oan (Hình 3).
Cụ Thêm đang tìm lại những tài liệu liên quan đến vụ án oan năm xưa.

Sau khi cụ Thêm đoàn tụ cùng gia đình (thời gian đó vẫn chưa có quyết định đình chỉ điều tra vụ án), bản thân cụ và con cháu vẫn thấp thỏm không yên. Điều đáng nói, cụ Thêm chỉ được cấp 1 loại giấy tờ duy nhất, đó là tờ chứng nhận bị thương để miễn lao động. Bị nhiều người xa lánh, gia đình cụ Thêm sống yên lặng trong buồn tủi và cuộc sống khó khăn.

Nhắc đến câu chuyện bồi thường, cụ Thêm nói: “Chuyện đã qua, tôi cũng không muốn nhắc lại. Khi tôi được giải oan, được Nhà nước bồi thường cho 6,7 tỷ đồng, tôi trả ơn cho những người đã từng giúp mình một phần, còn lại cho con cháu hết, không giữ lại đồng nào cho riêng mình”.

Cụ Thêm cũng thanh minh rằng, không có chuyện con cái cụ bất hòa vì không được chia tiền bồi thường của cha và cũng không muốn nhắc đến khoản “bồi dưỡng” luật sư như thế nào.

"Tiền là vật ngoài thân, tôi không tiếc và cũng không bao giờ quên những người đã giúp đỡ mình dù là nhỏ nhất. Ở tuổi "gần đất xa trời", điều hạnh phúc nhất đối với tôi bây giờ chính là được chứng kiến con cháu trưởng thành, hiếu thuận", cụ Thêm bày tỏ.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Nghiêm Văn Hùng- Trưởng thôn Đức Lân rất phấn khởi vì công dân địa phương mình được minh oan, hiện nay sức khỏe cụ Thêm có phần yếu đi nhiều so với mấy năm trước nhưng luôn sống vui khỏe, lạc quan, làm gương cho con cháu. Địa phương vẫn có những chính sách quan tâm đối với người cao tuổi như cụ Thêm.

Nguyễn Thúy- Hương Lan

(Còn nữa)