Tràn lan "nữ quái" học đường
Gần đây, clip một nữ sinh ngồi thụp giữa nền gạch trong phòng học bị nhóm bạn nữ đấm đá túi bụi gây bất bình. Nguy hiểm hơn, một nữ sinh cầm ghế nhựa phang nhiều cái vào đầu của nữ sinh N., sau đó nhiều bạn xúm lại xé rách áo dài trắng của bạn, vụ việc xảy ra gây xôn xao dư luận.
Ngay sau khi clip được phát tán trên mạng xã hội, cơ quan công an xác minh nữ sinh trong clip thuộc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp thường xuyên TP. Bến Tre. Được biết, ông Lê Thanh Quang - Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre đã có quyết định đình chỉ học tập đối với 4 nữ sinh liên quan đến clip đánh nhau.
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ việc nữ sinh đánh nhau, quay lại clip phát tán lên mạng xã hội. Trước đó, đã có hàng loạt vụ hành hung bạn học khiến dư luận dậy sóng. Ngày 24/9, 2 nữ sinh lớp 10 trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đánh hội đồng một nữ sinh khác ngay trước cổng trường.
Nguyên nhân do xích mích cá nhân trong lời nói sau khi tan trường mà ban đầu đơn giản chỉ là một trong hai cho rằng người kia “nhìn đểu” mình.
Ngày 26/9, một đoạn clip khác lại gây xôn xao dư luận khi 3 nữ sinh trường THCS Thạnh Bình, H.Tân Biên, Tây Ninh dùng nón bảo hiểm thay phiên nhau đánh vào đầu, mặt của một nữ sinh. Nữ sinh này bị đánh nhiều lần và té ngã. Thậm chí, nhiều lần nữ sinh này van xin nhưng vẫn tiếp tục bị đánh trong khi một nữ sinh khác quay lại diễn biến vụ việc.
Sau những vụ việc đau lòng trên, rất nhiều người đã phải đặt ra câu hỏi: “Phải chăng hình thức xử lý những “nữ quái” học đường đủ sức nghiêm trị nên nó vẫn tái diễn tràn lan? Có ý kiến cho rằng, có thể việc xử lý chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”, nên mới chỉ giải quyết phần ngọn.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, độ tuổi của các em đang trong quá trình phát triển cả về sinh lí, tâm lí và ý thức. Đây là giai đoạn diễn ra những biến cố rất đặc biệt, đó là sự phát triển cơ thể đặc biệt nên đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng tạm thời trong cảm xúc của người chưa thành niên.
Trên thực tế, trạng thái thần kinh, trạng thái cảm xúc không cân bằng có thể là yếu tố gây nên các hành vi lệch chuẩn. Có không ít trường hợp, do xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ, nhưng không kiềm chế được sự nóng giận quá khích mà người chưa thành niên đã phạm phải hành động sai lầm, thậm chí là thực hiện hành vi phạm tội.
“Ở lứa tuổi học sinh là giai đoạn phát triển nhanh về mặt sinh học nhưng lại thiếu cân đối về mặt trí tuệ. Kinh nghiệm trong cuộc sống còn quá ít ỏi, đặc biệt là khả năng nhận thức về pháp luật còn nhiều hạn chế. Một phần không nhỏ, hành vi của các em chỉ để thỏa mãn nhu cầu, hứng thú không đúng đắn của cá nhân, không quan tâm đến hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
Chỉ khi được giải thích, phân tích các em mới hiểu rằng hành vi của mình là phạm tội. Chính vì thế, Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.
Hay như Bộ luật hình sự cũng quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Theo đó, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều của Bộ luật này”, luật sư Bình cho hay.
Cũng theo luật sư Bình, ở trường hợp vụ nữ sinh đánh nhau ở Bến Tre, 4 nữ sinh này sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP vì hành vi đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau.
Ngoài ra, việc các em đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường thuộc các trường hợp học sinh không được làm theo quy định tại Điều 41 Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT và sẽ bị xử lý theo một trong các hình thức sau: Phê bình trước lớp, trước trường; Khiển trách và thông báo với gia đình; Cảnh cáo ghi học bạ; Buộc thôi học có thời hạn.
Bên cạnh đó, căn cứ vào Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì tùy vào tính chất, mức độ tổn thương của em N. mà 4 nữ sinh này có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích tại Điều 134. Để có kết luận cuối cùng, cần phải chờ kết quả điều tra và làm rõ của cơ quan có chức năng.
Nghiêm trị đã đủ?
“Ngoài việc kỷ luật ngăn chặn không để các hiện tượng sai trái phát triển, cần giáo dục các học sinh phạm sai lầm, giúp các học sinh này phấn đấu trở thành học sinh tốt. Thúc đẩy học sinh tự giác thực hiện quy định về quyền hạn, nhiệm vụ của mình nhằm nâng cao ý thức góp phần xây dựng mọi nề nếp, kỷ cương trong nhà trường. Do vậy, ở lứa tuổi này rất cần sự quan tâm giáo dục từ nhà trường và gia đình. Khi để xảy ra việc đánh nhau trong trường học thì không thể không nói đến trách nhiệm của nhà trường và gia đình”, luật sư Bình chia sẻ thêm.
Thiết nghĩ, khi để xảy ra các vụ việc như trên, không thể không nói đến trách nhiệm của nhà trường và gia đình. Tuy nhiên, cách xử lý đình chỉ 4 nữ sinh đánh bạn liệu đã hợp lý hay chưa hay chỉ là phản ứng của nhà trường mang tính giải pháp tình huống? Muốn giải quyết được gốc rễ vấn đề, phải hiểu được nguyên nhân nảy sinh vấn đề đó.
Khi các em đang hư hoặc làm sai mà lại đình chỉ hoặc đuổi học thì chỉ là hành động gây phản tác dụng, vừa không có tính giáo huấn, lấy mất nền tảng giáo dục, có thể đưa các em đi sai hướng, do tạo cảm giác tự ti.
Khi ấy, các em sẽ mặc định là mình hư, mình sai, bị đuổi học rồi nên dễ tạo tâm lý buông xuôi. Tạo một tâm lý tiêu cực, bất cần sẽ khiến các em khó quay đầu, gây ra hệ quả xấu cho bản thân học sinh đó và xã hội.
Có lẽ, đã đến lúc nhà trường cần phải tìm hình thức xử phạt đi vào gốc rễ của vấn đề, hiểu được nguyên nhân nảy sinh vấn đề, từ đó ngăn chặn và phòng ngừa chứ không phải chỉ giải quyết khi sự việc đã xảy ra.