PGS.TS Bùi Hoài Sơn: "Văn hoá quan trọng với sự phát triển kinh tế"

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, văn hoá rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.

Sáng 15/8, Hiệp hội Phát triển văn hoá doanh nghiệp Việt Nam đã thông tin về việc tổ chức Diễn đàn quốc gia thường niên Văn hóa với doanh nghiệp lần thứ hai năm 2022.

Đại diện Hiệp hội Phát triển văn hoá doanh nghiệp Việt Nam cho biết, Diễn đàn quốc gia thường niên Văn hóa với doanh nghiệp lần thứ hai năm 2022 nhằm góp phần hiện thực hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; khẳng định vai trò, tầm quan trọng của văn hoá trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh; khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực văn hóa như là đòn bẩy và trợ lực quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế.

Đây cũng là dịp để lãnh đạo Đảng và Nhà nước gặp gỡ, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe các kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế; tôn vinh các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam; lan tỏa sâu rộng Cuộc vận động Xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Sự kiện - PGS.TS Bùi Hoài Sơn: 'Văn hoá quan trọng với sự phát triển kinh tế'

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Phát biểu về việc tổ chức diễn đàn, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho hay: "Văn hoá quan trọng trong sự phát triển kinh tế, chúng ta nên tập trung phát triển con người, là con người có văn hoá. Tôi tán thành việc diễn đàn Văn hóa với doanh nghiệp nên được tổ chức hàng năm. Mỗi năm diễn đàn có một chủ đề khác nhau liên quan đến văn hoá là rất ý nghĩa. Tôi cũng quan tâm đến việc các doanh nghiệp đưa những giá trị văn hoá vào cơ qaun thế nào cho tinh thần doanh nghiệp - văn hoá được hoà quyện vào nhau tạo ra sức bật mới cho sự phát triển của đất nước.

Ở các nước phương Tây, văn hoá doanh nghiệp họ làm rất tốt. Nói đến các doanh nghiệp đó, là nói đến văn hoá của họ, thương hiệu mà họ đã làm ra. Khi doanh nghiệp có nền tảng văn hoá, họ sẽ tạo một tấm gương tốt lan toả ra toàn xã hội. Khi các doanh nhân có văn hoá, họ sẽ có nền tảng để phát triển kinh tế theo hướng tích cực".

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, điều chúng ta đang thiếu hiện nay là sự kết hợp văn hoá với phát triển kinh tế. Do đó, làm thế nào để có nền văn hoá thích ứng với nền kinh tế thị trường rất cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, để có nền kinh tế thấm đẫm văn hoá.

"Khi có văn hoá đi kèm, doanh nghiệp sẽ có môi trường làm việc lành mạnh, một người có suy nghĩ tiêu cực làm việc ở một doanh nghiệp văn hoá lành mạnh, họ cũng dễ trở thành một người tích cực hơn", PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho hay.

GS.TS. Đinh Văn Hiến - Phó Chủ tịch Thường trực Hội khởi nghiệp Quốc gia thì cho biết: "Tôi tham gia Hiệp hội Phát triển văn hoá doanh nghiệp Việt Nam từ những ngày đầu khi nhạc sĩ An Thuyên từng hoạt động ở đây. Tôi thấy rằng, phát triển văn hoá với doanh nghiệp là một trong những tiêu chí sống còn không thể tách rời. Văn nghiệp nào thì có văn hoá của nơi đó, tuy nhiên chúng ta cũng phải có một tiêu chí chung để đồng hành cùng doanh nghiệp. Văn hoá có 3 trụ cột lớn: Văn hoá công chức, Văn hoá doanh nghiệp, Văn hoá quản lý, văn hoá đi từ người lãnh đạo lan toả tới từng bộ phận, tạo nên một cái "xương sống" chung cho doanh nghiệp".

Theo Hiệp hội Phát triển văn hoá doanh nghiệp Việt Nam, diễn đàn sẽ gồm 3 hoạt động chính: Hội thảo với chủ đề Chấn hưng văn hóa - nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững tập trung trao đổi, thảo luận xung quanh các vấn đề chính vai trò, tác động của chấn hưng văn hóa đến phục hồi và phát triển kinh tế bền vững; những nội dung cơ bản của chấn hưng văn hóa - nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững; những bài học thực tiễn của Việt Nam và quốc tế về phát huy vai trò của văn hóa trong phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, nhất là trong và sau đại dịch Covid-19; giải pháp nâng cao vai trò của văn hóa trong phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh hậu Covid-19 và các xung đột địa - chính trị, địa - kinh tế trên thế giới hiện nay.