Phạt tiền với cá nhân không phân loại rác thải sinh hoạt từ 25/8

Nghị định 45/2022/NĐ-CP đã bổ sung thêm quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt.

Ngày 7/7, Chính phủ ban hành Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.

Nghị định này có hiệu lực từ 25/8/2022 và thay thế Nghị định 155/2016/NĐ-CP, Nghị định 55/2021/NĐ-CP.

Đốt rơm rạ gần đường giao thông, khu dân cư bị phạt tiền đến 3 triệu đồng

Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định cụ thể mức xử phạt đối với vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể, phạt tiền từ 2,5 đến 3 triệu đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính.

Phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký, kiểm kê, báo cáo và quản lý thông tin về hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y theo quy định; sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y sai quy định và gây ô nhiễm môi trường.

Đối với hành vi không thực hiện việc đánh giá và kiểm soát hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y theo quy định bị phạt tiền từ 30 đến 50 triệu đồng.

Phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép và gây ô nhiễm môi trường.

Đối với hành vi nhập khẩu hóa chất, vật liệu chứa hóa chất nguy hại không đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường bị phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng.

Phạt tới 1 triệu đồng với cá nhân không phân loại rác thải sinh hoạt

Nghị định 45/2022/NĐ-CP bổ sung thêm quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt.

Cụ thể, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt theo quy định.

Hiện hành, Nghị định 155/2016/NĐ-CP không có quy định về mức phạt đối với cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt.

Đồng thời, Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt với tổng khối lượng từ 300kg/ ngày trở lên thì sẽ bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng đối với hành vi không ký hợp đồng với đơn vị thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải; Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi sử dụng phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường.

Nghị định cũng quy định mức phạt đối với hành vi gây ô nhiễm đất, nước, không khí; gây ô nhiễm môi trường kéo dài.

Cụ thể, phạt tiền từ 40 đến 50 triệu đồng đối với hành vi rò rỉ, thải hóa chất độc vào môi trường đất, nước trái quy định về bảo vệ môi trường.

Đối với hành vi thải các nguồn gây dịch bệnh vào môi trường bị áp dụng hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Đối với hành vi gây ô nhiễm đất, nước (nước ngầm, nước mặt bên trong và ngoài khuôn viên của cơ sở) hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đất, nước, không khí xung quanh bị xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 50 đến 80 triệu đồng đối với trường hợp hàm lượng chất gây ô nhiễm (thông số môi trường) trong đất, nước hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật dưới 3 lần đối với thông số môi trường nguy hại hoặc dưới 5 lần đối với thông số môi trường thông thường.

Phạt tiền từ 80 đến100 triệu đồng đối với trường hợp hàm lượng chất gây ô nhiễm (thông số môi trường) trong đất, nước hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 3 lần đến dưới 5 lần đối với thông số môi trường nguy hại hoặc từ 5 lần đến dưới 10 lần đối với thông số môi trường thông thường.

Phạt tiền từ 100 đến 150 triệu đồng đối với trường hợp hàm lượng chất gây ô nhiễm (thông số môi trường) trong đất, nước hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 5 lần trở lên đối với thông số môi trường nguy hại hoặc từ 10 lần trở lên đối với thông số môi trường thông thường.

Các mức phạt vi phạm tiếng ồn

Đặc biệt, Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định mức phạt vi phạm về tiếng ồn vượt quá mức cho phép.

Cụ thể, mức phạt vi phạm các quy định về tiếng ồn đối với cá nhân như sau:

STT

Tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn

Mức phạt

Phạt bổ sung

1

Dưới 02 dBA.

Phạt cảnh cáo

Không áp dụng mức phạt bổ sung

2

Từ 02 dBA đến dưới 05 dBA

Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng

3

Từ 05 dBA đến dưới 10 dBA

Từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng

4

Từ 10 dBA đến dưới 15 dBA

Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng

Đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn của cơ sở từ 3 tháng đến 6 tháng đối với trường hợp vi phạm

5

Từ 15 dBA đến dưới 20 dBA

Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng

6

Từ 20 dBA đến dưới 25 dBA

Từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng

7

Từ 25 dBA đến dưới 30 dBA

Từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng

8

Từ 30 dBA đến dưới 35 dBA

Từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng

Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 06 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm

9

từ 35 dBA đến dưới 40 dBA

Từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng

10

Từ 40 dBA. trở lên

Từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng

Buộc áp dụng biện pháp khắc phục hiệu quả như buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều 22 Nghị định 45/2022/NĐ-CP.

Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm tiếng ồn theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều 22 Nghị định 45/2022/NĐ-CP.

Lưu ý, theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định đây là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm mức phạt tiền gấp 2 đối với tổ chức.

Bổ sung quy định thời hiệu về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Theo Nghị định mới thì thời hiệu thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 2 năm và thời hiệu để xử phạt các hành vi khác được quy định theo Điều 5 Nghị định 45/2022/NĐ-CP.

Căn cứ Điều 76 Nghị định 45/2022/NĐ-CP về quy định chuyển tiếp xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như sau: Các hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà bị phát hiện hoặc xem xét ra quyết định xử phạt khi Nghị định này đã có hiệu lực thi xử phạt theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Nghị định số 55/2001/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, trừ trường hợp Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra thì áp dụng Nghị định này.

Như vậy, kể từ thời điểm Nghị định này có hiệu lực thì các hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường ra trước ngày này thì được quy định như trên.