Phú bà Thân Thuý Hà U50 làm mẹ đơn thân, phản ứng của con gái sinh ở Mỹ khi mẹ đi thêm bước nữa thấy thương

Nữ diễn viên Thân Thuý Hà làm mẹ đơn thân của 1 cậu con trai và 1 nàng công chúa đáng yêu.

Sau bao nhọc nhằn khi phải một mình nuôi con, tất cả những bà mẹ đơn thân đều xứng đáng có được hạnh phúc, dù là hạnh phúc với những gì ở hiện tại hoặc chọn bước thêm bước nữa. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng, đối diện với hoàn cảnh mẹ lấy chồng mới thì mỗi đứa trẻ, tuỳ vào tính cách và độ tuổi sẽ có những phản ứng khác nhau.

Điển hình như mới đây, nữ diễn viên Thân Thuý Hà chia sẻ một tình huống liên quan đến vấn đề này và cách ái nữ cô phản ứng khiến nhiều người thấy thương. “Con không thích mẹ hát bài trời mưa bong bóng bập bồng chút nào cả… mẹ đi lấy chồng con đu cái chân mẹ, đi theo mẹ ở với mẹ rồi con kêu chú bảo vệ bắt chồng mẹ nhốt lại” - Thân Thuý Hà hài hước chia sẻ trên trang cá nhân.

Ở độ tuổi U50, nữ diễn viên hiện tại đang làm mẹ đơn thân của 1 cậu con trai và 1 cô con gái. Bé Hera được cô bí mật sinh ở Mỹ. Phản ứng của nhóc tỳ trong tình huống này cũng là tâm lý chung của nhiều đứa trẻ ở độ tuổi còn nhỏ. Với chúng, mẹ luôn quan trọng nhất và “mẹ là của mình” chứ không thể là của bất kỳ một ai khác. 

Tuy nhiên, Thân Thúy Hà cũng từng chia sẻ, cô muốn có con chứ không có kế hoạch đi thêm bước nữa. Suốt nhiều năm nay, Thân Thúy Hà một mình nuôi dạy hai con và chăm chỉ làm việc từ tham gia đóng phim cho tới kinh doanh. 

Trên trang cá nhân của mình, nữ diễn viên thường xuyên cập nhật về cuộc sống hạnh phúc của 3 mẹ con. Người đẹp thỉnh thoảng vẫn chia sẻ hình ảnh của 2 con, các nhóc tỳ thu hút sự chú ý của mọi người vì ngoại hình nổi bật. Cậu con trai lớn của Thân Thuý Hà ở tuổi dậy thì càng ngày càng điển trai, còn ái nữ thì giống hệt mẹ.

Chia sẻ trong một chương trình về chuyện tình cảm, nữ diễn viên khẳng định: "Tôi không có ý định đi bước nữa. Tôi xác định là không lấy chồng nữa. Làm mẹ đơn thân có hơi cực một chút nhưng tôi thấy hài lòng với nó. Con đường tôi chọn là mẹ đơn thân, tôi biết chắc chắn thời gian dành cho con không nhiều như gia đình khác vì tôi phải đi kiếm tiền nuôi con. Dù tôi cần tiền để nuôi con nhưng không phải 100% thời gian vì tiền, tôi biết cân bằng cho con nữa. Bây giờ tôi chỉ ước có nhiều thời gian dành cho con hơn, muốn dắt con đi đây đi đó. Hiện tại tôi thấy cuộc sống của mình đang hạnh phúc".

Tuy câu chuyện của con gái Thân Thuý Hà ở trên không phải hiện thực hoá, nhưng qua đó có thể thấy rằng, khi một đứa trẻ ở trong hoàn cảnh gia đình bố mẹ ly hôn và người bố hoặc người mẹ muốn đi thêm bước nữa thì việc chuẩn bị về mặt tâm lý cho trẻ là cực kỳ quan trọng. Bởi con cần thời gian và sự hướng dẫn phù hợp từ người lớn để dần hoà nhập và chấp nhận sống trong một gia đình mới.

Vậy bố mẹ nên làm gì để chuẩn bị tâm lý cho trẻ trong trường hợp này?

Đầu tiên, tạo một môi trường gia đình an toàn và yêu thương cho trẻ. Điều này đảm bảo rằng trẻ cảm thấy an tâm và được đón nhận. Người lớn cần lắng nghe, đáp ứng các cảm xúc và nhu cầu của trẻ, đồng thời khuyến khích trẻ tự do thể hiện tình cảm của mình mà không bị trách móc.

Thứ hai, giải thích tình huống một cách đơn giản và phù hợp với từng độ tuổi của trẻ. Tránh sử dụng thông tin quá phức tạp hoặc không phù hợp, để giúp trẻ hiểu rõ về sự thay đổi trong gia đình.

Thứ ba, đối xử công bằng và tôn trọng giữa các phụ huynh. Điều này giúp trẻ cảm thấy an toàn và tin tưởng vào môi trường gia đình mới. Trẻ cần thấy rằng cả bố và mẹ đều quan tâm và coi trọng mình.

Thứ tư, người lớn nên dành thời gian để lắng nghe và trò chuyện với trẻ về những suy nghĩ, cảm xúc cũng như giải đáp các thắc mắc của trẻ liên quan đến gia đình mới. Tạo ra một môi trường mở cho trẻ tự do thể hiện và đáp ứng các câu hỏi một cách thành thật, phù hợp.

Thứ năm, hỗ trợ và hướng dẫn trẻ trong quá trình thích nghi với cuộc sống trong gia đình mới. Trẻ cần sự hỗ trợ và hướng dẫn từ người lớn để hiểu và chấp nhận sự thay đổi. Bằng cách cho trẻ tham gia vào các hoạt động gia đình, xây dựng mối quan hệ tốt với người mới và tìm hiểu về thành viên gia đình mới, như vậy thì trẻ có thể dần dần thích nghi với hoàn cảnh này.

Cuối cùng, giúp trẻ quản lý cảm xúc của mình. Gia đình ly hôn có thể gây ra những cảm xúc phức tạp cho trẻ. Hỗ trợ trẻ hiểu và quản lý cảm xúc bằng cách khuyến khích trẻ thể hiện suy nghĩ, quan điểm, cung cấp các phương pháp giải tỏa stress và hỗ trợ trẻ tìm hiểu cách xử lý cảm xúc một cách lành mạnh.

Nếu con trẻ bày tỏ thái độ không muốn bố hoặc mẹ đi thêm bước nữa, phản ứng của bố mẹ như thế nào là phù hợp?

Trường hợp con cái tỏ thái độ không muốn bố mẹ đi thêm bước nữa, phản ứng của bố mẹ lúc này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình sự hiểu biết và hỗ trợ cho con về mặt tinh thần. 

Trước tiên, bố mẹ cần dành thời gian lắng nghe chân thành và hiểu sâu sắc những lý do mà con không muốn bố mẹ đi thêm bước nữa. Con có thể đang trải qua những lo lắng, sợ hãi, hoặc cảm thấy không thoải mái với điều này. Bố mẹ nên tạo ra một không gian an toàn và không đánh giá, để con có thể chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của mình một cách tự do.

Sau khi lắng nghe, bố mẹ có thể giải thích một cách rõ ràng và tận tâm lý do tại sao bản thân muốn đi thêm bước nữa, và những lợi ích, hạnh phúc mà nó có thể mang lại cho cả gia đình. Bố mẹ nên mở cuộc thảo luận và trao đổi quan điểm, tạo cơ hội cho con hiểu và đưa ra ý kiến của mình. Việc này sẽ giúp con cảm thấy được coi trọng, và biết rằng ý kiến của mình luôn được bố mẹ lắng nghe, cân nhắc.

Trong quá trình này, bố mẹ cần tôn trọng quyền lựa chọn của con. Mặc dù bố mẹ có mong muốn tạo ra một gia đình mới, nhưng việc bố hoặc mẹ đi thêm bước nữa không nên bắt buộc con chấp nhận nếu con không sẵn lòng. Bố mẹ có thể thể hiện tình yêu và sự quan tâm đối với con, thông qua việc tôn trọng quyền lựa chọn của con, và cho con thời gian để tập cách chấp nhận, cũng như dần thoải mái hơn với hoàn cảnh gia đình mới.

Cuối cùng, bố mẹ cần khuyến khích con tham gia vào quá trình xây dựng mối quan hệ mới. Bằng cách tạo cơ hội cho con gặp gỡ và tương tác với người mới trong cuộc sống của bố mẹ, con có thể dần dần hiểu và chấp nhận hơn. Bố mẹ cần biết rằng, quá trình này có thể mất rất nhiều thời gian, và cần được thực hiện theo từng bước nhỏ, đồng thời bố mẹ phải luôn cung cấp sự hỗ trợ và an ủi kịp thời cho con trong suốt quá trình điều chỉnh và thích nghi này.

KIỀU TRANG