Quán ăn dán ảnh cấm TikToker, ranh giới giữa review đúng và sai

Thời gian qua, nhiều người dùng mạng xã hội TikTok có lượng theo dõi lớn review đồ ăn, với nhiều nhận xét tiêu cực khiến một số chủ quán gặp khó khăn vì mất khách.

Tranh cãi vì review, quán ăn phản ứng

Từ giữa tháng 4/2023, mạng xã hội lan truyền hình ảnh một quán ăn dán biển cấm TikToker V.H.L, người vấp phải ý kiến trái chiều vì những clip review đồ ăn của mình.

Nhiều người cho rằng, đánh giá khen chê của H.L quá cá nhân và TikToker này cũng không có đủ hiểu biết về những món ăn, hàng quán mà mình đến review.

Trước làn sóng chỉ trích, H.L đã đăng clip xin lỗi, tuyên bố dừng review hàng quán.

Đây không phải lần đầu tiên TikToker gây tranh cãi khi trải nghiệm và đánh giá các quán ăn, nhà hàng. Chị Mai Khánh Thiện, ngụ quận 7, Tp.HCM cho rằng, việc các chủ cửa hàng cấm như vậy là điều hoàn toàn đúng đắn.

"Những người không có chuyên môn về ẩm thực nhưng làm video đánh giá là điều không thể chấp nhận. Việc đánh giá này được đăng tải lên mạng xã hội gây ảnh hưởng không nhỏ tới các cửa hàng. Tôi tin rằng khi dán bảng, không phải vì cửa hàng sợ đồ ăn họ làm không ngon, phục vụ không tốt mà họ không muốn Tiktoker này có mặt tại cửa hàng làm phiền đến công việc kinh doanh của họ",  chị Thiện bình luận.

Còn chị An Tường, ngụ quận Phú Nhuận, Tp.HCM nhìn nhận: "Quán ăn có thêm những người review đến ăn cũng không làm doanh thu khá lên, chưa kể là họ có thể đưa ra những đánh giá không tốt làm ảnh hưởng đến quán, nên việc cấm, không cho vào quán, không bán hàng cho những người này là hoàn toàn đúng đắn".

Không đồng ý với các quan điểm đó, anh Nguyễn Văn Vinh, ngụ quận 1, Tp.HCM chia sẻ, việc mở quán ra là đón khách, dù thế nào việc dán hình ảnh cá nhân người khác lên cũng là không nên.

"Nếu lỡ những người dùng mạng xã hội TikTok có mặt tại cửa hàng, chủ quán có thể yêu cầu nhẹ nhàng, không được quay chụp cũng như không đưa thông tin của quán lên. Mình thấy đấy là cách xử lý nhẹ nhàng, hài hòa giữa các bên", anh Vinh đề xuất.

Có quyền nhưng không được "lộng quyền"

Đánh giá về vụ việc, luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý, Đoàn Luật sư Tp.HCM cho biết, theo Hiến pháp, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, việc thực hiện các quyền này phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, hiến pháp cũng quy định quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Do đó, mọi người khi thực hiện các quyền của mình thì cũng phải có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác.

Cụ thể, việc thực hiện quyền công dân không được xâm phạm đến lợi ích của quốc gia, dân tộc; quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

“Các TikToker, Facebooker, YouTuber… (gọi tắt là các reviewer) đi đến các quán ăn, nhà hàng để chia sẻ những trải nghiệm của bản thân về sản phẩm, dịch vụ, thức ăn và đưa lên mạng xã hội. Nếu việc chia sẻ này là đúng sự thật, công tâm về các sản phẩm, dịch vụ, thức ăn mà họ đã sử dụng thì việc này không vi phạm pháp luật. Thậm chí, còn có thể được đánh giá là đang quảng bá một sản phẩm, dịch vụ và nó còn có thể làm tăng giá trị của một thương hiệu, một nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ”, luật sư Thắng Ý nói.

Tuy nhiên, nếu các reviewer và những người dùng sức ảnh hưởng của mình trên mạng xã hội để review các sản phẩm, dịch vụ, thức ăn không đúng sự thật, không công tâm, bịa đặt hoặc lan truyền những điều sai sự thật… nhằm mục đích làm mất uy tín các sản phẩm, dịch vụ, thức ăn; gây hoang mang đến người tiêu dùng, gây thiệt hại đến các tổ chức, cá nhân thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Cần tôn trọng hình ảnh của người khác

Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư Tp.HCM, cho biết căn cứ khoản 4, Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, mọi người đến quán ăn, nhà hàng với tư cách người tiêu dùng thì có quyền góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Hiện nay, chưa có điều khoản nào cấm các hành vi đánh giá hay chia sẻ những trải nghiệm của bản thân khi sử dụng một sản phẩm hay dịch vụ nào đó. Bởi vì, những người này cũng là khách hàng, họ chỉ chia sẻ những cảm nhận, quan điểm, cách nhìn nhận của cá nhân khi trải nghiệm một món ăn, dịch vụ.

Tuy nhiên, nếu việc chia sẻ, đánh giá sản phẩm không trung thực, có cơ sở để cho thấy việc review đó là sai sự thật thì chủ quán có quyền yêu cầu xử lý người đó.

Luật An ninh mạng 2018 nghiêm cấm việc sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi đưa thông tin sai sự thật xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (điểm d khoản 1 Điều 8).

Bên cạnh đó, theo Điều 101 Nghị định 15/2020 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022) cũng quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Về phía các chủ quán ăn, do phải bảo vệ "nồi cơm" của mình nên họ dán ảnh miễn tiếp reviewer để việc kinh doanh được yên ổn.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc dán hình ảnh "miễn tiếp" một cá nhân mà không được cá nhân đó đồng ý cho sử dụng hình ảnh là vi phạm pháp luật.

Theo điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 thì các cá nhân có quyền nhân thân với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.