Dự án “Di sản Áo dài - Văn hoá của Tình thương” là một dự án giao lưu văn hoá quốc tế, được phối hợp thực hiện giữa sứ quán Hai nước Italia- Việt Nam, phòng thương mại Italia tại Việt Nam và được thực hiện bởi Golden Heritage Group.
Theo dự án, NTK người Ý Maria Elena Di Terlizzi sẽ thực hiện 60 bộ Áo dài thuộc 3 lĩnh vực: Lễ hội, công sở và đời sống. Dịp 20/10 vừa qua, bà đã ra mắt 15 thiết kế đầu tiên trong khuôn khổ dự án và đã nhận được sự ngưỡng mộ của công chúng yêu thời trang.
Trở về Ý, NTK Elena Di Terlizzi đã thực hiện thêm 10 thiết kế nữa và từng đưa đi trình diễn tại môt số sàn diễn thời trang tại Ý. Lần trình diễn tại Việt Nam này, chính là 10 thiết kế bà đã đưa lên sàn diễn thời trang tại Ý hồi tháng 11 vừa qua.
Bày tỏ sự hạnh phúc khi được trở lại Việt Nam và trình diễn các thiết kế mới trong dự án Áo dài Disa tại Việt Nam, NTK Elena Di Terlizzi, cho biết, các thiết kế áo dài lần này vẫn tiếp tục các câu chuyện về văn hoá truyền thống Việt Nam, đặc biệt là các thiết kế được bà sáng tạo từ cảm hứng từ trang phục quý tộc Việt Nam nhưng đã được hiện đại, cách tân tinh tế, mới mẻ rất phù hợp với phụ nữ hiện đại.
“Giao lưu” với NTK người Ý tài năng Elena Di Terlizzi trong buổi trình diễn lần này là các thiết kế Áo dài thuộc bộ sưu tập “Hoa cúc và mặt trời” của NTK Lasen Vũ. Các thiết kế của Lasen Vũ trong bộ sưu tập hướng tới dành cho lễ hội đặc biệt là lễ cưới, mang đậm giá trị văn hoá truyền thống của Việt Nam khi thể hiện trên đó không chỉ là các hoạ tiết, hình ảnh di sản văn hoá Việt mà còn tôn vinh các nghề thủ công truyền thống Việt Nam như nghề đúc đồng (trên trang sức), nghề thêu Quất Động nổi tiếng…
Với phom dáng vừa truyền thống lại vừa có nét hiện đại, NTK Lasen Vũ đã thổi vào những thiết kế mang dấu ấn di sản những sự tươi mới, phù hợp với người mặc ngày hôm nay.
NTK Lasen Vũ dành nhiều lời khen ngợi cho các thiết kế của NTK Elena Di Terlizzi. Dựa trên vốn kiến thức, trải nghiệm về văn hoá Việt suốt thời gian qua khi bắt tay thực hiện dự án, NTK người Ý đã sử dụng chất liệu cao cấp của Ý cùng cách cắt cúp của Châu Âu giúp Áo dài mang một hình ảnh mới, có sự giao thoa rõ rệt giữa văn hoá Việt và Châu Âu, hiện đại, trẻ trung, phù hợp với phụ nữ hiện đại và thế giới.
NTK Lasen Vũ cũng cho biết, ý tưởng về sự hợp tác mà dự án “Di sản áo dài - Văn hoá của Tình thương” do Golden Heritage sáng lập quá tuyệt vời, bởi đây là cách hiệu quả giúp truyền bá được văn hoá Việt Nam ra trường quốc tế. Bên cạnh đó, giúp các NTK Việt cũng có nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi, có nhiều sân chơi hơn trong sáng tạo.
Chính vì câu chuyện giao lưu này mà trong buổi trình diễn, ngoài việc đưa bộ sưu tập Áo dài tôn vinh di sản văn hoá Việt Nam của NTK người Ý và NTK người Việt trên cùng một sàn diễn, những người thực hiện dự án cũng tạo nên một cú “chạm” nhẹ về văn hoá khi thực hiện phần trình diễn rất độc đáo áo dài cưới, lễ hội của NTK Lasen Vũ song hành cùng váy cưới tinh tế, lãng mạn đậm chất Ý của NTK Elena Di Terlizzi.
Sự song hành này trên sàn diễn không hề đối lập mà đã giúp câu chuyện thời trang của hai đất nước đều trở nên nổi bật trong sự đối sánh với ngôn ngữ của riêng mình. Một bên đi vào chiều sâu văn hoá, khắc họa bản sắc văn hoá, di sản, một bên là sự tươi mới, lãng mạn mang tính thời đại. Phần trình diễn nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt của các quan khách trong sự kiện.
NTK Elena Di Terlizzi cho biết, thời gian tới đây, bà sẽ tiếp tục thực hiện các thiết kế Áo dài mới dựa trên cảm hứng về văn hoá Việt Nam mà bà đã tìm hiểu: “Tôi cảm thấy thời gian để tôi tìm hiểu, gắn bó và thiết kế nên các bộ Áo dài vẫn là chưa đủ. Tôi cần nhiều thời gian hơn nữa để được thể hiện niềm yêu thích và hứng thú của tôi đối với Áo dài. Tôi muốn tiếp tục thổi hồn hiện đại vào Áo dài truyền thống để không chỉ phụ nữ Việt mặc được mà phụ nữ cả thế giới cũng mặc được”.