Sai lầm của nhiều người khi sử dụng bếp từ, chuyên gia cảnh báo
Tuy hiện đại, dễ sử dụng nhưng bếp từ cũng tiềm ẩn những nguy cơ cháy nổ nhất định nếu người dùng không ghi nhớ một số lưu ý.
Mới đây, anh Lê Trọng Kiên (ở Hà Nội) đã gây chú ý cộng đồng mạng bằng cách chia sẻ video cảnh chuột chạy qua vô tình "bật" bếp từ khiến cả căn bếp tràn ngập khói đen lúc rạng sáng. Chủ nhân video thở phào khi kịp thời phát hiện sự cố và tránh được chập cháy nghiêm trọng. Xem video, nhiều người cũng giật mình nhận ra, gia đình họ vẫn ít nhiều bất cẩn khi sử dụng các loại bếp từ, bếp hồng ngoại.
Đã có rất nhiều vụ cháy nguyên nhân đều xuất phát do bếp từ gây hậu quả khôn lường. Tháng 8/2022, một vụ cháy khác cũng xuất phát từ bếp từ tại một căn nhà ở quận Nam Từ Liêm, may mắn không gây thiệt hại về người và tài sản. Nguyên nhân sơ bộ được nhận định do vật nuôi chạy qua, tác động đến nút cảm ứng làm khởi động bếp từ dẫn đến cháy. Chủ nhà cho biết có nuôi mèo trong căn hộ.
Công an quận Nam Từ Liêm cho biết nếu người dân không quản lý vật nuôi dễ dẫn đến nhiều trường hợp cháy, nổ ngoài ý muốn như: vật nuôi chạy, nhảy làm đổ nến, đèn thờ, các thiết bị điện (quạt, thiết bị sấy, sưởi …) gây cháy.
Cũng cách đây khoảng một tháng, liên quan đến việc chập cháy máy hút mùi tại phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng.
Đám cháy xảy ra tại gia đình ông N. N. A. Ngày 15/1, cả gia đình ông A. đang ở trên tầng 2 của căn nhà thì thấy mùi khét nồng nặc. Xuống kiểm tra, ông A. phát hiện căn bếp bao trùm khói đen và có đám cháy.
Ông A. dùng bình cứu hỏa dập lửa nhưng không thành. Khói đen, lửa nhanh chóng bao trùm cầu thang căn nhà khiến ông A. không thể di chuyển lên tầng 3 nơi có con gái và cháu ngoại đang mắc kẹt.
Các thành viên của gia đình ông A. đã lao ra khu vực ban công nhờ hàng xóm trợ giúp và báo cho Đội Cảnh sát PCCC&CNCH quận Hai Bà Trưng.
Ít phút sau đó, Cảnh sát PCCC&CNCH cùng đồng đội đã có mặt dập lửa, đưa người mắc kẹt ra ngoài an toàn. Nguyên nhân đám cháy được xác định là do chập máy hút mùi trong bếp.
Đại úy Nguyễn Tiến Thanh (Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay, khi bếp từ tự bật, trên bếp đang có xoong nồi và đun nấu trong thời gian dài chủ nhà không hề biết thì sẽ chỉ gây khói, mùi khét cho bếp.
Bếp từ, bếp hồng ngoại ngày càng được nhiều gia đình ưa chuộng bởi sự tiện lợi, dễ dàng vệ sinh, không phát sinh quá nhiều nhiệt trong quá trình nấu nướng, nhất là vào mùa hè.
Cách dùng bếp từ rất đơn giản, người nấu chỉ cần chạm nhẹ vào nút cảm ứng để bật nguồn, lựa chọn nhiệt độ phù hợp để nấu nướng. Sau khi nấu xong, người dùng chỉ cần tắt nguồn, lau chùi là bếp đã trở nên sáng bóng, sạch sẽ.
Tuy nhiên, khi dùng bếp từ, bếp hồng ngoại, các gia đình cần ghi nhớ ngắt nguồn điện khi không sử dụng.
"Chỉ tắt nút nguồn trên mặt bếp là chưa đủ. Vì bếp từ, bếp hồng ngoại có tính năng cảm ứng nên không chỉ bàn tay người mà các động vật như mèo, chuột… vô tình chạy qua cũng vô tình khiến bếp khởi động. Điều này tiềm ẩn nguy cơ chập cháy, hỏa hoạn", anh Phúc nói.
Theo anh Phúc, người dùng nên ngắt aptomat hay rút dây điện nguồn khi không dùng bếp trong thời gian dài hoặc trước khi đi ngủ vào ban đêm.
Tuy nhiên, việc ngắt aptomat hoặc rút dây điện nguồn cũng cần đúng thời điểm, không nên ngắt điện ngay sau khi vừa nấu vì lúc này bếp từ, bếp hồng ngoại vẫn cần điện năng để hoạt động quạt gió làm mát linh kiện bếp.
Nên chờ một vài phút tới khi quạt gió làm mát của bếp từ tắt hẳn mới ngắt aptomat hoặc rút dây điện nguồn.
Tuy nhiên, nếu sát bếp từ có các vật dụng dễ cháy như giấy báo thì rất có thể làm sinh nhiệt khiến giấy bắt cháy gây ra hỏa hoạn. Nếu gia đình sử dụng bếp hồng ngoại thì đương nhiên sẽ càng dễ gây cháy hơn vì bếp hồng ngoại cấu tạo bằng mâm nhiệt để sinh nhiệt làm chín đồ ăn.
Theo Đại úy Nguyễn Tiến Thanh, trong quá trình tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy, anh luôn luôn nhắc người dân khi đi ra ngoài, trước khi đi ngủ hoặc khi nấu nướng xong cần tắt nguồn bếp để tránh trường hợp các vật nuôi chạm phải tự kích hoạt bếp hoạt động.
"Không riêng gì với bếp từ, bếp hồng ngoại, với bất cứ thiết bị điện nào trong nhà, khi người dân không sử dụng, khi đi ra ngoài cũng phải dập cầu dao, rút các ổ cắm quạt, máy sấy… đề phòng trường hợp chập điện gây cháy.
Dưới các công tắc điện không bao giờ được để đồ dễ cháy, nên để công tắc điện ở khoảng trống. Trong trường hợp công tắc phát sinh chập điện thì cũng chỉ chập ở ổ cắm đó chứ không lan sang khu vực khác", Đại úy Thanh chia sẻ.
Trong khu vực bếp, ngoài việc lưu ý sử dụng bếp từ, bếp hồng ngoại, Đại úy Thanh khuyên các gia đình nên chú ý cả việc sử dụng máy hút mùi bởi thiết bị này cũng tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ cao.
"Máy hút mùi tích tụ nhiều dầu mỡ, nếu phát sinh chập điện thì dầu mỡ sẽ bắt lửa làm cháy ống hút mùi và nhanh chóng gây ra đám cháy lớn. Việc xử lý đám cháy từ máy hút mùi không hề đơn giản bởi liên quan đến dầu mỡ, dập lửa bằng nước rất khó tắt", anh cho hay.
Từ những vụ việc nêu trên, Đại úy Thanh lưu ý, các gia đình cần lưu ý nguyên tắc an toàn khi sử dụng bếp từ, bếp hồng ngoại, thường xuyên vệ sinh máy hút mùi để tránh nguy cơ bị "bà hỏa" ghé thăm.
Trên thực tế, không phải lúc nào người dân cũng nhớ tắt nguồn, cất nồi khỏi bếp... để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.
Công an khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, tránh để chập cháy do hư hỏng thiết bị; lắp đặt các thiết bị bảo vệ có công suất phù hợp như cầu chì, công tắc, cầu dao, aptomat chống quá tải nhiệt cho các thiết bị điện.
Ngoài ra, người dân không nên sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn, khi lắp đặt thêm thiết bị điện có công suất lớn, người dân phải lựa chọn dây dẫn điện phù hợp.
Khi sử dụng bàn là, bếp điện, bếp từ, cần có người trông coi. Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ, người dân phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.
"Phải có biện pháp, phương pháp quản lý vật nuôi chặt chẽ khi không có người trông coi. Khi xảy ra cháy, người dân cần tìm cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh hoặc gọi điện thoại cho lực lượng cảnh sát PCCC qua số máy 114 hoặc qua ứng dụng báo cháy 114", Công an quận Nam Từ Liêm nhấn mạnh.
"Điểm chung của 2 vụ cháy trên là nguyên nhân vụ việc đều xuất phát từ việc chủ nhà quên ngắt các thiết bị điện khi ra khỏi nhà, và trong nhà đều có vật nuôi", vị chỉ huy nói.
Ngày 31/12/2021, Cục Thảm họa và phòng cháy chữa cháy thủ đô Seoul cho biết, mèo đã gây ra tổng cộng 107 vụ cháy nhà từ tháng 1/2019 đến tháng 11/2021. Đa số các trường hợp là do các con mèo đã vô tình bật bếp điện khi nhảy vào những nút cảm ứng. Khi bếp trở nên quá nóng, chúng có thể bắt lửa.
Đã có 4 người bị thương trong các vụ cháy do mèo gây ra. Hơn một nửa vụ cháy trong số đó xảy ra khi những người chủ đi vắng.