Sau một tháng, ngành đường sắt bán được bao nhiêu vé tàu Tết?

Ngành đường sắt mới bán được khoảng 6.900 vé cho khách đi tàu dịp Tết Nguyên đán, đạt gần 20% tổng số vé cần bán.

Vé tàu Tết ế ẩm

Ngành Đường sắt mở bán chính thức từ ngày 15/11, nhưng đến 10/12 mới bán được khoảng 6.900 vé cho khách đi tàu giai đoạn từ ngày 20/1 - 13/2/2022.

Dịp cuối tuần thường đông khách đi tàu nhưng những ngày này, ga Hà Nội cuối tuần qua lại vắng hoe. Phòng bán vé, đợi tàu vắng tanh, không một bóng hành khách mua vé hay đợi tàu.

Chia sẻ trên báo Giao thông, bà Phạm Thị Anh Đào, Trạm trưởng Trạm vận tải đường sắt Hà Nội (Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội) cho biết trên báo Giao thông, hiện nhu cầu đi tàu rất ít, trong khi mua vé qua mạng thuận tiện, không lo hết vé nên khách không đến ga nữa.

Khách mua vé tàu Tết cũng rất ít. Tính đến ngày 10/12, tại các cửa vé của đơn vị mới bán được khoảng 120 vé tàu Tết của 4 đôi tàu Thống nhất xuất phát Hà Nội đi các tỉnh.

Còn bán theo các hình thức khác như bán qua đại lý, bán qua mạng tính chung cũng chỉ được hơn 300 vé.

Lý giải nguyên nhân, bà Đào cho hay, khách đi tàu Tết khu vực Hà Nội và phía Bắc là sau Tết luồng khách từ Bắc vào Nam đông; còn trước Tết, khách về quê chủ yếu đi ngắn nên sát Tết mới mua vé.

“Chỉ có khách đi xa như Vinh, Đồng Hới mới mua vé sớm nên đông hơn, ngành Đường sắt thường phải lập thêm tàu khu đoạn Hà Nội - Vinh. Đặc biệt năm nay khách vắng lạ thường như vậy là do ảnh hưởng dịch Covid-19, người dân e ngại mua vé sớm vì chưa biết diễn biến dịch thế nào, liệu có về quê được không, về được thì liệu có phải cách ly không. Vì thế, năm nay ngay cả vé đi Vinh cũng rất ít người mua”, bà Đào nói và cho hay. Theo quy định, Đường sắt được phép chạy đôi tàu NA1/2 giữa Hà Nội - Vinh nhưng vẫn chưa mở bán vé Tết vì vé tàu Tết đi Vinh trên 4 mác tàu Thống nhất đang bán cũng còn nhiều.

Bà Đào cũng thông tin, hiện do khách đi tàu quá vắng, ngành Đường sắt chỉ chạy hàng ngày 2 đôi tàu khách Thống nhất tuyến Bắc - Nam, tuy vậy mỗi chuyến xuất phát tại ga Hà Nội cũng chỉ có hơn 100 hành khách, chủ yếu đi ngắn đường, xa nhất là đến Vinh.

Tuyến Hà Nội - Hải Phòng hàng ngày chạy 1 đôi tàu khách, còn các tuyến và các tàu khu đoạn khác đều không chạy tàu khách.

Trao đổi với báo Giao thông, Ông Huỳnh Thế Sơn, Phó trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, ngành Đường sắt đã dự đoán trước nhu cầu đi lại của người dân chắc chắn không bằng các Tết trước do dịch.

Vì vậy, ngành Đường sắt vẫn giữ giá vé như Tết năm ngoái, đồng thời áp dụng nhiều chính sách giảm giá để thu hút khách đi tàu, như giảm giá vé cá nhân mua vé sớm xa ngày đi tàu đến 40%, giảm giá vé tàu tập thể từ 2 - 13%, giảm giá vé tàu khứ hồi...

Riêng với hình thức bán vé tàu nguyên khoang, nguyên toa sẽ được áp dụng đến hết ngày 28/2/2022, hành khách mua vé không cần giới hạn cự ly từ 300km trở lên vẫn được giảm giá từ 10 - 15%, được phục vụ suất ăn miễn phí.

Theo chia sẻ của bà Lê Thị Tuyến, Đội trưởng Đội khách vận, Chi nhánh vận tải đường sắt Đà Nẵng trên báo điện tử VOV, từ ngày 15/11 đến nay, đơn vị chỉ mới bán được 54 vé tàu Tết cho hành khách, con số rất ít so với mọi năm. Hiện tỉ lệ hành khách đến ga mua vé đi trong dịp Tết khoảng 30%, còn lại chủ yếu mua trên website bán vé trực tuyến…

Nhiều chính sách hỗ trợ khách đi tàu

Tiêu dùng & Dư luận - Sau một tháng, ngành đường sắt bán được bao nhiêu vé tàu Tết?

Nhiều khách mua vé nguyên khoang.

Theo TTXVN, đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để đảm bảo an toàn cao nhất cho hành khách yên tâm đi tàu trong mùa dịch, từ ngày 15/11, ngành đường sắt đã chính thức mở bán vé, cung cấp dịch vụ nguyên khoang (khoang 4 giường và khoang 6 giường), nguyên toa tới khách hàng. Đây là sản phẩm mới áp dụng trong mua dịch đã nhận được sự quan tâm, phản hồi tích cực từ phía hành khách.

Cũng theo đại diện VNR, nhận thấy nhu cầu của hành khách muốn có không gian riêng, đảm bảo an toàn ở mức cao nhất khi đi tàu cùng gia đình, người thân hoặc theo nhóm là rất lớn, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán, ngành đường sắt sẽ tiếp tục duy trì việc bán vé nguyên khoang, nguyên toa đến hết ngày 28/2/2022. Những hành khách mua vé đi chặng ngắn (dưới 300km) vẫn có thể mua vé nguyên khoang, nguyên toa để đảm bảo an toàn ở mức cao nhất.

Đặc biệt, những hành khách có vé đi nguyên khoang, nguyên toa nếu có nhu cầu đưa, đón tại nhà, ngành đường sắt sẽ phục vụ theo nhu cầu; được cung cấp miễn phí suất ăn trên tàu…

Tính đến ngày 3/12, sau gần 20 ngày mở bán, ngành Đường sắt đã bán được gần 1.000 vé nguyên khoang, nguyên toa và nhận được sự quan tâm, phản hồi tích cực từ phía hành khách.

“Nhận thấy nhu cầu của hành khách muốn có không gian riêng, đảm bảo an toàn ở mức cao nhất khi đi tàu cùng gia đình, người thân hoặc theo nhóm là rất lớn, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán, ngành Đường sắt sẽ tiếp tục duy trì việc bán vé nguyên khoang, nguyên toa đến hết ngày 28/2/2022. Những hành khách mua vé đi chặng ngắn (dưới 300km) vẫn có thể mua vé nguyên khoang, nguyên toa để đảm bảo an toàn ở mức cao nhất khi di chuyển và hưởng các chính sách ưu đãi của ngành…”, ông Đào Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn trả lời báo Giao thông.

Cũng theo ông Tuấn, dịp Tết năm nay, những hành khách có vé đi nguyên khoang, nguyên toa nếu có nhu cầu đưa, đón tại nhà, ngành Đường sắt sẽ phục vụ theo nhu cầu; được cung cấp miễn phí suất ăn trên tàu…

Tại các nhà ga, hành khách được bố trí phòng đợi hoặc khu vực chờ tàu riêng và bố trí lối đi riêng khi lên, xuống tàu.

Trước đó, ngày 15/11, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chính thức mở bán vé tàu Tết Nhâm Dần 2022. Giai đoạn đầu mở bán trước với 5 đôi tàu Tết gồm 4 đôi tàu khách Thống nhất Hà Nội - Sài Gòn SE1/2, SE3/4, SE5/6, SE7/8 và một đôi tàu Đà Nẵng - Sài Gòn SE21/22, sẽ cung cấp hơn 36.000 chỗ.

Trong khi đó, Tết Nguyên đán 2021, giai đoạn trước Tết ngành đường sắt cung ứng 90.000 chỗ và giai đoạn sau Tết là 120.000 chỗ.

Theo Người Đưa Tin