Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, qua xác minh, lực lượng chức năng đã xác định đối tượng bán các tệp tin có chứa mã độc trên mạng xã hội là Hồ Tiểu Bảo (sinh năm 2005) có hộ khẩu thường trú tại xã Phú Lâm, thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa), trú tại tổ 10, khu phố 2, phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh và nơi ở của đối tượng tại tòa S1.05 Chung cư Vinhomes Grand Park phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.
Thời điểm bị bắt Hồ Tiểu Bảo đang là sinh viên trường Đại học FPT TP. Hồ Chí Minh.
Là người có trình độ về công nghệ thông tin, cũng như biết cách thức vận hành mã độc, Hồ Tiểu Bảo đã đặt mua mã độc dạng Nova từ nước ngoài về tạo Bot trên discord rồi bán cho khách có yêu cầu.
Đối tượng này đã sử dụng các tài khoản Facebook, Telegram để bán mã độc cho các đối tượng khác nhằm đánh cắp thông tin từ máy tính của người dùng. Mã độc do đối tượng này cung cấp có các tính năng vô cùng nguy hiểm như lấy thông tin của máy, hệ điều hành của máy; lấy thẻ tín dụng, ví điện tử, visa của nạn nhân; xem lịch sử web, lịch sử download của nạn nhân; xem ảnh chụp màn hình thiết bị của nạn nhân; lấy cookie facebook/All cookie mạng xã hội; lấy tài khoản mật khẩu full trình duyệt; Bypass window defender, virus total.
Các mã độc này rất khó gỡ ra khỏi thiết bị, có khả năng chống máy ảo và tự động thêm vào hệ điều hành khi máy khởi động và nhiều chức năng nguy hiểm khác.
Sau khi bị bắt giữ, tại Cơ quan điều tra đối tượng Hồ Tiểu Bảo khai nhận, bắt đầu hoạt động mua bán mã độc trên mạng xã hội từ đầu năm 2024 và đã thực hiện thành công nhiều giao dịch với nhiều người không quen biết trên mạng xã hội. Hầu hết các mã độc sau khi giao dịch thành công, đối tượng đã xóa khỏi máy. Tuy nhiên, quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã xác định được 15 mã độc thuộc nhiều loại.
Ngoài việc mua bán mã độc, Hồ Tiểu Bảo còn tải các dữ liệu của các website bị lộ thông tin tài khoản quản trị được chia sẻ miễn phí trên các trạng mạng xã hội Telegram về máy. Sau đó, Bảo mua phần mềm có tính năng lọc, trích xuất dữ liệu rồi bán lại cho người khác để thu lợi. Sau khi có tên đăng nhập, mật khẩu tài khoản quản trị của các website, các đối tượng sẽ xâm nhập trái phép vào website của các cơ quan, tổ chức chiếm quyền điều khiển, chỉnh sửa, giao diện, nội dung nhằm nhiều mục đích khác nhau.
Quá trình mở rộng chuyên án, Cơ quan điều tra còn phát hiện đối tượng Nguyễn Hồng Thái (sinh năm 2008) trú tại TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đã mua các phần mềm mã độc của Hồ Tiểu Bảo sau đó đã sử dụng vào mục đích trái pháp luật và xâm nhập trái phép vào mạng máy tính của người khác.
Đặc biệt, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã xác minh, phát hiện đối tượng Khoàng Thành Trung (sinh năm 2006) trú tại xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) đã mua mã độc của Hồ Tiểu Bảo thông qua mạng xã hội để xâm nhập trái phép vào website của Trường Trung học cơ sở Tiên Phù, Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ) để sửa điểm của các học sinh trong trường.
Các đối tượng này cùng với Hồ Tiểu Bảo đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kim Bôi ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “Mua bán phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật” theo quy định tại khoản 1 Điều 285 Bộ Luật hình sự và tội “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính của người khác” theo quy định tại khoản 1 Điều 289 Bộ Luật hình sự.
Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Thiều, Đội phó Đội điều tra tổng hợp, Công an huyện Kim Bôi, đây là một hình thức phạm tội mới, các đối tượng phạm tội có kỹ năng, công cụ, phương tiện công nghệ thông tin ở trình độ cao. Do vậy, đấu tranh với các đối tượng phạm tội trong lĩnh vực này, các đơn vị chức năng đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ dữ liệu điện tử...
Trước sự nguy hiểm của loại tội phạm này, Thượng tá Lê Xuân Hòa, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, trong thời đại số hóa hiện nay, thông tin cá nhân, tài khoản trực tuyến rất quan trọng, trở thành một loại tài nguyên vô cùng quý giá. Chính vì vậy, xu hướng người dùng internet bị đánh cắp thông tin bởi các loại mã độc thời gian gần đây đang có dấu hiệu ngày càng gia tăng. Các loại mã độc được tạo ra nhằm mục đích bí mật thu thập, đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng như tài khoản, mật khẩu mạng xã hội, các ứng dụng quan trọng, thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng, ví điện tử và các thông tin nhạy cảm khác. Sau khi có được các thông tin này, các đối tượng sẽ chiếm quyền điều khiển tài khoản, chiếm đoạt tiền, tài sản trong tài khoản ngân hàng, ví điện tử hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác. Các mã độc có thể lây nhiễm vào máy tính hoặc thiết bị di động thông qua nhiều cách thức khác nhau.
Do vậy, để tự bảo vệ mình thì người dùng Internet, mạng máy tính cần phải luôn cảnh giác khi cài đặt ứng dụng, phần mềm mới trên điện thoại, máy tính của mình, tuyệt đối không cài các ứng dụng, phần mềm từ nguồn không tin cậy. Bên cạnh đó, nên cài đặt các phần mềm diệt virus để bảo vệ thiết bị khỏi mã độc, sử dụng các phần mềm chính hãng, có bản quyền, không nên sử dụng các bản phần mềm “bẻ khóa” vì thường tin tặc sẽ cài cắm mã độc bên trong. Sử dụng xác thực 2 yếu tố cho các tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng và các ứng dụng quan trọng khác. Ngoài ra, người dùng nên sử dụng các công cụ quản lý mật khẩu để tạo và lưu trữ mật khẩu mạnh, tránh sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản khác nhau. Đồng thời định kỳ kiểm tra, thay đổi mật khẩu, không nên lưu thông tin đăng nhập trên trình duyệt web vì mã độc thường tập trung đánh cắp các thông tin này.
Điều 285 Bộ luật hình sự 2015
Điều 285. Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật
1. Người nào sản xuất, mua bán, trao đổi, tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm có tính năng tấn công mạng máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử để sử dụng vào mục đích trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 289 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác
1. Người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
đ) Đối với trạm trung chuyển internet quốc gia, hệ thống cơ sở dữ liệu tên miền và hệ thống máy chủ tên miền quốc gia;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh;
b) Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông;
c) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.