Huy động tài chính phát triển không chỉ là chìa khóa để mở rộng cánh cửa chuyển đổi năng lượng, mà còn là cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo ra việc làm mới và cải thiện chất lượng cuộc sống, đặc biệt ở các nước đang phát triển như Việt Nam.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), việc gia tăng quy mô đầu tư vào năng lượng sạch là vô cùng quan trọng, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Các tổ chức tài chính có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhiều dự án năng lượng sạch hơn ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, từ đó thu hút nhiều hơn dòng vốn đầu tư tư nhân.
Bà Kitty Bu, Phó Chủ tịch khu vực Đông Nam Á Liên minh Năng lượng toàn cầu vì con người và hành tinh (GEAPP) nhận định, các tổ chức tài chính và nhà đầu tư tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách tài trợ năng lượng tái tạo của Việt Nam, đặc biệt là khi đất nước mở rộng quy mô các công nghệ như Hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS). Các mô hình tài chính hỗn hợp, chẳng hạn như các khoản vay ưu đãi, trái phiếu xanh và bảo lãnh, có thể giảm rủi ro đầu tư và thu hút vốn tư nhân. Các cơ chế này không chỉ mang lại sự ổn định về tài chính mà còn cho phép các dự án đổi mới trở nên khả thi bằng cách giải quyết các rào cản như vốn cao và rủi ro của thị trường.
Do đó, các nhà đầu tư tư nhân nên tập trung vào các cơ hội có thể mở rộng quy mô với tiềm năng cao. Ví dụ, các công trình lắp đặt năng lượng mặt trời cho các khu công nghiệp có thể thúc đẩy quá trình khử carbon trong lĩnh vực sản xuất đồng thời mang lại lợi nhuận ổn định. Tương tự như vậy, các sáng kiến năng lượng tái tạo do cộng đồng lãnh đạo, chẳng hạn như lưới điện vi mô năng lượng mặt trời, mang đến cơ hội tăng trưởng toàn diện bằng cách cung cấp điện cho các khu vực và trao quyền cho các doanh nghiệp địa phương.
Theo bà Kitty Bu, để tăng nguồn vốn cho quá trình chuyển đổi xanh thông qua các tổ chức tài chính và nhà đầu tư tư nhân thì hợp tác là chìa khóa. Quan hệ đối tác nhiều bên liên quan giữa các nhà đầu tư tư nhân, ngân hàng phát triển và các tổ chức chính phủ có thể đảm bảo rằng nguồn tài chính phù hợp với các mục tiêu năng lượng đầy tham vọng của Việt Nam.
Các quan hệ đối tác này nên ưu tiên tính minh bạch và rõ ràng về chính sách để xây dựng niềm tin của nhà đầu tư. Bằng cách tận dụng các cách tiếp cận này, các tổ chức tài chính và nhà đầu tư tư nhân không chỉ có thể đạt được lợi nhuận cao mà còn đóng góp vào tương lai năng lượng bền vững, toàn diện và có khả năng phục hồi cho Việt Nam.
Đưa ra một số bài học từ kinh nghiệm toàn cầu, bà Kitty Bu khuyến nghị, trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn diện, Việt Nam nên ưu tiên các chương trình đào tạo lại công nhân để hỗ trợ những người chuyển từ ngành nhiên liệu thông thường sang năng lượng tái tạo. Truyền thông minh bạch và sự tham gia của công chúng xây dựng lòng tin, đảm bảo rằng cộng đồng tham gia và hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi.
Bên cạnh đó, các dự án năng lượng tái tạo phi tập trung giúp giảm bất bình đẳng về năng lượng và trao quyền cho cộng đồng bằng cách thúc đẩy quyền sở hữu và doanh nghiệp địa phương.
Cuối cùng, sự chắc chắn về chính sách và khuôn khổ pháp lý rõ ràng rất quan trọng để duy trì niềm tin của nhà đầu tư và quản lý rủi ro.
“Bằng cách đưa công bằng và tính toàn diện vào chiến lược năng lượng của mình, Việt Nam có thể cân bằng tăng trưởng với tính bền vững và tạo ra các lợi ích xã hội và kinh tế lâu dài”, bà Kitty Bu nhấn mạnh.