Sở Y tế TP. HCM: Tăng cường xử lý triệt để vi phạm quảng cáo

Cho rằng các hành vi quảng cáo vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng người dân, lãnh đạo Sở, ngành Tp.HCM họp và thống nhất xử lý quyết liệt.

Mạo danh y, bác sĩ để quảng cáo

Ngày 1/12, tin từ Sở Y tế Tp.HCM cho biết, đơn vị vừa tổ chức cuộc họp với các Sở ngành về nội dung tăng cường công tác quản lý, đối với hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực y tế gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng người dân trên địa bàn Tp.HCM.

Tham dự có đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao, Công an Tp.HCM (lãnh đạo Phòng An ninh chính trị nội bộ - PA03; Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - PA05) và lãnh đạo Trung tâm Báo chí Tp.HCM.

Theo Sở Y tế Tp.HCM, qua công tác thanh tra, kiểm tra việc hoạt động của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn Thành phố này, Thanh tra Sở Y tế đã phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế đối với các cá nhân, tổ chức, góp phần tích cực trong công tác đảm bảo sức khỏe cho người dân trên địa bàn.

Tuy nhiên thời gian gần đây, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế của Sở Y tế TP.HCM cũng ghi nhận một số khó khăn, thách thức trong việc phát hiện và xử lý các đối tượng có thực hiện hành vi vi phạm về hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực y tế.

hinh-hln-1701414916.png
Công an Tp.HCM, các Sở ngành họp cùng Sở Y tế để siết quảng cáo trái phép trong lĩnh vực y tế. (Ảnh: Sở Y tế Tp.HCM).

Các đối tượng thực hiện hành vi quảng cáo trong lĩnh vực y tế có xu hướng lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi quảng cáo như: tạo lập các website, tài khoản, trang hội, nhóm trên các nền tảng mạng xã hội (như: Facebook, Zalo, Tiktok, Youtube,...) để thực hiện hành vi quảng cáo, giới thiệu việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, mua bán các sản phẩm thuốc, thiết bị y tế,....

Một số cá nhân đăng tải các clip dưới hình thức chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức trong khám bệnh, chữa bệnh, tuy nhiên thông qua nội dung chia sẻ lại thực hiện việc quảng cáo cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở; mạo danh y bác sĩ để thực hiện quảng cáo các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, đăng tải nội dung, hình ảnh có tính thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước; sử dụng hình ảnh, đánh giá (rieview) của những người có tầm ảnh hưởng trên mạng, nghệ sĩ nổi tiếng hoặc đăng thông tin quảng cáo trên các trang báo chí để thu hút và tạo niềm tin cho người dân.

Các giải pháp nhằm  ngăn chặn quảng cáo trái phép

Tại cuộc họp, các Sở ngành đã trao đổi, thống nhất các giải pháp giúp phát hiện, ngăn chặn và xử lý triệt để các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực y tế trên địa bàn Thành phố này.

Thứ nhất, Sở Y tế Tp.HCM tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm đối với hoạt động quảng cáo của các cơ sở đã được cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo trong lĩnh vực y tế; phát hiện và xử lý các các nhân, tổ chức có đăng tải các nội dung quảng cáo trong lĩnh vực y tế khi chưa được cấp phép hoặc quảng cáo không đúng quy định của pháp luật.

Thứ hai, Sở Thông tin và Truyền thông làm đầu mối trong việc xây dựng công cụ để quản lý hoạt động quảng cáo của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn Thành phố, trong đó có hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực y tế; kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có trách nhiệm kiểm soát, gỡ bỏ các nội dung quảng cáo vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế.

Thứ ba, Sở Văn hóa và Thể thao tăng cường công tác truyền thông đến các nhân vật là người của công chúng có tham gia các hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực y tế, không tham gia các hoạt động quảng cáo lĩnh vực y tế khi chưa được xác nhận nội dung được phép quảng cáo của cơ quan quản lý.

Thứ tư, Công an Tp.HCM tiếp tục phối hợp với Sở Y tế trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế.

Theo đó, trong thời gian tới Thanh tra Sở Y tế và Công an Tp.HCM sẽ phối hợp xử lý nghiêm các vi phạm trọng điểm, điển hình trong hoạt động quảng cáo y tế trên không gian mạng (Facebook, Zalo, Tiktok, Youtube,…). 

Công an Tp.HCM phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức nhận diện và cách thức thu thập, củng cố các tài liệu vi phạm của các cá nhân, tổ chức lợi dụng không gian mạng vi phạm pháp luật trên lĩnh vực y tế để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm.

Thứ năm, Các Sở ngành tổ chức thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, tuyên truyền phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật, hiểu biết về phương thức, thủ đoạn của lợi dụng không gian mạng thực hiện hành vi vi phạm trên lĩnh vực y tế, để người dân nâng cao ý thức phòng tránh, không sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của cá nhân, đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật để nâng cao hiệu quả phòng ngừa xã hội.

Thứ sáu, Trung tâm Báo chí Tp.HCM thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn đối với các cơ quan báo, đài khi thực hiện đăng tải nội dung quảng cáo trong lĩnh vực y tế cần xác định rõ căn cứ pháp lý hoạt động của cơ sở và nội dung đăng tải. Trường hợp cần thiết, liên hệ ngay Sở Y tế hoặc Sở Thông tin và Truyền thông để xác minh thông tin và hướng dẫn thục hiện.

Sở Y tế khuyến cáo người dân lưu ý khi lựa chọn thực hiện các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có thể tra cứu vào đường link: : https://thongtin.medinet.org.vn/ để biết thông tin của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh  đã được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động.

Khi tiếp cận các thông tin quảng cáo trên mạng xã hội, không nên vội vàng tin ngay mà cần có sự kiểm chứng thông tin cẩn thận thông qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là Cổng tra cứu thông tin của Sở Y tế, để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra gây nguy hiểm đến tính mạng. 

Khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoạt động trái phép hoặc có dấu hiệu vi phạm, người dân có thể gọi ngay đường dây nóng qua số 0989.401.155, hoặc tải app “Y tế trực tuyến” để Thanh tra Sở Y tế có thông tin kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định.

T.T