Tết bình yên là không có tiếng còi báo cháy!

Những ngày cuối cùng của năm Nhâm Dần đang đến gần, trong khi trên khắp nẻo đường đã rộn rã với cờ hoa, những dòng người hối hả hòa cùng không khí đón Xuân thì vẫn có những con người đang âm thầm với công việc thường nhật, miệt mài kiểm tra các phương tiện cứu hộ, sẵn sàng tác chiến khi tiếng còi báo động vang lên.

Tết đoàn viên bên “mái nhà thứ hai”!

Tết Nguyên đán với mỗi người dân là thời điểm tạm gác những bộn bề của công việc, dành thời gian chăm chút cho tổ ấm yêu thương, được quây quần sum họp bên gia đình, bạn bè, người thân; cùng nhau đi chợ xuân, sắm sửa cành đào, cành mai tươi thắm, cầu nguyện những điều tốt đẹp cho một năm mới nhiều may mắn, sức khỏe, thành công.

Thế nhưng, đối với lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy & Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH – PV) công an huyện Thạch Thất, (TP.Hà Nội) nói riêng và những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nói chung, khoảng thời gian này, họ phải ở lại đơn vị trực chiến 100% quân số, luôn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu với “giặc lửa”, bảo đảm an toàn cho người dân trong không khí vui xuân, đón Tết.

Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 17 vụ cháy, 11 sự cố cháy không gây thiệt hại về người, đa phần xảy ra tại địa bàn các làng nghề truyền thống. Huyện Thạch Thất có 22 xã và 1 thị trấn, với 398 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy, nguy cơ cháy cao nhất tiềm ẩn tại các làng nghề truyền thống về sản xuất gỗ, mây tre đan tập trung tại các xã Hữu Bằng, Phùng Xá, Bình Phú,…với trên 10.000 hộ sản xuất, kinh doanh, tập trung dân số đông.

Chính vì vậy, những ngày cận và sau Tết, lực lượng PCCC&CNCH – công an huyện Thạch Thất đã xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, đôn đốc, nhắc nhở người dân, chủ cơ sở sản xuất, chủ doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về PCCC&CNCH. 

Với đặc thù công việc là phải thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nên chẳng năm nào các anh có một cái Tết trọn vẹn bên gia đình và người thân. Thế nhưng với họ Tết cũng rất đặc biệt, đó là những cái Tết bên đồng chí, đồng đội, cùng nhau gói bánh chưng, làm mâm cơm tất niên, tân trang lại trụ sở, nơi làm việc và luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu vì bình yên hạnh phúc của nhân dân.

anh-1-tet-cua-linh-cuu-hoa-1674318030.jpg

Thiếu tá Vũ Ngọc Tân – Đội trưởng đội Cảnh sát PCCC&CNCH, công an huyện Thạch Thất

Thiếu tá Vũ Ngọc Tân – Đội trưởng đội Cảnh sát PCCC&CNCH, công an huyện Thạch Thất cho hay: “Đơn vị phòng cháy chữa cháy là một đơn vị đặc thù, trực chiến đấu 24/24, hầu hết đều anh em rất gắn kết với nhau, sinh hoạt tại đơn vị là chủ yếu, ít có thời gian ở bên gia đình, nên với chúng tôi, đơn vị giống như “ngôi nhà thứ hai” của mình. Trước và sau Tết, đơn vị thường tổ chức nhiều hoạt động vui xuân đón Tết nhưng không quên nhiệm vụ, điều này giúp xua tan nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, bạn bè cho chiến sĩ ở lại trực Tết.”

Thượng úy Nguyễn Tuấn Thành – cán bộ đội Cảnh sát PCCC&CNCH, công an huyện Thạch Thất chia sẻ: “Đôi lúc tôi cũng thấy chạnh lòng, khi mọi người được quây quần bên gia đình, ăn bữa cơm tất niên chiều 30 Tết và đón thời khắc giao thừa, còn tôi và đồng đội lại ở đơn vị thực hiện nhiệm vụ. Thời gian đầu, vợ tôi còn chưa quen nên cũng có đôi lời hờn dỗi, nhưng sau khi đã hiểu và cảm thông cho tính chất đặc thù của công việc thì cô ấy và các con chính là nguồn động lực lớn nhất để tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ, sớm trở về bên gia đình.”

anh-4-tet-cua-linh-cuu-hoa-1674318031.JPG

Những người lính cứu hỏa chỉ mong mỗi ngày, những “công cụ tác chiến” của họ được nằm yên một chỗ - đồng nghĩa “giặc lửa” không tấn công vào cuộc sống bình yên của nhân dân

Vào ngày 29, 30 Tết, ngoài những chiến sĩ tăng cường đi bảo vệ cho các điểm bắn pháo hoa, còn lại các CBCS chia ra mỗi người một việc để chuẩn bị cho thời khắc đón giao thừa. Từ việc rửa lá dong, gói bánh chưng, nấu mâm cơm cúng giao thừa cũng đều do chính tay các CBCS trong đơn vị đảm nhiệm, mọi người vừa làm vừa cùng nhau chia sẻ những câu chuyện của năm cũ đã tạo nên một không khí đầm ấm, vui vẻ như “một gia đình”.

Ngoài ra, chính quyền địa phương, lãnh đạo công an huyện, lãnh đạo đội cũng hết sức quan tâm, chăm lo cho đời sống tinh thần của cán bộ chiến sĩ ở lại đơn vị trực chiến đấu. Nào thì cành đào, cành mai, chậu hoa Tết, những giỏ quà bánh dành cho CBCS gửi về người thân, gia đình; tổ chức hoạt động thể thao như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, từ đó, giúp gắn kết hơn nữa tình đồng chí, đồng đội trong đơn vị.

Người dân chạy ra, nhưng chúng tôi lại chạy vào!

Trong năm 2022, trên địa bàn cả nước xảy ra rất nhiều vụ hỏa hoạn, gây thiệt hại cả về người và của. Đặc biệt là vụ cháy quán karaoke ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội vào đầu tháng 8, không chỉ thiệt hại về của cải, vật chất mà vụ việc này đã khiến cho 03 chiến sĩ thuộc đội Cảnh sát PCCC&CNCH, công an quận Cầu Giấy không may hy sinh trong quá trình với chiến đấu với “ngọn lửa tử thần”, bảo vệ tài sản, tính mạng cho người dân.

“Phải có mặt tại hiện trường vụ cháy, nghe những tiếng la hét, cầu cứu thất thanh của người dân vẫn còn đang mắc kẹt bên trong, trong khi mình có trang bị đầy đủ trang thiết bị, được đào tạo bài bản về những chiến kỹ thuật chữa cháy mà không giúp được họ là tự thấy có lỗi với chính bản thân mình, có lỗi với nhân dân”- chia sẻ của Thiếu tá Vũ Ngọc Tân – Đội trưởng đội Cảnh sát PCCC&CNCH, công an huyện Thạch Thất khi nhớ về nghĩa cử cao đẹp, đáng tự hào của những người đồng chí, đồng đội của mình trong nghề.

Ngay tại đơn vị chữa cháy huyện Thạch Thất, có một tấm gương sẵn sàng hy sinh quên thân mình, tham gia vào công tác cứu nạn cứu hộ, trong đám cháy xảy ra vào năm 2019, đó là Thượng úy Nguyễn Tuấn Thành – Cán bộ đội Cảnh sát PCCC&CNCH, công an huyện Thạch Thất, thời điểm đó đồng chí đang là tiểu đội trưởng.

anh-2-tet-cua-linh-cuu-hoa-1674318031.JPG

Sau khoảng 2 tháng điều trị, với thương tật 37%, Thượng úy Nguyễn Tuấn Thành đã không thể tiếp tục nhiệm vụ trực chiến đấu

Nói về kỷ niệm năm ấy, đồng chí Thành không khỏi xúc động: “Hôm đó, tôi nhận được thông tin từ trung tâm chỉ huy chữa cháy 114 xảy ra một vụ cháy tại khu xưởng mộc thuộc xã Trang Sơn, huyện Thạch Thất, lãnh đạo đội đã điều động 1 xe chỉ huy và 2 xe chữa cháy đến hiện trường. Sau khi dập lửa khoảng hơn một giờ đồng hồ, tôi quan sát thấy lửa cháy lan sang khu nhà xưởng bên cạnh trong đó có một nhà cao tầng, ngay lập tức đơn vị triển khai 1 mũi tấn công chữa cháy trên mái nhà. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, không may sập khấu kiện, tôi bị rơi từ khoảng cách 8 mét xuống mặt đất, lúc đó mặt mày tối sầm lại và ngất đi lúc nào không hay biết.

Sau đó, tôi được các đồng đội đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất để sơ cứu ban đầu và được chuyển lên bệnh viện Việt Đức. Bác sĩ chẩn đoán vỡ xương gót chân bên phải, lún sụt, rạn nứt cột sống, hiện tại tôi đang là thương binh với thương tật 37%. Được sự quan tâm của Đảng ủy, Công an thành phố Hà Nội, Công an huyện Thạch Thất cũng như lãnh đạo đội, tôi đã đi làm trở lại sau hai tháng điều trị, và được phân công nhiệm vụ trực thông tin cho đến bây giờ.”

anh-5-tet-cua-linh-cuu-hoa-1674318031.JPG

Bàn làm việc của Thượng úy Nguyễn Tuấn Thành

Vết thương ấy không thể bình phục hoàn toàn 100%, ảnh hưởng trực tiếp đến công việc và cuộc sống, đặc biệt mỗi khi trái gió trở trời Thượng úy Nguyễn Tuấn Thành thường gặp khó khăn trong việc đi lại. Nhưng với tinh thần mạnh mẽ, ý chí kiên cường, bản lĩnh và niềm đam mê, nhiệt huyết của một người lính được đào tạo, rèn rũa qua thời gian, cùng với sự quan tâm, động viên của gia đình, người thân, đồng đội, Thượng úy Nguyễn Tuấn Thành đã vượt qua tất cả, để tiếp tục cống hiến mình vì sự nghiệp giữ gìn an toàn, bảo vệ người dân.

Để giảm thiểu những nguy hiểm rủi ro đe dọa đến tính mạng cho cán bộ chiến sĩ khi tham gia vào công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, đội Cảnh sát PCCC&CNCH, công an huyện Thạch Thất thường xuyên tổ chức khóa huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chữa cháy cho CBCS toàn đơn vị. Xây dựng những tình huống giả định, tình huống chữa cháy đặc trưng, có tính chất đặc biệt nguy hiểm cao để cán bộ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để khi tiếp cận đám cháy có thể đọc được tình huống, từ đó đưa ra phương án hợp lý để bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân cũng như an toàn cho người tham gia chữa cháy.

Đặc biệt khi vào đám cháy, người lính phải được trang bị các trang thiết bị chữa cháy đặc thù như găng tay, mặt nạ chống độc, bình ôxy, các bộ quần áo bảo hộ, quần áo cách nhiệt,… Ngoài ra, đơn vị thường xuyên xây dựng kế hoạch phân công cán bộ điều tra, khảo sát về tình hình giao thông và nguồn nước trên địa bàn đảm bảo khi có sự cố cháy, nổ xảy ra có thể xác định ngay trụ nước, bể nước, ao hồ gần khu vực xảy ra sự cố, nếu đám cháy quá lớn thì ngay lập tức phải xin chi viện.

anh-3-tet-cua-linh-cuu-hoa-1674317912.jpg

Tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ” được đặt  tại phố Trần Nhân Tông, Hà Nội

Công việc nào cũng có khó khăn, vất vả, nguy hiểm riêng, tuy nhiên với công tác PCCC&CNCH lại có nhiều đặc thù khác, bởi có tính chất nguy hiểm cao, đặc biệt ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của chiến sĩ tham gia chữa cháy.

Vì vậy, ngoài sự hiểu biết, khéo léo còn có cả sự liều lĩnh, dám hy sinh bản thân mình để bảo vệ người khác. Đây là phẩm chất cao quý, đáng tự hào của người chiến sỹ PCCC&CNCH, xứng đáng với tám chữ vàng “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Lê Vân – Lê Hoàng