Thạc sĩ Tâm lý khuyên bố mẹ "vượt chướng ngại vật", cứ gõ rồi cửa sẽ mở, đừng né tránh khi biết con tự kỷ

Thạc sĩ Tâm lý Lê Minh Huân cho rằng, trong hành trình đồng hành cùng trẻ tự kỷ, điều quan trọng không phải là trẻ có vấn đề hay không, mà là người lớn có thực sự hiểu và tôn trọng trẻ. Bởi có những "cánh cửa" chỉ mở ra cho người biết lắng nghe và thấu hiểu.

Eva Chatting số đặc biệt với chủ đề “Kiên cường yêu thương” lên sóng trong tháng 4 không chỉ là dịp để lắng nghe, thấu hiểu, nhìn lại những rào cản mà trẻ tự kỷ đang phải đối mặt, mà còn là lời nhắc nhở mỗi người lớn cần điều chỉnh lại cách nhìn, cách thương và dạy. 

Tham gia buổi trò chuyện, chị Quách Mỹ Oanh, người mẹ 17 năm đồng hành cùng con trai tự kỷ Tăng Khải Thành đã có những chia sẻ đầy xúc động về hành trình làm mẹ. Từ những ngày đầu học cách chấp nhận con trai đến khó khăn, thử thách trong hành trình nuôi dạy con tự kỷ.

Thông qua câu chuyện của chị Oanh, thạc sĩ Tâm lý Lê Minh Huân đã mở ra nhiều góc nhìn sâu sắc về trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhìn nhận trẻ bằng sự tôn trọng và thấu hiểu. Bởi sự phát triển của trẻ tự kỷ không đơn thuần phụ thuộc vào chẩn đoán hay phương pháp trị liệu, mà còn đến từ chính thái độ kiên nhẫn, sự đồng hành và những cánh tay đưa ra đúng lúc từ người lớn.

Thạc sĩ Lê Minh Huân (bên phải) và chị Oanh (bên trái) trong chương trình Eva Chatting.

Hiểu để yêu thương, kiên trì để đồng hành

Chị Oanh cho biết, trong 17 năm đồng hành cùng Thành, chị luôn tôn trọng mong muốn và sở thích của con. Chị khuyến khích nhưng không ép buộc Thành vào những hoạt động con không thích, tạo môi trường thoải mái, vui vẻ, đồng thời linh hoạt thay đổi phương pháp dạy học để phù hợp với nhu cầu và phản ứng của con.

Về vấn đề này, thạc sĩ Huân hoàn toàn ủng hộ. Song, với những ông bố bà mẹ chưa có kinh nghiệm, việc xác định giới hạn và hiểu rõ sự khác biệt của trẻ tự kỷ đôi khi là một thách thức lớn. Không ít người, khi tiếp xúc với trẻ tự kỷ, thường vô tình nhìn trẻ qua lăng kính “thiếu sót” hay “có vấn đề”. Song, thạc sĩ Huân cho rằng, mỗi đứa trẻ đều có một thế giới riêng biệt, có cảm xúc, suy nghĩ, nhu cầu và cách học hỏi khác nhau. Sự khác biệt không có nghĩa là khiếm khuyết.

Thạc sĩ Lê Minh Huân bày tỏ, dù trẻ là ai, điều quan trọng là chúng ta cần nhìn nhận trẻ như một con người với giá trị riêng. Những đứa trẻ tự kỷ không phải là những “câu đố” cần phải giải, mà là những cá thể cần được yêu thương, tôn trọng và thấu hiểu.

Trẻ tự kỷ thường có những cách thức biểu đạt cảm xúc, giao tiếp hay học hỏi khác biệt so với trẻ em khác. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là trẻ thiếu đi khả năng phát triển. Thực tế, nếu có thể hiểu được cách trẻ cảm nhận thế giới, bố mẹ sẽ dễ dàng tạo ra môi trường để trẻ học hỏi và phát triển một cách hiệu quả. Chính vì thế, khi nhìn nhận trẻ tự kỷ như một cá thể độc lập, việc thấu hiểu sẽ giúp các bố mẹ hiểu rõ hơn về nhu cầu của trẻ và từ đó có những cách thức giáo dục phù hợp.

Một trong những yếu tố quan trọng trong việc nuôi dạy trẻ tự kỷ là tôn trọng và lắng nghe. Lắng nghe không chỉ là việc nghe trẻ có thể nói ra được điều gì mà là việc người lớn cần hiểu được cảm xúc, suy nghĩ và nhu cầu của trẻ mà không áp đặt những kỳ vọng hay chuẩn mực quá khắt khe.

Trong 17 năm đồng hành cùng Thành, chị Oanh luôn tôn trọng mong muốn và sở thích của con.

Việc tôn trọng trẻ không chỉ thể hiện qua việc bố mẹ không ép buộc trẻ làm điều mình không thể, mà còn qua việc tạo ra không gian để trẻ tự do thể hiện bản thân, khám phá thế giới theo cách của riêng mình. Dù gặp khó khăn trong giao tiếp và hòa nhập, trẻ tự kỷ cũng cần được tạo điều kiện để thể hiện cảm xúc và suy nghĩ. Điều này giống như việc chị Oanh khuyến khích Thành đọc sách, viết lách,... nhưng vẫn dành thời gian cho con nghỉ ngơi, đồng thời để Thành làm những việc con thích. Những điều này chính là nền tảng giúp trẻ dần học được cách giao tiếp, hòa nhập với cộng đồng.

Bên cạnh đó, người lớn cũng cần nhận thức rằng, không có một công thức chung nào để nuôi dạy trẻ tự kỷ. Mỗi trẻ có một cách học riêng, một cách cảm nhận riêng, không thể áp dụng những tiêu chuẩn xã hội vào từng cá thể. Thay vào đó, bố mẹ cần phải thấu hiểu trẻ qua từng cử chỉ, từng hành động, đồng thời luôn sẵn sàng điều chỉnh phương pháp giáo dục sao cho phù hợp.

Thạc sĩ Huân khẳng định: “Dù trẻ có xuất phát điểm thế nào, nếu người lớn hiểu và tôn trọng trẻ, trẻ sẽ tiến bộ từng chút một”. Trong thực tế, sự kiên trì và yêu thương của bố mẹ không chỉ là điều kiện cần thiết để giúp trẻ phát triển, mà còn là yếu tố quyết định giúp trẻ cảm thấy an toàn và tin tưởng vào môi trường xung quanh. Dù sự tiến bộ của trẻ không phải lúc nào cũng thể hiện ngay lập tức, nhưng những thay đổi dù nhỏ cũng là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả trẻ và người lớn.

Một tiếng gọi “mẹ ơi” sau 9 năm kiên trì hay một lần trẻ tự cầm muỗng ăn mà không cần hỗ trợ, có thể là những cột mốc nhỏ bé với người ngoài, nhưng với phụ huynh, đó là cả một kỳ tích. Những bước tiến ấy không đến từ phép màu, mà từ sự bền bỉ của cha mẹ, thầy cô và cộng đồng.

Chính những hành động kiên trì và yêu thương từ người lớn sẽ giúp trẻ sẽ cảm nhận được sự an toàn, từ đó mở lòng hơn với thế giới xung quanh. 

Cứ gõ đi rồi cửa sẽ mở

Nuôi dạy trẻ tự kỷ chưa bao giờ là dễ dàng. Để có được Thành hiểu chuyện, yêu mẹ, biết phụ giúp việc nhà như hiện tại, chị Oanh đã trải qua không biết bao nhiêu khó khăn. Chị Oanh tâm sự, từng có khoảng thời gian tâm trạng chị tiêu cực đến nổi muốn buông bỏ hết mọi thứ. Những áp lực từ việc chăm sóc Thành, cộng với nhiều yếu tố tác động khiến chị không biết phải làm gì tiếp theo. Nhưng mỗi khi nhìn thấy Thành, chị lại không thể từ bỏ. Những tiến bộ dù nhỏ nhất của con cũng trở thành động lực để chị tiếp tục cố gắng. 

Chị Oanh xúc động khi xem lại những hình ảnh của Thành, cậu con trai nhỏ chính là nguồn động lực để chị tiếp tục.

Là người có kinh nghiệm lâu năm trong việc hỗ trợ trẻ, thạc sĩ Huân cho biết một trong những điều khó khăn nhất với các bậc phụ huynh là chấp nhận giáo dục và nuôi dưỡng một đứa trẻ tự kỷ vì nó không diễn ra theo một lịch trình rõ ràng nào. 

Có khi, trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp như không nói được, lặp lại lời nói máy móc hoặc không hiểu những câu yêu cầu đơn giản. Đôi lúc, trẻ cũng thường khó hòa nhập xã hội, không phản ứng khi được gọi tên, ít nhìn vào mắt người khác, hay có những hành vi lặp lại như bật công tắc liên tục, xếp đồ chơi thành hàng,... Những điều này không chỉ khiến phụ huynh lo lắng mà đôi khi còn làm họ kiệt sức, tự hỏi: “Liệu mình có đang làm đúng không?”

Không chị riêng chị Oanh, rất nhiều phụ huynh từng thú nhận với thạc sĩ Huân: “Có lúc tôi cảm thấy hai mẹ con không thể tiếp tục nữa”. Những khoảnh khắc tuyệt vọng ấy không phải là hiếm.

"Nếu người lớn bỏ cuộc, trẻ sẽ mất đi cơ hội phát triển. Trẻ tự kỷ không thể tự cứu mình như người lớn, các em cần một người hướng dẫn, một người đủ kiên nhẫn để nắm tay dẫn đường", thạc sĩ Huân bày tỏ.

Ở chị Oanh, có phần may mắn khi chị có nền tảng kinh tế ổn định, có khả năng chủ động tìm kiếm và đầu tư để đảm bảo cho Thành được tiếp cận các phương pháp điều trị tốt. Nhưng trên thực tế, không phải gia đình nào cũng có điều kiện kinh tế để theo đuổi các chương trình can thiệp chuyên sâu, đặc biệt là với các gia đình ở vùng sâu vùng xa. Chi phí đi lại, học phí tại các trung tâm, thời gian chờ đợi để được tiếp cận dịch vụ, tất cả đều là rào cản lớn. Trong hoàn cảnh ấy, điều quan trọng là cha mẹ đừng nghĩ rằng “không có tiền thì không thể giúp con”.

Thạc sĩ Huân cho biết, sự đồng hành của gia đình đóng vai trò then chốt trong quá trình phát triển của trẻ.

Thạc sĩ Huân chỉ rõ: “Chăm sóc trẻ không chỉ nằm ở phòng can thiệp hay lớp học đặc biệt, mà nằm ở cách người lớn tương tác với trẻ mỗi ngày. Chơi cùng trẻ, quan sát và phản hồi với trẻ, tạo môi trường an toàn để trẻ bộc lộ cảm xúc, những việc ấy không tốn chi phí, nhưng lại là “liệu pháp” có giá trị lâu dài nếu được thực hiện đều đặn, đúng cách”.

Ngoài ra, cha mẹ có thể tận dụng các nguồn lực sẵn có, “gõ cửa” xin tư vấn miễn phí từ các chuyên gia qua điện thoại, tham gia nhóm phụ huynh để học hỏi lẫn nhau, theo dõi các kênh chia sẻ uy tín từ chuyên gia để tự học. Có một số chương trình từ tổ chức xã hội, trung tâm thiện nguyện cũng đang triển khai hỗ trợ miễn phí hoặc giá rẻ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, điều quan trọng là phụ huynh phải chủ động tìm kiếm và kết nối.

“Có thể cánh cửa đầu tiên bố mẹ gõ sẽ không mở ngay. Nhưng nếu không gõ, cánh cửa sẽ mãi đóng. Có thể bố mẹ sẽ gõ vài lần, ở vài nơi. Nhưng mỗi lần đều là một cơ hội để học, để hiểu hơn về con, và để tìm ra hướng đi phù hợp nhất”, thạc sĩ Huân chia sẻ.

Không phải ai cũng có điều kiện theo đuổi những chương trình can thiệp tốn kém, nhưng sự chủ động, sự học hỏi và kết nối, lại là những điều không tốn kém mà cực kỳ thiết thực. Với tình yêu thương đủ lớn và tinh thần không ngừng tìm kiếm, mỗi gia đình đều có thể tìm ra cánh cửa phù hợp cho con mình.

“Chúng ta có thể cảm thấy mệt mỏi, có thể sai lầm và đôi khi cảm thấy như mình không còn sức lực, nhưng điều quan trọng là chúng ta không được bỏ cuộc”, thạc sĩ Huân chia sẻ.

Eva Chatting: Clip chia sẻ của Thạc sĩ Tâm lý Lê Minh Huân và mẹ Quách Mỹ Oanh, 17 năm nuôi con tự kỷ

AN THANH