Một phụ nữ họ Vương (40 tuổi) là người Trung Quốc. Suốt nửa năm qua, cô luôn bị những cơn đau quặn bụng hành hạ.
Mỗi lần lên cơn đau bụng, cô Vương lại ra hiệu thuốc mua thuốc giảm đau và các triệu chứng cứ thể lặp đi lặp lại mãi không khỏi. Vì cơn đau sẽ kết thúc sau vài phút nên cô vẫn khá chủ quan và không nghĩ tới chuyện đi khám sức khỏe.
Gần đây, tần suất các cơn đau bụng của cô diễn ra thường xuyên và mức độ đau còn nặng hơn những lần trước. Vì thế cô cùng chồng quyết định đi bệnh viện để kiểm tra. Sau khi có kết quả kiểm tra, cô Vương được bác sĩ chẩn đoán mắc ung thư dạ dày.
Nguyên nhân khiến cô Vương mắc bệnh ung thư dạ dày một phần được bắt nguồn do thói quen ăn uống không lành mạnh. Ở nhà, cô Vương đặc biệt thích ăn đồ muối chua và đồ hun khói. Trong 3 bữa chính hàng ngày, hầu như bữa nào cũng thấy sự xuất hiện của 2 loại thực phẩm này. Vì có sở thích ăn 2 món này nên cô Vương còn tự ngâm đồ muối chua và làm thịt hun khói treo trên tường.
Do làm tích trữ khá nhiều nên cô Vương thường bảo quản đồ ăn sau khi làm trong tủ lạnh. Chính thói quen ăn uống này đã góp phần khiến cô Vương mắc bệnh ung thư dạ dày từ lúc nào chẳng hay.
Khi để thức ăn lâu ngày trong tủ lạnh sẽ sinh ra nitrit và khi hấp thụ chất này lâu ngày sẽ gây ra bệnh ung thư.
Được biết nitrit có trong rau củ quả hiện nay là do quá trình phun thuốc trừ sâu có hàm lượng nitrit cao; còn với thịt cá là từ những chất bảo quản giúp thịt cá tươi ngon. Khi vào cơ thể, nitrit tác động với các acid amin có trong dạ dày tạo thành nitrosamine (tiền chất gây ung thư).
Nghiên cứu chỉ ra rằng nitrit là thủ phạm làm gia tăng khả năng mắc một số bệnh ung thư đường tiêu hóa nếu ai đó hấp thụ liên tục trong thời gian dài. Còn nếu hấp thụ nitrit ở hàm lượng cao hơn mức cho phép thì có thể gây ra ngộ độc cấp tính. Nitrit xuất hiện nhiều trong xúc xích, thịt hun khói, cà muối...
Nhiều người cứ tưởng thức ăn để trong tủ lạnh là an toàn nhưng không phải, vì ở nhiệt độ của tủ lạnh, vi sinh vật chỉ bị ức chế (hoạt động chậm) chứ không chết, thức ăn thực chất vẫn bị phân hủy nhưng với tốc độ chậm hơn so với môi trường bên ngoài. Nếu để thức ăn trong tủ lạnh quá lâu vẫn có thể gây ra nguy cơ ngộ độc, về lâu dài có thể gây ra các ảnh hưởng khác đối với sức khỏe người sử dụng.
Những loại thực phẩm tích trữ trong tủ lạnh có nguy cơ gây ung thư cao
1. Thực phẩm bị hỏng và nấm mốc
Thức ăn cất trong tủ lạnh có thể nâng cao hạn sử dụng của thực phẩm nhưng không phải là vĩnh viễn. Khi đồ ăn bị mốc tồn trong tủ lạnh lâu ăn vào có thể gây hại dạ dày. Do trong thức ăn bị mốc có chứa aflatoxin, đây là chất gây ung thư mạnh, ăn phải sẽ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày.
Độc tố Aflatoxin là độc tố vi nấm sản sinh tự nhiên bởi một số loài Aspergillus, là một loại nấm mốc, đáng chú ý nhất là Aspergillus flavus và Aspergillus parasiticus. Ngoài việc gây ngộ độc cấp tính (liều gây chết người khoảng 10mg), độc tố Aflatoxin còn được xem là nguyên nhân gây xơ gan và ung thư gan.
Độc tố Aflatoxin rất bền với nhiệt, dù ở nhiệt độ rất cao, các bào tử nấm mốc bị tiêu diệt, nhưng độc tố của chúng vẫn không bị phá hủy hoàn toàn.
2. Thực phẩm ngâm chua
Thực phẩm ngâm chua chứa nhiều muối (natri). Nếu ăn quá nhiều thức ăn nhiều natri, nhiều muối, vị mặn sẽ kích thích thành dạ dày, làm tổn thương hàng rào niêm mạc dạ dày, gây viêm niêm mạc, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Trong khi đó, thực phẩm ngâm chua cũng sẽ sinh ra nitrit, một thành phần không tốt cho sức khỏe, có thể gây ung thư và khiến con người dễ mắc các bệnh mãn tính. Do đó, bạn nên hạn chế tiêu thụ các thực phẩm chứa nhiều muối, ngâm muối.
3. Thực phẩm hun khói
Giống như thực phẩm ngâm chua, thực phẩm hun khói cũng là thực phẩm chứa nhiều muối. Nếu ăn thực phẩm hun khói trong thời gian dài sẽ không tốt cho dạ dày. Trong quá trình chế biến thực phẩm hun khói sẽ sinh ra một lượng lớn benzopyrene, đây là chất gây ung thư, tiêu thụ lâu dài sẽ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày.
Như Quỳnh (T/h)