Các nhà khoa học phát hiện những cảm xúc tiêu cực làm tăng tốc độ đồng hồ sinh học của con người hơn so với thuốc lá. Trong đó, cảm giác cô đơn, không hạnh phúc và tuyệt vọng được cho là làm con người già đi trước 1 năm 8 tháng - nhiều hơn 5 tháng so với hút thuốc.
Nghiên cứu còn cho thấy tổn thương đồng hồ sinh học của cơ thể còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, tiểu đường, tim mạch... Các chuyên gia tin rằng tình trạng viêm mạn tính do không hạnh phúc gây ra tổn thương cho tế bào và các cơ quan quan trọng.
Tiến sĩ Laurie Theeke, Đại học George Washington, người không tham gia vào nghiên cứu, chia sẻ với DailyMail, không có gì ngạc nhiên khi cô đơn dẫn đến lão hóa nhanh hơn hút thuốc: “Tôi đã nghiên cứu vấn đề này từ năm 2002 và có nhiều bộ dữ liệu quốc gia cho thấy cô đơn dẫn đến tuổi thọ ngắn hơn, tỉ lệ tử vong cao hơn”.
Nữ tiến sĩ cho biết, những người cô đơn có xu hướng bị viêm và mức độ lo lắng cao hơn những người khác và cũng ít vận động hơn. Những yếu tố này góp phần làm cho sức khỏe của họ trở nên tồi tệ.
Con người có tuổi sinh học, ước tính sự suy giảm của cơ thể dựa trên các yếu tố máu, tình trạng thận và chỉ số khối cơ thể (BMI).
Các chuyên gia ở Đại học Stanford (Mỹ) và một công ty ở Hong Kong (Trung Quốc) đã thu thập dữ liệu của 12.000 người ở Trung Quốc ở độ tuổi trung niên và cao tuổi. Khoảng 1/3 có các bệnh nền liên quan tới phổi, ung thư… Sử dụng mẫu máu, khảo sát và dữ liệu y tế, các chuyên gia đã tạo ra mô hình lão hóa để dự đoán tuổi sinh học của các tình nguyện viên.
Kết quả nghiên cứu được công bố hôm 27/9 trên tạp chí Aging US cho thấy cảm giác cô đơn hoặc không hạnh phúc là yếu tố làm suy giảm đồng hồ sinh học của con người nhanh hơn. Tiếp theo là hút thuốc khiến một người già đi 1 năm 3 tháng tuổi. Nam giới cũng có nguy cơ bị lão hóa nhanh hơn 5 tháng.
Sống ở vùng nông thôn khiến một người bị già hơn 4 tháng có thể do điều kiện làm việc vất vả hơn, ít bệnh viện và bác sĩ hơn. Không bao giờ kết hôn có thể nâng tuổi của một người lên gần 4 tháng.
Manuel Faria, một nhà nghiên cứu tại Stanford và là một trong người tham gia vào nghiên cứu này cho biết: "Trạng thái tinh thần và tâm lý là một số yếu tố dự báo mạnh mẽ nhất về sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của con người nhưng tình trạng này đến nay vẫn bị loại bỏ khỏi dịch vụ chăm sóc sức khỏe".
Tuy nhiên, hạn chế của nghiên cứu là chỉ xem xét nhóm tuổi từ trung niên trở lên, không rõ liệu kết quả có đúng với các nhóm tuổi trẻ hơn hay không.
Trước đây, nghiên cứu của Viện Quốc gia về Lão hóa (NIH) cũng nghiên cứu về sự cô đơn và cô lập với quá trình lão hóa, kết quả cho thấy mỗi ngày một người thấy cô đơn thì sức khỏe và tuổi thọ sẽ giảm tương đương như hút khoảng 15 điếu thuốc mỗi ngày.