Tin tức Đời sống 26/2: Ung thư dạ dày vì thói quen dân văn phòng hay mắc

Cập nhật tin tức đời sống ngày 26/2: Bé trai 15 tuổi thủng ruột vì thói quen ăn uống như nhiều người; Bất ngờ với số ly cà phê nên uống để chống cao huyết áp...

Bé trai 15 tuổi thủng ruột vì thói quen ăn uống như nhiều người

Bệnh nhân N.T.L (15 tuổi) xuất hiện đau bụng dữ dội vùng trên rốn trước vào viện 3 giờ. Bệnh nhân có thói quen ăn đồ chua cay, đặc biệt bệnh nhân phát hiện viêm loét dạ dày cách 8 tháng.

Ngay sau khi nhập viện, bệnh nhân nhanh chóng được hồi sức, làm xét nghiệm siêu âm bụng, chụp X-quang. Tuy nhiên, đây là trường hợp thủng dạ dày bít lại, nên phim X-quang bụng không có hình ảnh liềm hơi đặc trưng cho thủng dạ dày, song qua thăm khám bác sĩ Ngoại vẫn nghĩ đến tình trạng bụng ngoại khoa. Bệnh nhân được chụp CT-scanner ổ bụng, kết quả được chẩn đoán viêm phúc mạc do thủng dạ dày, có chỉ định mổ cấp cứu nội soi khâu lỗ thủng.

Trong quá trình phẫu thuật nội soi, bác sĩ phát hiện ổ bụng L chứa nhiều dịch mủ bẩn, dịch tiêu hóa, phát hiện 1 lỗ thủng mặt trước môn vị dạ dày. Bệnh nhân đã được khâu đóng lỗ thủng, làm sạch ổ bụng.

Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Toàn - Khoa Ngoại Tổng hợp của bệnh viện: Hiện nay tình trạng thủng ổ loét dạ dày – tá tràng đang có xu hướng trẻ hóa độ tuổi mắc bệnh do thói quen ăn uống thiếu khoa học (ăn nhiều đồ chua, cay, nóng, đồ ăn nhanh… áp lực trong học tập, thức khuya, stress…) dẫn đến tình trạng viêm loét gây thủng dạ dày – tá tràng. Đây là một tình trạng cấp cứu cần phải xử lý kịp thời. Nếu phát hiện sớm, phẫu thuật nội soi cho kết quả tốt, hồi phục nhanh, thẩm mỹ, nếu phát hiện muộn sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Qua trường hợp trên, các sỹ cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học cho trẻ. Khi trẻ có biểu hiện đau bụng vùng dưới mũi ức (trên rốn), gia đình cần sớm đưa các cháu đến khám tại bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bất ngờ với số ly cà phê nên uống để chống cao huyết áp

Một nghiên cứu công bố trên tạp chí y học Clinical Hypertension bởi nhóm nghiên cứu từ Đại học Y khoa Ewha Womans và Đại học Quốc gia Pusan (Hàn Quốc) đã xem xét tác động của số ly cà phê uống mỗi ngày lên bệnh cao huyết áp.

Dữ liệu của hơn 12.000 người - được thu thập bởi Chương trình Khảo sát sức khỏe và dinh dưỡng Hàn Quốc (KNHANES) - đã được đem ra phân tích.

Đời sống - Tin tức Đời sống 26/2: Ung thư dạ dày vì thói quen dân văn phòng hay mắc

Họ được chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là những người uống trung bình 2 ly cà phê mỗi ngày hoặc ít hơn; nhóm thứ 2 uống trung bình hơn 2 ly cà phê mỗi ngày.

Trước đó, có nhiều mối quan tâm được đặt ra về việc tiêu thụ cà phê đối với người có nguy cơ mắc cao huyết áp cũng như diễn tiến của bệnh.

Nhiều người lo ngại rằng caffeine có thể gây rủi ro cho người bệnh cao huyết áp hoặc uống quá nhiều sẽ thúc đẩy căn bệnh này, nhưng một số bằng chứng khác cho thấy dường như nó vô hại.

Do vậy, nhóm tác giả Hàn Quốc quyết định so sánh tác động dựa trên lượng cà phê uống vào.

Với sự chênh lệch tối thiểu giữa hai nhóm, tác động đã khác biệt rõ rệt. Với những người tiêu thụ trên 2 ly cà phê mỗi ngày, nguy cơ cao huyết áp đã giảm đi 15% so với mức 2 ly; tỉ lệ này có thể tăng lên tới 24% với người cao tuổi.

Theo các tác giả, mối lo ngại thông thường của bệnh nhân cao huyết áp khi uống cà phê đến từ việc caffeine thực sự gây tăng huyết áp cấp tính, thông qua tác động kích thích phản ứng hormone cortisol ở tuyến yên.

Tuy nhiên, nếu uống cà phê như một thói quen, người uống sẽ có khả năng chịu được tác dụng cấp tính. Không chỉ thế, một tập hợp các hormone điều hòa ngược lại giúp họ duy trì mức huyết áp tốt hơn khi tiếp xúc với caffeine so với người bình thường.

Về lâu dài, cà phê chứa nhiều chất xơ hòa tan, các chất chống oxy hóa nhóm polyphenol và kali, đều là những thứ có lợi trong việc giúp ổn định huyết áp.

Do vậy, nếu một người thường không uống cà phê đột ngột uống một lần quá nhiều, điều đó có thể gây rắc rối nhất là khi họ bị cao huyết áp. Nhưng nếu đó đã là thói quen, cà phê sẽ có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc ổn định mức huyết áp ở người đã bị bệnh.

Tất nhiên nếu bạn là bệnh nhân, tuân thủ điều trị bằng thuốc là điều cần thiết, song song với thay đổi chế độ tập luyện, ăn uống - bao gồm bổ sung đều đặn những thực phẩm có lợi cho bệnh trạng và giảm muối.

Cô gái bị ung thư dạ dày vì thói quen dân văn phòng hay mắc

Theo Stheadline, cô Tào, 29 tuổi, là người dẫn chương trình, thường xuyên bị đau bụng, khó tiêu. Cô cho rằng bản thân bị đau dạ dày thông thường nên đã tự uống thuốc điều trị.

Sau khi nhận thấy cơn đau bụng ngày càng dữ dội, cô Tào đã đến bệnh viện thăm khám và được chẩn đoán mắc ung thư.

Theo các bác sĩ, bệnh nhân mắc một loại ung thư dạ dày rất hiếm gặp là ung thư biểu mô tế bào vòng Signe, với 2 vết loét và nhiều đốm đỏ trên niêm mạc hang vị dạ dày.

Nữ MC chia sẻ rằng cô thường xuyên gặp áp lực trong công việc, bỏ bữa sáng, ăn uống không đúng giờ, sử dụng nhiều rượu và cà phê. Với chế độ sinh hoạt và ăn uống không điều độ này, khi bị đau dạ dày, cô nghĩ rằng vấn đề không quá nghiêm trọng.

Theo bác sĩ Lý Lực, Trưởng khoa khoa Tiêu hóa tại Bệnh viện Trung ương quận Dương Phố (Thượng Hải), ung thư biểu mô tế bào vòng Signe ở dạ dày là một loại ung thư rất khó phân biệt, triệu chứng giống bệnh viêm dạ dày hoặc loét dạ dày.

Một số biểu hiện ban đầu của bệnh bao gồm đầy bụng và khó chịu, đau âm ỉ, ợ hơi, buồn nôn, trào ngược axit, chán ăn... Bệnh ung thư này hiếm khi được phát hiện sớm.

Bệnh chủ yếu được phát hiện ở giai đoạn cuối và di căn rất nhanh dưới niêm mạc dạ dày. Thời gian sống sót của bệnh nhân ở giai đoạn cuối chỉ 6-12 tháng, tỷ lệ sống sót sau 5 năm gần như bằng 0.

Bác sĩ Lý Lực cho biết để phòng ngừa bệnh ung thư dạ dày, người dân cần làm 4 việc sau:

1. Thường xuyên nội soi dạ dày. Bác sĩ cũng chỉ ra các nhóm người nên nội soi dạ dày càng sớm càng tốt để sàng lọc ung thư:

- Những người dưới 40 tuổi.

- Người sống trong môi trường có tỷ lệ người mắc ung thư dạ dày cao.

- Người từng nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori.

- Người từng bị viêm dạ dày teo mạn tính, loét dạ dày, polyp dạ dày, viêm dạ dày phì đại, thiếu máu ác tính.

- Người có các yếu tố nguy cơ khác của ung thư dạ dày (như ăn nhiều muối, hút thuốc, uống nhiều rượu).

2. Ăn uống đầy đủ, đều đặn, không để bữa đói bữa no. Hạn chế ăn thực phẩm quá chua, cay nóng, nhiều dầu mỡ và muối.

3. Không hút thuốc, uống rượu. Nicotine có trong khói thuốc lá có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày, thúc đẩy hình thành viêm dạ dày và loét dạ dày, đồng thời làm chậm quá trình lành vết thương, kích thích dạ dày và gây viêm.

4. Giữ tâm trạng vui vẻ. Làm việc cường độ cao và căng thẳng tinh thần quá mức cũng có thể gây ra bệnh dạ dày. Vì vậy, việc điều tiết cảm xúc là rất quan trọng, bằng cách giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng và giấc ngủ có thể cải thiện các triệu chứng khó tiêu, vấn đề tiêu hóa khác.