TP.HCM quyết mạnh tay xử lý 3 KCN quy hoạch "chết đứng" hơn 10 năm

3 khu công nghiệp (KCN) với diện tích 657ha đưa vào quy hoạch hơn 10 năm nay vẫn chưa "nhúc nhích" triển khai.

UBND TP.HCM vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung khu công nghiệp (KCN) Phạm Văn Hai có diện tích 668 ha vào Quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn TP.HCM để thay thế cho 3 KCN "chết đứng" là Bàu Đưng, Phước Hiệp và Xuân Thới Thượng.

Theo UBND TP. HCM, 3 dự án KCN Bàu Đưng, Phước Hiệp, Xuân Thới Thượng đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 2008, nhưng đến nay, dự án này vẫn chưa có chủ đầu tư, chưa có chủ trương thu hồi đất, chưa triển khai các thủ tục về lập quy hoạch đồng thời không còn tính khả thi.

Tính đến thời điểm này, TP.HCM quyết sẽ xóa sổ dự án 3 KCN quy hoạch treo gây nhức nhối trong đời sống nhân dân hơn 10 năm nay.

Được biết, 3 KCN Bàu Đưng, Phước Hiệp và Xuân Thới Thượng có tổng diện tích 657 ha, trong đó, KCN Xuân Thới Thượng có diện tích 300 ha, KCN Phước Hiệp 200 ha và Bàu Đưng là 175 ha.

khu-cong-nghiep-treo1-1625061744.jpg

Dự án khu công nghiệp quy hoạch "treo" do vị trí địa lý không thuận lợi, không kêu gọi được chủ đầu tư hạ tầng (Ảnh minh họa)

Dự án KCN Bàu Đưng được quy hoạch tại xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi được giao cho 1 chủ đầu tư từ năm 2008. Đến năm 2009, chủ đầu tư này rút tên khỏi dự án tham gia.

Đến nay, dự án trống chủ và chưa triển khai. Hiện, trên khu đất này có khoảng 150 căn nhà, 1 trại bò, 1 điểm thu mua sữa, 1 công ty, còn lại là đất nông nghiệp.

Dự án KCN Phước Hiệp được quy hoạch ở hai xã Trung Lập Hạ và Phước Hiệp, huyện Củ Chi. 

Năm 2010, một công ty đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng sau đó đã chấm dứt hoạt động. Hiện khu đất có khoảng 235 căn nhà, còn lại là đất nông nghiệp.

Dự án KCN Xuân Thới Thượng được quy hoạch ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn với diện tích 300ha và khu dân cư liền kề 80 ha.

khu-cong-nghiep-treo-1625061776.jpg

Cũng như 2 dự án kể trên, trải qua 11 năm đến nay dự án KCN Xuân Thới Thượng vẫn chưa có chủ đầu tư và chưa triển khai. Trong khu vực này có hơn 2.200 hộ dân, cá nhân, doanh nghiệp sử dụng đất, với khoảng 871 căn nhà…

Sự tồn tại của 3 dự án KCN "treo" nói trên làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.

Hạ tầng xuống cấp, việc xây dựng, sửa chữa nhà cửa hoặc việc cho tặng, sang nhượng đất không thể thực hiện, cùng hàng loạt bất cập khác về an ninh trật tự-dân sinh xã hội.

Do đó, UBND TP.HCM kiến nghị điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch đối với 3 khu công nghiệp trên.

Vào năm 2018, sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM đã báo cáo UBND TP.HCM các dự án KCN nói trên đã quy hoạch quá lâu mà chưa triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, ảnh hưởng đến chăn nuôi, trồng trọt, đời sống kinh tế của nhân dân trong khu vực dự án…

Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM cho rằng, hiện quy hoạch 3 KCN nói trên không khả thi, có thể xem xét xóa quy hoạch các KCN này khỏi danh mục quy hoạch phát triển các khu chế xuất và KCN tại thành phố.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đã đồng ý với đề xuất của thành phố chuyển 26.000 ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Tuy nhiên, Bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà lưu ý Thành phố cần làm tốt quy hoạch, bảo vệ môi trường, xử lý các vấn đề ngập lụt, ùn tắc giao thông.

Theo Người Đưa Tin Pháp Luật