KNP và Dầu Khí: 3 lần đối đầu, 1 lần liên danh
Được biết, công ty Thí nghiệm Điện miền Nam (SPC-ETC) thành lập vào năm 1981, là một đơn vị trực thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam với chức năng thí nghiệm, kiểm định và sản xuất các thiết bị điện. Trụ sở công ty được đặt tại 22bis Phan Đăng Lưu, phường 6, Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.
Có quá trình phát triển hơn 40 năm qua, SPC-ETC đã xây dựng và khẳng định thương hiệu uy tín trong các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là lĩnh vực kiểm định phương tiện đo. Thế nhưng trong công tác đấu thầu, công ty Thí nghiệm Điện miền Nam để lại những băn khoăn về hiệu quả kinh tế khi tổ chức gói thầu giá trị chục tỷ đồng.
Theo thông tin từ hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia, Công ty này công bố kết quả của 334 gói với tổng giá trị trúng thầu hơn 3,8 nghìn tỷ đồng, tỉ lệ tiết kiệm trung bình 8,68%.
Ngày 27/9/2021, Giám đốc Lê Đình Đàn đã ký Quyết định số 2789/QĐ-TNĐMN, phê duyệt cho liên danh công ty Cổ phần KNP Việt Nam (công ty KNP; MST: 0106456240; địa chỉ: số 30, ngõ 198 phố Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội) và công ty Cổ phần Năng lượng điện Dầu Khí (công ty Dầu Khí; MST: 0105828337; địa chỉ: P101, số 32 phố Hai Bà Trưng, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trúng gói thầu Mua sắm thiết bị điện số 7 với giá 9.669.000.000 đồng (hơn 9,6 tỷ đồng).
Tìm hiểu được biết, KNP và Dầu Khí đã gặp nhau 4 lần thì có 3 lần đối đầu, 1 lần liên danh. Cụ thể, vào năm 2020, tại công ty Điện lực Nam Định, công ty Dầu Khí trúng gói hơn 4,1 tỷ đồng, còn công ty KNP trượt thầu.
Tháng 9/2021, KNP cùng công ty TNHH thiết bị điện Quốc Thịnh Vinalight liên danh và thắng 4 nhà thầu khác (trong đó có công ty Dầu Khí), trúng gói 13,1 tỷ đồng do Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư.
Cũng vào tháng 9/2021, KNP liên danh cùng Dầu Khí loại liên danh HLG – DAHATEC trong gói thầu Mua sắm thiết bị điện số 7 tại công ty Thí nghiệm điện Miền Nam.
Đến tháng 11/2021, hai nhà thầu thành đối thủ tại gói Mua sắm máy dò sự cố cáp ngầm năm 2021 do công ty Điện lực thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư. Kết quả, công ty KNP trúng thầu với giá hơn 4,1 tỷ đồng.
“Công ty không nhập khẩu nên không biết”
Trở lại với gói thầu Mua sắm thiết bị điện số 7, qua nghiên cứu 3/4 hàng hóa, PV nhận thấy dấu hiệu sản phẩm được mua cao hơn giá nhập khẩu tới hơn 4,3 tỷ đồng.
Đơn cử, thiết bị đo PD monitoring MBA đa cảm biến AQUILA thuộc hãng Techimp – Altanova (Ý) được chủ đầu tư phê duyệt với giá 4.741.000.000 đồng. Tuy nhiên, theo PV tìm hiểu, thiết bị này (cùng model, xuất xứ) nhập khẩu từ Ý vào năm 2021 thấp hơn 2,8 tỷ đồng (tức 1.906.562.042 đồng).
Đáng chú ý, vào năm 2021, nhà thầu KNP nhập khẩu thiết bị kiểm tra buồng chân không của máy cắt model VITS60M, hãng Vacuum Interrupters, Inc. (Mỹ) với giá 193.497.044 đồng. Trong khi đó, sản phẩm này được chào thầu với giá gấp 3 lần là 594.000.000 đồng. Với số lượng 3 bộ, tổng giá ở gói thầu cao hơn nhập khẩu tới hơn 1,2 tỷ đồng.
Cần phải nói rõ rằng, mức giá PV đưa ra để so sánh đều đã bao gồm thuế VAT và thuế nhập khẩu.
Dẫu biết nhà thầu khi bàn giao cho chủ đầu tư còn phải chịu thêm một số chi phí liên quan như vận chuyển, kho bãi… và lợi nhuận của doanh nghiệp. Tuy nhiên, số tiền chênh lệch lên tới hơn 4 tỷ đồng là đáng suy ngẫm.
Trao đổi với PV Tạp chí Đời sống và Pháp luật về mức chênh lệch giá kể trên, ông Đoàn Văn Bình (Trưởng phòng Tổ chức nhân sự của Công ty) cho biết: “Khi tham gia đấu thầu, có thể xuất hiện nhà thầu đưa vào giá thấp, giá cao khác nhau. Công ty sẽ xét năng lực, kinh nghiệm, sản phẩm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật trước, còn giá là cuối cùng”.
“Về giá nhập khẩu như PV nêu, nếu đúng là sản phẩm đó thì bên nhà cung cấp biết chứ Công ty không nhập khẩu nên không biết. Theo nguyên tắc, chúng tôi chỉ biết về chứng chỉ CO/CQ hợp lệ do nhà thầu cung cấp, còn các hồ sơ khác đã được đăng tải công khai trên mạng đấu thầu” – ông Bình nói.
Khi PV đề cập về cơ sở xây dựng giá dự toán gói thầu, ông Bình khẳng định Công ty đã làm đúng quy định, thu thập 3-4 báo giá của các đơn vị cung cấp hoặc đã từng cung cấp sản phẩm này trong gói thầu khác.
Liên quan đến thông tin nêu trên, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đưa quan điểm: “Giá nhập khẩu sản phẩm, cộng thêm thuế và các chi phí khác cũng không thể chênh lệch hàng tỷ đồng như vậy. Tôi nghĩ rằng cần xem lại khâu thẩm định giá có vấn đề không.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng nên tìm hiểu, tham khảo thêm giá nhập khẩu, giá thị trường trước khi phê duyệt. Tại sao PV có thể tìm ra mức giá thấp như thế mà chủ đầu tư lại phê duyệt giá cao đến vậy? Đây là một điều rất bất bình thường, cần cơ quan thanh, kiểm tra vào cuộc làm rõ. Nếu có sai phạm thì phải xử lý đúng theo quy định của pháp luật.”