Trời mưa rét, mẹ chồng bưng bát cháo lạnh ngắt cho cháu ăn, khuấy đáy bát lên con dâu òa khóc

Tôi liên tưởng đến rất nhiều sự việc trước đó và bắt đầu thấy hoang mang.

Trước đây tôi là nhân viên ngân hàng nhưng sau khi lấy chồng, việc bầu bí không được khỏe nên tôi xin nghỉ việc để ở nhà dưỡng thai. Khoảng thời gian đó tôi cũng có tập tành bán hàng online và may mắn được “trời phú” công việc cũng vì thế mà thuận lợi hơn. Bởi vậy vợ chồng tôi bàn nhau tôi sẽ không quay trở lại với công việc nhân viên ngân hàng như trước nữa mà ở nhà bán hàng đồng thời chăm sóc con cho được tốt. Khi nào con lớn chút, đi nhà trẻ, nếu bản thân muốn đi làm trở lại lúc đó sẽ tiếp tục.

Thế nhưng cuộc sống bỉm sữa sau khi sinh con đúng là khiến tôi khá choáng ngợp bởi rất nhiều việc khác nhau, chưa kể những lúc con ốm đau là mình luôn tay luôn chân không có thời gian nghỉ ngơi. Vì vậy tôi bàn với chồng nhờ mẹ chồng gần 70 tuổi ở dưới quê lên phụ giúp. Vì bà tuổi cao sức yếu nên ban đầu cũng không có ý muốn nhờ cậy đến bà, sợ bà vất vả nhưng giờ đây công việc thì cũng không quá nhiều nhưng một mình tôi làm không xuể. Thuê người giúp việc thì tốn tiền mà chúng tôi lại không muốn có người lạ trong nhà mình. Bàn đi tính lại, cuối cùng chúng tôi cũng chốt nhờ đến mẹ chồng ở dưới quê lên. Bà tuy già nhưng chắc cũng giúp được đôi ba công việc và khiến bản thân yên tâm hơn là người ngoài.

Ảnh minh họa

Cũng từ đó khi con được 4 tháng tuổi chúng tôi đón bà lên ở cùng. Công việc thường ngày của bà chủ yếu là trông cháu, cho cháu ăn và ru cháu ngủ. Tôi tập trung vào bán hàng và làm tất cả các công việc nhà cửa, nấu ăn cho gia đình.

Mọi việc đều ổn thỏa cho đến mới đây rắc rối bắt đầu xảy ra khi tôi thấy mẹ chồng liên tục nói dối và chăm cháu theo ý muốn của mình. Ví dụ khi tôi nói cháu còn nhỏ chưa được nêm nếm gia vị vào cháo dù là bất kì gia vị nào thì bà vẫn tự ý cho thêm muối hoặc nước mắm theo sở thích. Đến nỗi mà tôi luôn phải theo sát và nếm thử trước khi bà cho con ăn.

Bị tôi chất vấn lại thì bà nói mình quên xong rồi đi nấu lại nồi khác. Đã rất nhiều lần tôi cáu vô cùng nhưng không thể làm khác được. Đỉnh điểm là mới đây khi tôi vừa soạn xong hàng ở trên tầng đi xuống thì thấy mẹ chồng bưng một bát cháo ra phòng ăn để chuẩn bị cho cháu ăn. Tôi lo sợ bà lại nêm nếm gia vị nên có nói bà để tôi cho cháu ăn vì tôi đang rảnh. Thế nhưng khi vừa cầm lấy bát cháo của cháu tôi đã giật mình vì nó lạnh ngắt:

- Mẹ ơi hôm nay trời mưa rét lạnh như thế này sao mẹ lại cho cháu ăn cháo nguội thế. Mẹ không nấu cháo mới cho cháu ăn à.

- Đâu cháo mẹ vừa nấu xong trong nồi múc ra đấy chứ, nóng hổi chứ nguội đâu mà nguội.

Vừa nói mẹ chồng vừa đưa tay sờ bát cháo thì chính bà cũng bị giật mình bởi bát cháo nguội lạnh. Bà lẩm bẩm:

- Ơ mẹ vừa nấu cháo xong là mẹ múc lên luôn cho cu tí ăn mà sao nó lại lạnh nhanh thế nhở. Thôi để mẹ đi nấu lại bát khác.

Ảnh minh họa

Lúc này tôi cũng xua tay:

- Thôi con hết việc rồi, mẹ ngồi chơi với cháu đi để con đi nấu lại bát khác cho cháu ạ.

Tôi bưng bát cháo lại bàn bếp thì sững sờ khi nồi cháo nóng hổi mà bà vừa nói vẫn còn đang ở trên bếp còn bát cháo lạnh ngắt này là ở trong tủ lạnh. Thì ra mẹ chồng tôi cũng nấu cháo mới cho cháu thật nên không thể nào lại lấy cháo cũ trong tủ lạnh cho cháu ăn được. Cầm thìa khuấy bát cháo tôi vô cùng sốc khi dưới đáy bát là 1 khúc cá còn nguyên xương chưa được gỡ. Tôi không hiểu mẹ chồng mình nấu cháo cá cho cháu kiểu gì nữa? rồi cháo nóng hổi thì bà không cho cháu ăn lại lấy bát cháo cũ trong tủ lạnh? Khi bị tôi phát hiện thì bà vẫn như không hề biết chuyện gì? Tôi cảm thấy có điều gì đó khó hiểu.

Tôi đem hết những chuyện này kể cho chồng, đến anh cũng thấy làm lạ những hành động của bà.

- Thực ra anh là người hiểu mẹ lắm, mẹ cũng yêu cháu thương cháu và thương con nhiều. Quan điểm của mẹ cũng là đồng lòng với con cái trong việc chăm sóc cháu lắm chứ không có tư tưởng chống đối hay độc đoán, gia trưởng đâu. Vì thế anh đoán chắc có điều gì đó không ổn ở đây.

Qua tham khảo tư vấn của một người bạn làm bác sĩ, vợ chồng tôi quyết định đưa mẹ chồng tôi đi khám thì phát hiện bà không may mắc phải chứng Alzheimer là một trong những căn nguyên phổ biến gây chứng giảm trí nhớ ở người già. Đó cũng là lý do vì sao bà thường hay quên nhiều việc khi chăm sóc cháu.

Mẹ chồng tôi nói thực ra bà đã biết bản thân mắc phải căn bệnh này nhưng không muốn con cái phải quan tâm, bên cạnh đó bà vẫn muốn chăm sóc cho cháu nội của mình nên luôn cố gắng nhất có thể. Một khi các con đã biết được chuyện này thì chuyện bà vẫn tiếp tục ở đây chăm sóc cháu e là rất khó.

- Mẹ cũng chỉ có 1 thằng con trai, giờ đây cũng chỉ mới có một cháu nội. Mẹ muốn ở đây cùng các con, gần cháu của mình chứ cũng không muốn về quê sống an hưởng làm gì nữa.

Nghe những lời mẹ nói mà tôi nghẹn ngào không hiểu được tấm chân tình sâu xa của bà dành cho cháu của mình. Chính bởi thế về sau chúng tôi quyết định thuê theme một người giúp việc khác trong gia đình nhưng vẫn để bà ở trong nhà để bà được gần gũi cháu nội.

Tâm sự từ độc giả annhien...

Trên thực tế ông bà lớn tuổi thường có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc trẻ em nên có rất nhiều những phương pháp chăm trẻ tốt. Họ về già có thể chia sẻ áp lực nuôi con cho người trẻ giúp gia đình hòa thuận hơn. Tuy nhiên về nhược điểm, người già có xu hướng chiều chuộng con cái quá mức, hình thành một kiểu hành vi “làm hư”, điều này sẽ gây bất lợi cho sự trưởng thành của trẻ.

Những đứa trẻ do người già nuôi dưỡng có thể có suy nghĩ hơi khác so với những đứa trẻ khác, già dặn hơn và kém thẩm mỹ hơn, điều này thường được gọi là "cổ hủ".

Bên cạnh đó việc người già chăm sóc trẻ nhỏ cũng sẽ có những điều không thể tốt cho sức khỏe bé bằng người trẻ, bằng cha bằng mẹ.

Vì vậy không còn cách nào khác là hãy dung hòa những quan điểm nuôi dạy trẻ của các thế hệ để có thể đem đến những điều tốt nhất con cái bởi ai cũng vì mục đích chung là yêu thương con trẻ.

THEO PHAN NGUYỄN (GHI)