Tỷ phú giàu nhất Trung Quốc: Hai lần thi trượt đại học, từng làm báo và đổi đời nhờ bán nước

Chỉ bán nước đóng chai đơn thuần, nhưng với khẩu hiệu "Nước có vị thanh ngọt", Zhong Shanshan kiếm về khối tài sản 68,9 tỷ USD, trở thành người giàu nhất Trung Quốc.

zhong-shanshan-chinas-richest-man-branding-in-asia-1617868910.jpg

Zhong Shanshan.

Hành trình trở thành tỷ phú tự thân của Zhong Shanshan là nguồn cảm hứng đối với nhiều người. Trải qua nhiều ngành nghề khác nhau, Zhong chỉ thành công sau nhiều thập kỷ làm việc nỗ lực và kiên trì.

Với tài sản ước tính 66,8 tỷ USD, theo chỉ số xếp hạng của Bloomberg, người đàn ông 66 tuổi này là chủ tịch công ty nước đóng chai Nongfu Spring, chủ sở hữu công ty dược sinh học Wantai, và hiện là người giàu nhất Trung Quốc.

Theo danh sách tỷ phú toàn cầu mới nhất của Forbes, Zhong Shanshan xếp thứ 13 với 68,9 tỷ USD, thăng từ hạng 66 chỉ trong vòng một năm.

Khi nhìn vào bảng xếp hạng các tỷ phú, người ta thấy công nghệ là lĩnh vực chủ đạo, nhưng Zhong đã chứng minh sự khác biệt bằng nước đóng chai, thứ mà không mấy người tin rằng có thể giúp ai đó trở thành người giàu có nhất hành tinh.

Tỷ phú chân chất

Zhong trở nên nổi bật trong số nhiều tỷ phú đại lục khác khi kiếm tiền từ việc kinh doanh sản phẩm đại chúng thay vì “lên đời” nhờ vào kỷ nguyên công nghệ bùng nổ.

Ông là một người ham học hỏi, trải qua nhiều năm bươn chải trong các ngành nghề truyền thống, bao gồm bán hàng và thậm chí cả nông nghiệp.

Trong giai đoạn 1966-1976, Zhong bỏ học cấp 2 để phụ giúp gia đình, làm thợ nề và thợ mộc trong suốt 10 năm. Zhong hai lần trượt kỳ thi tuyển sinh đại học, nhưng sau đó thi đỗ vào Đại học Phát thanh và Truyền hình Chiết Giang.

Sau khi tốt nghiệp, ông làm phóng viên cho tờ Zhejiang Daily. Năm 1988, Hải Nam trở thành đặc khu kinh tế, Zhong quyết định nghỉ việc và chuyển đến đây tìm cơ hội. Tại vùng đất mới, ông thành lập tờ Bưu điện Thái Bình Dương nhưng thất bại và chuyển sang kinh doanh nấm.

Khí hậu Hải Nam không thuận lợi cho việc trồng nấm và chẳng mấy chốc Zhong cũng nếm mùi thua cuộc. Ông thành công hơn với việc bán rèm cửa, kiếm được hàng nghìn USD, nhưng sau đó mất tất cả khi bắt đầu kinh doanh nuôi tôm.

Cuộc đời Zhong chỉ rẽ sang trang mới khi gặp người đồng hương Zong Qinghou ở Hàng Châu, người là giám đốc điều hành của Wahaha, công ty bán nước đóng chai, nước trái cây và các sản phẩm sức khỏe.

Với việc Hải Nam là đặc khu kinh tế, Zhong có thể mua các sản phẩm của Wahaha với giá thấp hơn. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng, khi Zhong bắt đầu chuyển hàng đến Quảng Đông và bỏ túi số tiền chênh lệch, mối quan hệ của cả hai được cho là đã trở nên tồi tệ.

Nhìn thấy tiềm năng của thị trường thực phẩm tốt cho sức khỏe, vào năm 1993, Zhong thành lập Hainan Yang Sheng Tang, cung cấp cho thị trường nhiều loại thực phẩm bổ sung.

Mặc dù nhận được phản ứng tích cực trên thị trường, nhưng sự cạnh tranh gay gắt trong ngành đã khiến Zhong phải suy nghĩ về đường hướng phát triển. Ông kết luận rằng mọi mặt hàng đều có vấn đề, nhưng nước là thứ mà ai cũng cần phải uống, và vào năm 1996, ông bắt đầu công ty nước đóng chai Nongfu Spring.

Trong hai thập kỷ qua, Zhong tung ra thị trường các sản phẩm như thịt bò khô, trà đóng chai, nước trái cây và nhiều loại đồ uống khác nhau. Và nước đã giúp ông trở thành người giàu nhất Trung Quốc sau đợt IPO thành công vang dội của Nongfu Spring vào tháng 9/2020.

“Nước có vị ngọt”

5fed641c9ff41f001883f7fd-1617868943.jpg

Nước đóng chai của Nongfu Spring

Nongfu Spring ban đầu kinh doanh nước đóng chai từ một hồ chứa cho các nhà cung cấp địa phương. Theo Fortune, hoạt động kinh doanh của Zhong dựa trên thực tế là nước máy của Trung Quốc không thể uống trực tiếp. Năm 2016, Bộ Tài nguyên nước của Trung Quốc  cho biết hơn 80% nước ngầm của nước này không an toàn cho tiêu dùng.

Đồng thời, thị trường nước đóng chai của Trung Quốc đã tăng vọt cùng với sự bùng nổ kinh tế của đất nước. Hiệp hội Nước đóng chai Quốc tế ước tính rằng năm 2013 Trung Quốc tiêu thụ 39,5 tỷ lít nước đóng chai, so với 2,8 tỷ lít năm 1997.

Thành công của Zhong cũng nhờ vào khả năng thuyết phục người tiêu dùng rằng nước của Nongfu có chất lượng cao hơn các đối thủ cạnh tranh. Ông tuyên bố Nongfu chỉ bán nước tự nhiên và khẩu hiệu "Nongfu có vị thanh ngọt", đã trở nên nổi tiếng trong các hộ gia đình trên khắp Trung Quốc.

"Người tiêu dùng Trung Quốc tin rằng nước có vị hơi ngọt là nước tốt hơn", truyền thông Trung Quốc viết vào năm 2016. Chỉ hai năm sau, Nongfu là nhà bán nước đóng chai hàng đầu của Trung Quốc, kiểm soát 26% thị phần nước đóng chai của cả nước.

Trong bối cảnh dịch bệnh và căng thẳng thương mại, các mặt hàng đơn giản như nước đóng chai lại không bị ảnh hưởng quá nhiều, giống như Zhong tâm niệm: Ai cũng cần phải uống nước.

Thành công của Nongfu xuất phát từ việc các nhà đầu tư coi đây là một cuộc đặt cược an toàn trong bối cảnh kinh tế hỗn loạn.

“Doanh nghiệp này không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ cú sốc kinh tế toàn cầu nào cũng như trong căng thẳng Mỹ-Trung”, Vincent Wen, giám đốc đầu tư tại KCG Securities Asia, nói với Wall Street Journal.

Mặc dù các quốc gia như Ấn Độ đã cố gắng bắt chước mô hình kinh doanh nước đóng chai của Shanshan, nhưng không ai đủ bứt phá để trở thành tỷ phú. Bởi vậy, Zhong Shanshan được coi là doanh nhân tài ba, người đã tận dụng lợi thế của việc tạo sự khác biệt ở cả thị trường địa phương và toàn cầu.

“Sói cô độc”

0c6895a4-f299-11ea-8eed-6f4ddc778e5e-1617868965.jpg

Zhong Shanshan là tỷ phú kín tiếng

Trước khi trở thành tâm điểm chú ý trên truyền thông sau khi tước mất danh hiệu người giàu nhất Trung Quốc của người sáng lập Alibaba Jack Ma, Zhong Shanshan là cái tên kín tiếng.

Giá trị tài sản của Zhong vào tháng 1/2020 mới chỉ khoảng 7 tỷ USD, một con số khá khiêm tốn trong câu lạc bộ tỷ phú có hàng trăm thành viên tại quốc gia châu Á.

Chỉ khi giá trị tài sản ròng của Zhong đạt đỉnh 95 tỷ USD, vượt qua cả doanh nhân Ấn Độ Mukesh Ambani đang nắm giữ ngôi vị người giàu nhất châu Á, ông mới trở thành gương mặt được các tờ báo săn đón.

Nhưng khác với Ambani, người nổi tiếng với lối sống xa hoa, sống trong ngôi nhà chọc trời giá 1 tỷ USD, Zhong lại là người có biệt danh là “sói cô độc”, vì ông hiếm khi xuất hiện trước công chúng hay phát biểu trước truyền thông. Người ta cũng không biết gì nhiều về đời tư của ông.

Không như những tỷ phú khác, Zhong không vung tiền nhiều vào bất động sản. “Tôi là một người đơn độc, và tôi không quan tâm các đồng nghiệp của mình đang làm gì hay nghĩ gì”, Zhong chia sẻ.

Cựu nhà báo này sống ở Hàng Châu, một thành phố có khoảng 10 triệu dân ở miền Đông Trung Quốc, nơi được biết đến như một trung tâm giao thương cũng như có cảnh quan tuyệt đẹp. Tính đến năm 2016, thành phố này là quê hương của ít nhất 32 tỷ phú - bao gồm cả Jack Ma - theo CNN Business.

Zhong sống trong một căn hộ ở quận Tây Hồ của Hàng Châu, nơi giáp với Hồ Tây nổi tiếng của thành phố, theo báo cáo của Nongfu Spring. Trụ sở chính của Nongfu Spring cách đó khoảng 7 phút lái xe và trụ sở Tập đoàn Ant của Jack Ma cũng ở gần đó.

Trái ngược với hình ảnh một doanh nhân là phải giao thiệp rộng, cởi mở trong giới làm ăn, Zhong chọn cho mình lối sống không ràng buộc.

"Tôi không thích kết bạn với các doanh nhân", Zhong nói với China Daily vào năm 2016. "Trong thế giới kinh doanh, tôi muốn đơn thuần chỉ là kinh doanh".

Trương Mạnh Kiên - Người Đưa Tin Pháp Luật