Trung tâm nghiên cứu nhà nước Gamaleya và Quỹ đầu tư phát triển trực tiếp Nga (RDIF) ngày 24/11 cho biết trong một tuyên bố rằng vắc xin Covid-19 mang tên Sputnik V do họ phối hợp phát triển đã đạt hiệu quả 95%, theo kết quả phân tích tạm thời lần thứ hai đối với các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng.
Tuyên bố cho hay, vắc xin 2 liều sẽ được đưa ra các thị trường quốc tế với giá dưới 10 USD/liều và sẽ được miễn phí cho các công dân Nga.
Vắc xin Sputnik V có thể được bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8 độ C, thay vì nhiệt độ dưới 0 như một số loại vắc xin khác.
Theo các hãng phát triển, các tính toán về sự hiệu quả của vắc xin Sputnik V được dựa trên những dữ liệu sơ bộ thu được 42 ngày sau mũi tiêm đầu tiên. Vắc xin đã cho kết quả 91,4% ở 28 ngày sau mũi tiêm đầu tiên, một con số dựa trên 39 trường hợp thử nghiệm.
42 ngày sau đó, sau mũi tiêm thứ 2, dữ liệu cho thấy “mức độ hiệu quả của vắc xin là trên 95%”. Tuy nhiên, tuyên bố không đề cập tới số lượng ca Covid-19 được dùng để đưa ra tính toán cuối cùng.
“Việc phân tích lần 2 đã được thực hiện một tuần sau khi các tình nguyện viên nhận mũi tiêm thứ 2, đồng nghĩa với việc cơ thể họ đã phản ứng một phần với cả 2 mũi tiêm”, giám đốc Gamaleya Alexander Gintsburg cho hay.
Ông Gintsburg cho biết thêm rằng, trung tâm kỳ vọng tỷ lệ hiệu quả thậm chí sẽ cao hơn 3 tuần sau mũi tiêm thứ 2.
Tuyên bố cho hay, 22.000 tình nguyện viên đã được tiêm mũi đầu tiên và hơn 19.000 người được tiêm mũi thứ 2.
Trên thế giới, các cuộc thử nghiệm vắc xin cũng đang diễn ra tại Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Venezuela, Belarus và các quốc gia khác.
Nga hồi tháng 8 đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký vắc xin dù các cuộc thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn vốn vẫn đang diễn ra.
Hồi tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo Nga đã đăng ký vắc xin Covid-19 thứ 2 mang tên EpiVacCorona, trong bối cảnh cuộc đua toàn cầu đang nóng lên nhằm cho ra đời một vắc xin hiệu quả để chiến đấu với đại dịch mà cho tới nay đã khiến gần 1,4 triệu người thiệt mạng.
Hồi tuần trước, ông Putin cho biết Nga đã ký thỏa thuận chế tạo vắc xin với Trung Quốc và Ấn Độ, và khuyến khích Brazil và Nam Phi cũng sản xuất các vắc xin do Nga nghiên cứu.
Các tập đoàn dược Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức hồi tuần trước cũng thông báo vắc xin thử nghiệm của họ hiệu quả 95%, trong khi vắc xin của Moderna (Mỹ) hiệu quả 94,5%.
Ủy ban châu Âu đã đạt được một thỏa thuận với Moderna để cung cấp vắc xin đầu tiên.
Hồi tháng 8, Ủy ban - vốn thay mặt các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đồng dẫn đầu các cuộc đàm phán với các hãng chế tạo vắc xin - cho biết các cuộc đàm phán sơ bộ với Modera đã được tiến hành với mục đích ký hợp đồng cung cấp 80 triệu liều vắc xin, và có thể mua thêm 80 triệu liều khác.