Vắc xin giúp giảm 40% nguy cơ nhập viện vì cúm cho mẹ bầu

Nghiên cứu trên 2 triệu ca mang thai ở 4 nước Mỹ, Canada, Úc, Israel đã chỉ ra tiêm vắc xin cúm giúp giảm nguy cơ nhập viện lên đến 40% cho mẹ bầu so với người chưa được tiêm phòng.

Mẹ bầu dễ trở nặng khi mắc cúm

Cúm là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra, lưu hành ở mọi nơi trên thế giới. Ở Việt Nam, nghiên cứu dịch tễ học cho thấy dịch cúm xuất hiện quanh năm, thường đạt đỉnh vào tháng 7 và 11 hàng năm. Bệnh có thể tự khỏi sau 4-7 ngày nhưng có thể trở nặng ở các nhóm đối tượng như người cao tuổi, người có bệnh lý nền, trẻ em, mẹ bầu. Đặc biệt, khi mắc cúm ở các tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu có thể gặp các biến chứng nghiêm trọng và ảnh hưởng gây dị tật cho thai nhi.

Giải thích nguy cơ nhập viện do cúm trở nặng ở mẹ bầu, BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, khi mang thai, nội tiết tố của thai phụ thường thay đổi, hệ miễn dịch suy giảm nên dễ bị các loại virus, vi khuẩn tấn công, trong đó có virus cúm.

Phụ nữ có kế hoạch mang thai tiêm chủng tại Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC. Ảnh: Huỳnh Lãm

Các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp ở Việt Nam là cúm A/H3N2, A/H1N1, cúm B/Yamagata và B/Victoria. Các mẹ bầu có thể mắc cúm khi tiếp xúc với không khí xung quanh người bệnh lúc ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Virus cũng có thể lây lan thông qua tay khi mẹ bầu sử dụng chung đồ dùng với người bị nhiễm bệnh, sau đó chạm tay vào mũi, miệng hoặc mắt của mình. Các biểu hiện khi mắc cúm có thể kể đến gồm sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng…

Mẹ bầu mắc cúm có thể có thời gian khỏi bệnh lâu hơn, biến chứng nghiêm trọng hơn, điều trị khó khăn hơn. Các biến chứng do cúm gây ra ở mẹ bầu có thể kể đến như viêm phổi, viêm tai giữa, nhiễm trùng huyết, sảy thai… Người mẹ mắc cúm, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ có nguy cơ dẫn đến dị tật bẩm sinh cho thai nhi, thai lưu hoặc sinh non.

Theo Tổng cục Thống kê về điều tra quốc gia người khuyết tật, năm 2016, Việt Nam có 1,2 triệu trẻ em khuyết tật. Trong đó, 55%-65% trẻ bị khuyết tật bẩm sinh. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây dị tật bẩm sinh ở trẻ khi mẹ mang thai như gen của bố mẹ, mẹ phơi nhiễm môi trường độc hại, các bệnh truyền nhiễm mẹ bầu mắc phải…

Dịch cúm xuất hiện quanh năm và thậm chí gia tăng vào mùa thu đông, do đó việc bảo vệ sức khỏe của mẹ bầu trước cúm càng cần được chú ý.

Vắc xin bảo vệ khỏi cúm và biến chứng nghiêm trọng

Theo khuyến cáo của Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, tiêm vắc xin cúm là giải pháp quan trọng nhất để bảo vệ khỏi cúm và các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.

Một nghiên cứu do CDC chủ trì tiến hành nghiên cứu trên 2 triệu ca mang thai (18 đến 50 tuổi) giai đoạn từ năm 2010 đến 2016 trên 5 khu vực ở 4 quốc gia gồm Mỹ, Canada, Úc, Israel qua 25 mùa cúm công bố vào năm 2018, cho thấy 84% ca mang thai trùng với mùa cúm. Việc tiêm phòng cúm giúp giảm trung bình 40% nguy cơ nhập viện vì cúm ở thai phụ. Trước đó, một nghiên cứu từ 2013 tại 2 bang ở Mỹ cũng cho thấy trong mùa cúm 2010-2011 và 2011-2012, việc tiêm phòng cúm đã làm giảm khoảng 50% nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do cúm ở người mang thai.

Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra phụ nữ mang thai tiêm vắc xin cúm giúp bảo vệ trẻ khỏi bệnh cúm trong vài tháng đầu sau khi sinh, đặc biệt là trong thời gian trẻ chưa đủ tháng tuổi để tiêm vắc xin.

Mẹ bầu nên chủ động khám sức khỏe và tiêm vaccine phòng bệnh. Ảnh: Huỳnh Lãm

Phần lớn người trưởng thành có đáp ứng kháng thể trong 2 tuần sau tiêm. “Nếu đã mang thai mà chưa kịp tiêm phòng cúm, các mẹ vẫn có thể tiêm ngừa trong thai kỳ của mình. Các loại vắc xin phòng cúm đang sử dụng ở Việt Nam đều được chứng minh an toàn cho cả mẹ và thai nhi”, BS Bạch Thị Chính cho biết.

Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe trong suốt thai kỳ, mẹ bầu cần lưu ý bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên, tránh tâm lý căng thẳng và tăng cường giấc ngủ.

Hiện nay, Hệ thống tiêm chủng VNVC đang có đầy đủ các vắc xin cúm Tứ giá (phòng 4 chủng virus cúm A/H1N1, A/H3N2, B/Victoria, B/Yamagata). Trong đó, vắc xin tiểu đơn vị chỉ chứa kháng nguyên bề mặt virus với tính sinh miễn dịch tốt và ít gây phản ứng phụ sau tiêm như sốt, đau tại nơi tiêm…, an toàn cho thai phụ, trẻ em và người có bệnh lý nền. Tất cả vắc xin đều được bảo quản an toàn, chất lượng cao trong hệ thống kho lạnh đạt chuẩn quốc tế GSP và hệ thống dây chuyền lạnh (cold chain) khép kín.