Trước thông tin các kỳ thi chứng chỉ IELTS và nhiều chứng chỉ ngoại ngữ bị hoãn tổ chức thi tại Việt Nam, ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh, bộ GD&ĐT đã có thông tin chính thức về vấn đề này, báo điện tử VTV thông tin.
Cụ thể, bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cơ sở liên kết tổ chức thi khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để thẩm định, phê duyệt, đồng thời bộ cũng tập trung để rút ngắn tối đa thời gian xử lý các hồ sơ này (trong vòng 20 ngày). Tuy nhiên, do hồ sơ của nhiều cơ sở chưa đầy đủ nên tiến trình xử lý kéo dài khiến một số đơn vị, tổ chức chưa thể tổ chức thi.
Để giải quyết vấn đề trên, bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở khẩn trương hoàn thành hồ sơ theo quy định. Sau khi tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, bộ GD&ĐT sẽ ưu tiên tập trung xử lý, nhanh chóng phê duyệt cho các cơ sở tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ (đặc biệt là chứng chỉ IELTS, TOEFL) trong một vài ngày tới.
Sáng ngày 13/11, trao đổi với báo Tuổi Trẻ, Tiến sĩ Hồ Quang Huy - cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (bộ Tư pháp) - cho biết sau khi nắm được thông tin sự việc, đơn vị đã thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT ngày 26/7/2022 và công văn số 5871/BGDĐT-QLCL ngày 8/11/2022 của bộ GD&ĐT gửi các sở giáo dục và đào tạo về việc tăng cường quản lý liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài.
Ông Hồ Quang Huy thông tin, sau khi kiểm tra, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhận thấy "chưa phát hiện nội dung trái pháp luật" tại thông tư số 11. Bên cạnh đó, công văn số 5871 "không chứa quy phạm pháp luật", mà nội dung nhằm đôn đốc, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ và chức năng quản lý nhà nước của bộ. Tuy nhiên, ông Huy cho rằng việc ban hành thông tư trên của bộ GD&ĐT là "chậm" so với thời điểm được Chính phủ giao tại nghị định 86/2018/NĐ-CP (từ tháng 6/2018).
Theo ông Huy, nếu bộ GD&ĐT làm tốt công tác truyền thông, định hướng chính sách ngay từ khi nghiên cứu, xây dựng dự thảo thông tư và trong quá trình thông tư chưa có hiệu lực thì sẽ không gây bức xúc cho các cá nhân, tổ chức chịu tác động.
Ngoài ra, nếu nội dung thông tư có điều khoản chuyển tiếp quy định thời hạn nhất định để các tổ chức, cá nhân liên kết tổ chức thi phải hoàn tất hồ sơ theo đúng hướng dẫn sẽ hợp lý hơn. Khi đó các tổ chức cũng sẽ chủ động hơn để nghiên cứu và có phương án thực hiện.
Liên quan đến những quy định liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ, ông Huy cho hay, từ tháng 6/2018, Chính phủ đã có quy định về hồ sơ, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt liên kết tổ chức thi. Tuy nhiên, đến ngày 26/7/2022, bộ GD&ĐT mới ban hành thông tư 11 để thực hiện thẩm quyền được Chính phủ giao.
Trong khi đó, các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài cũng không nộp hồ sơ đề nghị bộ trưởng bộ GD&ĐT phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài do chưa có hướng dẫn cụ thể.
Vì vậy, khi thông tư số 11 có hiệu lực và bộ có công văn số 5871 thì các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài buộc phải hoãn thi cấp chứng chỉ và gấp rút lập hồ sơ đề nghị bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Việc thực hiện gấp rút này dẫn đến hồ sơ của không ít tổ chức, cá nhân chưa đầy đủ, chưa đúng quy định, buộc phải hoãn thi cấp chứng chỉ cho đến khi được bộ thẩm định, phê duyệt, đồng thời đã tạo sức ép về tiến độ giải quyết hồ sơ cho chính bộ chủ quản trước yêu cầu khách quan của xã hội.