Xử lý nghiêm các hiện tượng tăng giá bất hợp lý
Trong thời điểm một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19 đã xảy ra hiện tượng tăng giá một số mặt hàng chủ yếu do nguồn cung bị gián đoạn và nhu cầu mua sắm tích trữ nhu yếu phẩm của người dân tăng cao nên tại một số thời điểm chưa kịp đáp ứng đủ nhu cầu. Trong bối cảnh đó, cũng đã có hiện tượng một số tổ chức, cá nhân đơn lẻ lợi dụng tình trạng thiếu hàng cục bộ để tăng giá.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, vừa qua các cơ quan chức năng, quản lý thị trường đã tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết và xử lý nghiêm các hiện tượng tăng giá bất hợp lý. Qua đó, kịp thời bảo đảm đời sống người dân trong tình trạng giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19.
Với vai trò cơ quan thường trực Ban chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đã kịp thời tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai công tác quản lý, điều hành giá trên quan điểm đảm bảo hài hòa các mục tiêu chung, nhất là tình hình triển khai các giải pháp bình ổn giá cả thị trường trong thời điểm dịch Covid-19 có những diễn biến ngày càng phức tạp.
Trên cơ sở tham mưu, báo cáo của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ-Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã có văn bản số 3025/VPCP-KTTH ngày 8/5/2021 chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương các biện pháp quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát để hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa giữ bình ổn mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, Bộ Tài chính đã có công văn số 4896/BTC-QLG ngày 14/5/2021 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành theo chức năng tổ chức thực hiện những biện pháp quản lý giá đối với một số mặt hàng cụ thể để kịp thời bình ổn giá thị trường, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội gắn với yêu cầu đặt ra cho công tác phòng chống dịch.
Cùng với việc giãn cách, ngày 17/7/2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo cụ thể tại Chỉ thị số 969/TTg-KGVX yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu cầu thiết yếu cho nhân dân, đặc biệt đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất công ăn việc làm do dịch bệnh; không để thừa thiếu hàng hóa, ách tắc lưu thông.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết giá
Theo ông Nguyễn Xuân Định, Phó phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá, trong những tháng cuối năm 2021, với mức tăng CPI bình quân 6 tháng đầu năm ở mức 1,47%, việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% là trong tầm kiểm soát của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo điều hành giá. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố tác động có thể gia tăng áp lực lên công tác kiểm soát lạm phát.
“Rủi ro lạm phát trên thế giới vẫn tăng cao sẽ có tác động gián tiếp tới nước ta khi giá nhiều loại nguyên, nhiên, vật liệu tiếp tục ở mức cao như xăng dầu, gas, giá thép khiếp giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam tăng, gia tăng tỉ lệ “nhập khẩu lạm phát”. Bên cạnh đó, dịch bệnh diễn biến phức tạp có thể tác động làm giá cả một số mặt hàng biến động cục bộ tại một số thời điểm tại địa phương bị ảnh hưởng”, ông Nguyễn Xuân Định cho hay.
Để thực hiện kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội giao, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động. Đồng thời, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, trong thời gian còn lại của năm 2021, cần tập trung theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp.
Theo đó, các địa phương cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp. Chủ động tháo gỡ khó khăn và có phương án điều tiết nguồn hàng để tăng lượng cung ứng cho các địa phương có dịch bệnh cần cách ly hoặc giãn cách xã hội, bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân.
“Cần ngăn chặn các hoạt động đầu cơ, thao túng giá, các hành động “tát nước theo mưa” để trục lợi”, đại diện Cục Quản lý giá nhấn mạnh.
Cùng với đó, chủ động tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong lưu thông để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường nhất là dịp cuối năm 2021. Tăng cường công tác tổng hợp, phân tích, dự báo thị trường giá cả và thực hiện chế độ báo cáo kịp thời theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả, quản lý kê khai giá, niêm yết giá theo quy định pháp luật.
Các địa phương cũng phải tiếp tục đánh giá, cập nhật kịch bản điều hành giá cho nửa cuối năm để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng-Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, nhất là việc tính toán, điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và phù hợp với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Diệp Diệp - VOV.VN.