2 đứa trẻ gốc Việt được người nước ngoài nhận nuôi làm rạng danh quê hương khi thành công và nổi tiếng

CTV
Từng là trẻ mồ côi nhưng Philipp Roesler và Lana Condor đã may mắn nhận được tình yêu thương, chăm sóc và sự dạy dỗ của bố mẹ nuôi và trở thành những người thành công, làm rạng danh người Việt.

Lana Condor - cô bé mồ côi Cần Thơ được bố mẹ Mỹ nuôi dạy thành diễn viên

Lana Therese Condor (sinh năm 1997) có tên thật là Trần Đông Lan sinh ra tại Cần Thơ. Lana mồ côi từ nhỏ và cô được nhà báo Bob Condor nhận nuôi. Bố nuôi của Lana là một nhà báo rất nổi tiếng, cô may mắn được chăm sóc, nuôi dạy trong một cuộc sống đầy đủ và tràn ngập tình yêu thương của bố mẹ nuôi.


Lana bên bố mẹ nuôi và cậu em trai (cũng là con nuôi từ Việt Nam).

Kể về giây phút nhìn thấy cô bé Lana lần đầu tiên, ông Bob Condor không khỏi xúc động: "Tôi bước đến và bế đứa nhỏ lên. Tôi biết mình đang ngắm nhìn con gái tương lai. Con thật rạng rỡ, mở mắt trong một hoặc hai giây, nhìn tôi trước khi rúc vào vai phải của tôi. Tôi thấy con đang chạm vào áo sơ mi viền hồng của tôi bằng đôi bàn tay nhỏ bé".


Cô gái sở hữu nét đẹp Á Đông, nụ cười rạng rỡ.

Không chỉ được hưởng nền giáo dục tốt và được đào tạo nghệ thuật tại những ngôi trường uy tín bậc nhất nước Mỹ như Joffrey Ballet, Nhà hát Khiêu vũ Mỹ Alvin Ailey, Lana còn may mắn được bố mẹ nuôi tạo điều kiện để cô phát triển tài năng nghệ thuật. Sau một vài buổi diễn hài nho nhỏ trong gia đình, nhận thấy con gái có thiên hướng nghệ thuật, ông bà Condor đã khuyến khích con theo đuổi nghệ thuật, đồng thời tạo mọi điều kiện để cô vươn lên trở thành một diễn viên có thực lực.


Lana may mắn có bố mẹ nuôi giàu có và sẵn sàng đầu tư cho con theo các trường nghệ thuật đắt đỏ.

Lana tâm sự: "Tôi may mắn vì được bố mẹ khuyến khích theo đuổi nghệ thuật từ nhỏ. Thời gian đầu khi đi học múa, có lần tôi chán nản, bố mẹ đều nói: Cố lên, con có thể làm được".

Năm 2013, cô gái gốc Cần Thơ cũng theo học khóa kịch nghệ của một trường kịch California, sau đó theo học tại Đại học Loyola Marymount. Đại học Loyola Marymount (LMU) là ngôi trường lừng danh ở Mỹ và có tầm cỡ trên thế giới. Mỗi năm trường thu hút hàng ngàn lượt sinh viên quốc tế đến học tập và làm việc. U.S. News & World Report từng xếp LMU vào danh sách những trường đào tạo nghệ thuật tốt nhất.


Cô từng tâm sự, mỗi khi muốn dừng lại, bố mẹ nuôi luôn là người tiếp thêm năng lượng cho cô.

Cho đến nay, nữ diễn viên 25 tuổi cũng từng xuất hiện trong nhiều bộ phim nổi tiếng như Dị Nhân: Khải Huyền; Alita: Thiên Thần Chiến Binh, To All the Boys I've Loved Before, Alita: Battle Angel, Moonshot...

Không chỉ hướng cho con theo con đường nghệ thuật, Lana còn luôn được bố mẹ dạy hướng về cội nguồn. Khi còn nhỏ, Lana thường xuyên được bố mẹ cho mặc đồ truyền thống Việt, ăn món ăn Việt, nhờ thế mà cô luôn nhớ về quê hương của mình.


Thừa nhận việc là người châu Á đôi khi khiến cô cũng bị phân biệt, tuy nhiên, Lana đã vươn lên bằng thực lực của mình.

Năm 2019, cô gái gốc Cần Thơ đã trở về thăm Việt Nam. Trên trang Instagram, nữ diễn viên hào hứng khoe: "Hôm nay, tôi dùng bữa sáng trên một chợ Nổi ở đồng bằng sông Mê Kông. Tại đây, tôi được thưởng thức chiếc bánh mì dứa ngon nhất thế giới. Thật là kỳ diệu".


Cô gái vui sướng khi được ăn món bánh mì nổi tiếng Việt Nam trên chợ nổi.

Hiện Lana Condor đã xây dựng chương trình học bổng thông qua The Asia Foundation là hỗ trợ học bổng cho các em nữ sinh hoàn thành bậc học phổ thông trung học tại nơi các em đang theo học. Lana Condor đã hỗ trợ 4 em nữ sinh lớp 10 tại Cần Thơ cho đến khi các em tốt nghiệp lớp 12 vào năm 2022. Học bổng được dùng để chi trả cho những chi phí liên quan đến học tập, như: học phí, sách vở, đồng phục và mua xe đạp (nếu cần).

Lana Condor chia sẻ: "Tôi rất may mắn khi có một cuộc sống như ngày hôm nay. Lúc nào tôi cũng ngạc nhiên và biết ơn và hiểu rằng Cuộc sống của mình là ngay lúc này và không thể khác được".

Lana Condor đã chính thức đính hôn với nam diễn viên Anthony De La Torre đầu năm 2022.

Cậu bé Sóc Trăng được bố mẹ người Đức nhận nuôi trở thành Phó Thủ tướng trẻ nhất của nước Đức

Philipp Roesler sinh ngày 24/2/1973 tại Khánh Hưng, Sóc Trăng. Cậu bé sống trong viện mồ côi công giáo ngay từ khi mới lọt lòng. Khi Philipp 9 tháng tuổi, anh may mắn được cha nuôi là người lính trong quân đội Đức nhận nuôi.

Philipp Roesler khi còn nhỏ

Philipp Roesler kể lại: "Chiến tranh Việt Nam đã ảnh hưởng nhiều đến ông, cũng như đa số những người thuộc thế hệ này. Lúc đó ông chỉ có hai lựa chọn, hoặc xuống đường biểu tình phản đối, hoặc giúp đỡ một cách thiết thực nhất. Ông đã chọn cách thứ hai, nhận một đứa con nuôi Việt Nam - đó là tôi".

Trong cuộc sống hàng ngày, bố mẹ nuôi luôn dạy cậu bé Sóc Trăng 3 quy tắc quý giá, đó là tự do, cởi mở và khoan dung. Quy tắc đó đã theo anh trong suốt cuộc đời và sau này, khi có hai cô con gái, Philipp vẫn tiếp tục dùng bài học của bố mẹ nuôi để truyền lại cho các con.

Philipp Roesler và người vợ xinh đẹp

Philipp từng cho biết, anh ảnh hưởng rất nhiều từ bố nuôi của mình. Từ cách định hướng nghề nghiệp cho tới cách bố luôn giúp anh mạnh mẽ đối diện với sự thật. Khi Philipp được 4-5 tuổi, cha nuôi đã đặt anh trước gương rồi nói: "Hãy nhìn con, rồi nhìn cha, con với cha khác nhau. Nhưng dù cho điều gì xảy ra, hay người ta nói cái gì, thì cha vẫn luôn là cha của con".

Và cũng chính nhờ cách dạy dỗ của người cha mà Philipp lớn lên thông minh, sắc sảo, có biệt tài diễn thuyết, hòa nhã và khéo léo trong ứng xử. Anh liên tục ghi nhiều kỷ lục trên chính trường Đức khi trở thành Bộ trưởng Bộ Y tế trẻ nhất khi mới 36 tuổi, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ trẻ nhất năm 2010. Năm 2011, anh khiến nhiều người Việt tự hào khi trở thành người trẻ tuổi nhất giữ vị trí Phó Thủ tướng. Philipp cũng là người gốc Á đầu tiên giữ cương vị quan trọng như vậy trong bộ máy nước Đức.

Sau khi thôi giữ chức Phó Thủ tướng Đức vào năm 2013, anh trúng cử vào vị trí Giám đốc điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF)

Philipp quyết định trở về thăm quê hương trước khi sinh con, anh nói với vợ và lý do này: "Chúng ta rồi sẽ có con và em muốn có thể kể cho chúng nghe về đất nước nơi anh đã sinh ra'". Rời đất nước khi mới 9 tháng tuổi, ký ức về Việt Nam với Phillip rất mờ nhạt, nhưng qua lần trở về này anh cảm thấy Việt Nam thật thân thương và gần gũi. Sắp tới, anh cho biết sẽ đưa các con trở về Việt Nam nhiều hơn để con tìm hiểu về cuội nguồn: "Chúng tôi có 2 cô con gái sinh đôi và các con thường thắc mắc bản thân không giống bạn bè người Đức. Chúng tôi sẽ quay lại Hà Nội và còn có thể tổ chức một chuyến đi xuyên Việt để giải thích cho các con về cội nguồn, gốc gác dòng máu Việt trong mình".


Hình ảnh hiếm hoi về đại gia đình của cựu Phó Thủ tướng nước Đức.

Theo các chuyên gia, để nuôi dạy con thành tài, có 3 nguyên tắc cha mẹ cần nằm lòng.

Không nổi giận và quát mắng

Nếu phụ huynh có thể cùng con hình thành trước một số quy tắc kiềm chế cảm xúc của bản thân thì sẽ giúp giảm bớt gánh nặng và giúp trẻ làm chủ được chính mình. Điều này giúp EQ của trẻ nhỏ phát triển theo chiều hướng tích cực hơn.

Thực tế, khi cha mẹ la mắng, mất bình tĩnh như vậy, trẻ sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến tính khí sau này hình thành theo hướng xấu đi, dễ nổi cáu và nóng nảy.

Không bao bọc con quá mức

Nếu cha mẹ quá bảo vệ con cái và làm thay mọi việc, lâu dần sẽ nuôi dạy con cái thành những "em bé khổng lồ". Khi đó những đứa trẻ lớn lên không những không đánh giá cao công sức của cha mẹ mà thậm chí còn đổ lỗi vì đã tước đoạt quyền độc lập của mình.

Bên cạnh đó, trẻ sẽ thiếu khả năng tự lập. Khi bước ra ngoài xã hội, những đứa trẻ sẽ phải một mình đối mặt với mọi thứ. Đối với những người đã được trải nghiệm đầy đủ từ nhỏ, có khả năng tự chăm sóc bản thân và khả năng độc lập mạnh mẽ, họ sẽ dễ dàng giải quyết vấn đề và tìm ra hướng đi cho mình. Ngược lại, những người lớn lên được cha mẹ bao bọc sẽ khó thích nghi và bị mất phương hướng.

Không can thiệp quá nhiều vào lựa chọn của con

Không thể phủ nhận, đứng từ góc độ của cha mẹ, bất cứ ai cũng muốn con mình thành đạt và không mắc phải sai lầm. Cha mẹ là những người trưởng thành và trải qua nhiều sự việc trong cuộc đời, do đó có thể lường trước được một số trường hợp.

Nhưng những biện pháp tiêu cực của cha mẹ như cấm đoán, ép buộc sẽ khiến trẻ trở nên dè dặt, run sợ, mất khả năng tư duy độc lập và sống tự lập.