Từ tháng 5/2022, thị trường bất động sản rơi vào trạng thái trầm lắng do nhiều nguyên nhân khách quan như dịch bệnh, chu kỳ tăng trưởng của thị trường, tăng trưởng kinh tế giảm, khó khăn thị trường, hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp... cũng như các vướng mắc về pháp lý trong quá trình triển khai dự án chưa được tháo gỡ một cách triệt để.
Theo báo Người lao động, quý I/2023, nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 25.000 sản phẩm, chủ yếu là hàng tồn kho từ các dự án mở bán trước đó mà thiếu vắng hẳn thông tin mở bán từ những dự án mới. Tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường chỉ đạt khoảng 11%, tương đương hơn 2.700 giao dịch, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2022.
Sức khỏe nhiều doanh nghiệp địa ốc ngày càng suy yếu. Trong đó, 39% doanh nghiệp có doanh thu quý I/2023 sụt giảm tới 20% - 50% và 61% sụt giảm trên 50% so với cùng kỳ năm trước, trên 95% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động.
Nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản trong 5 tháng đầu năm giảm đến 61,3% so với số vốn đầu tư gần 3 tỷ USD vào lĩnh vực này của cùng kỳ năm trước.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, có 554 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 30,4% so với cùng kì năm ngoái. Doanh nghiệp thành lập mới giảm 64,1% so với cùng kì năm ngoái.
Bên cạnh đó, số lượng môi giới bất động sản hoạt động trên thị trường chỉ còn khoảng 30 - 40% so với thời điểm cuối năm 2022 (300.000 môi giới, trong đó 35.000 được cấp chứng chỉ hành nghề) và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo tạp chí Đầu tư tài chính, dữ liệu khảo sát của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) với các hội viên là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản cho thấy, nếu tình hình thị trường vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn, có tới 23% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được tới hết quý III/2023 và chỉ 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm 2023.
Nếu không tìm được lối thoát kịp thời, rất có thể thị trường sẽ phải đối mặt với kịch bản ra đi của hàng loạt các đối tượng, từ doanh nghiệp đầu tư, phát triển bất động sản đến doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản và môi giới. Nhiều người lao động sẽ lâm vào cảnh mất việc làm, hệ lụy đến cuộc sống an sinh xã hội.
Theo VARS, động lực sống buộc các doanh nghiệp phải cố gắng "vùng vẫy, quẫy đạp" và sẵn sàng "bấu víu" vào bất cứ chiếc phao cứu sinh nào. Trong suốt thời gian từ đầu năm 2022 đến nay, chính phủ đã tạo ra nhiều chiếc phao để cứu thị trường và doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chưa thể bám vào các công cụ cứu hộ này và tạo đà, ngoi lên mặt nước.
Thậm chí, có không ít doanh nghiệp chỉ vì cố gắng cầm cự, trong khi khả năng không đủ, đã tự đẩy mình vào bước đường cùng với đủ các khoản “lãi mẹ đẻ lãi con” để rồi nhận trái đắng với đống nợ khổng lồ mà tiền lãi còn gấp nhiều lần nợ gốc.
Nhận định về diễn biến thị trường bất động sản trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành chia sẻ trên báo Giao thông, thị trường địa ốc tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi tình hình chung kinh tế như lãi suất, lạm phát.
Ông Thành cho rằng, thực tế, bất động sản tăng trưởng kém hơn so với cùng kỳ, nhưng suy thoái không quá nặng nề và nếu có thì cũng ở mức độ nhẹ. Ngoài ra, việc giải quyết vấn đề liên quan đến tài chính tiền tệ, thanh khoản, tỷ giá lãi suất, thị trường trái phiếu và bất động sản cũng ảnh hưởng mạnh đến thị trường.
Do đó, ông Thành cho rằng, các giải pháp từ pháp lý đến hỗ trợ tài chính chung hay từng gói hỗ trợ riêng lẻ cũng như quyết tâm tái cấu trúc thị trường bất động sản kỳ vọng sẽ dần hiện thực hóa và đi vào cuộc sống. Kéo theo đầu tư công, cơ chế đặc thù cho từng địa phương phát huy tốt thì nửa cuối năm, thị trường bất động sản sẽ “bớt khó” hơn.
Về lãi suất cho vay với bất động sản, ông Thành cũng nhận định, lãi suất ngân hàng đang giảm, nhưng 2023 không thể có lãi suất thấp.
Vân Anh (T/h)