Hành lang pháp lý đầy đủ, sao phải xin cơ chế?
Chiều 10/6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 3, Quốc hội thảo luận về Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).
Thảo luận về 3 dự án này, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng: Trong triển khai dự án cần có trình tự ưu tiên rõ ràng, cần ưu tiên giải quyết dứt điểm những dự án còn đang dở dang, chưa hoàn thiện như đường Hồ Chí Minh và ưu tiên cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi còn quá ít đường cao tốc.
Đồng thời, cần chú trọng hệ thống đấu nối giữa các bên với những đường cao tốc đang mở. Tránh tình trạng đầu nhiệm kỳ nguồn ngân sách còn dư, vì áp lực giải ngân nên lại tiếp tục đầu tư thêm dự án thì sau này cân đối vốn rất khó.
Về nguồn vốn địa phương đầu tư cho dự án, đại biểu lo ngại có những địa phương điều kiện còn khó khăn, không đảm bảo được nguồn kinh phí, nên cần có tính toán, phân tích kỹ để chia sẻ những khó khăn với các địa phương.
Về cơ chế đầu tư, ông cũng bày tỏ băn khoăn tại sao Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo đối tác công tư, Luật Đấu thầu… đã có nhưng vào các dự án giao thông này lại phải xin cơ chế. "Không biết tại sao lại như vậy", đại biểu Tạ Văn Hạ đặt câu hỏi.
Về chỉ định thầu, ông Hạ lưu ý, vấn đề này cũng đã tạo ra những kẽ hở, tạo cơ chế xin - cho, thiếu tính minh bạch, công khai. Đại biểu đoàn Quảng Nam đặt vấn đề, hành lang pháp lý đầy đủ, tại sao phải xin cơ chế?
“Nếu chúng ta làm không cẩn thận thì sẽ có hệ lụy mất cán bộ sau này, đơn vị được, đơn vị không được, người được quyết, người không được quyết, thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng công trình sau này”, đại biểu Hạ nói.
Ông dẫn lại hậu quả của cơ chế chỉ định thầu vừa qua trong lĩnh vực y tế do dịch bệnh mà cho cơ chế chỉ định thầu, đã để lại một hệ lụy rất lớn. Do vậy, đại biểu đề nghị trong quá trình triển khai các dự án này phải thực hiện thật kỹ, thật tốt để tránh phải xử lý hậu quả, đặc biệt đau đớn nhất là làm mất đội ngũ cán bộ do cơ chế.
Giám sát chặt chẽ việc chỉ định thầu
Đồng tình với chủ trương đầu tư 3 dự án cao tốc, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Long An) đề nghị các cơ quan quan tâm bố trí đủ nguồn vốn để triển khai thực hiện và cho các địa phương có thể phát hành trái phiếu để đảm bảo việc bố trí đủ vốn và kịp thời.
Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, nhất quán cho các địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đảm bảo đúng theo tiến độ và xác định đây là nội dung khó, thể hiện sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Vị đại biểu đoàn Long An đề nghị có cơ chế chỉ định thầu đối với một số gói thầu như tư vấn, di dời, hạ tầng kỹ thuật, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Trong đó, việc chỉ định thầu phải có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ và tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật.
Đại biểu Hải cũng đề nghị phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong việc quản lý, khai thác, sử dụng quỹ đất dọc theo tuyến đường đi qua cho việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và cho thẩm quyền để chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp, nhằm giúp cho các địa phương chủ động trong việc triển khai dự án và thu hút đầu tư.
Không để tăng tổng mức đầu tư của dự án
Về phân kỳ đầu tư, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) cho biết đối với tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột nên nghiên cứu phương án đầu tư hoàn thành quy mô 4 làn xe theo quy hoạch hoặc đoạn có lưu lượng xe rất thấp thì trong giai đoạn 1 đầu tư hai làn xe như một số tuyến cao tốc đã làm.
Đối với tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đại biểu đề nghị đầu tư hoàn chỉnh các nút giao, cắt theo hình thức khác mức để đảm bảo an toàn giao thông.
Đại biểu nhất trí tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đầu tư công. Thực hiện phương án giải phóng mặt bằng và tái định cư, thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch và tách giải phóng mặt bằng tái định cư thành tiểu dự án. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu việc giải phóng mặt bằng tuyến đường song hành hai bên giao địa phương quản lý.
Về cách thức tổ chức quản lý, vận hành, khai thác dự án, đại biểu cho biết đây là vấn đề phức tạp liên quan nhiều đến chất lượng công trình xây dựng và các dịch vụ. Do vậy, đề nghị cần thiết nghiên cứu cơ chế phối hợp trong quá trình đầu tư xây dựng để tránh có ý kiến kiến nghị.
Cùng quan điểm, đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang) đề nghị cần có cơ chế đặc thù để đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng.
Hiện nay giá nhiên liệu trong nước đều tăng đột biến do ảnh hưởng của các diễn biến phức tạp trên thế giới, tổng mức đầu tư các dự án thành phần chắc chắn sẽ có sự thay đổi quyết định đầu tư.
Vì vậy, đại biểu Sinh đề nghị cần phải có cơ chế, chính sách để rút ngắn thời gian hoàn tất thủ tục liên quan nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc tăng tổng mức đầu tư của dự án.
Theo Người Đưa Tin Pháp Luật