3 người Việt Nam đã tiêm thử nghiệm những mũi vaccine COVID-19 đầu tiên

Sáng 17/12, tại viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự - học viện Quân y, 3 tình nguyện viên đã được tiêm thử nghiệm những mũi vaccine COVID-19 "make in Việt Nam" đầu tiên.

3 người đầu tiên được tiêm vaccine COVID-19

TS Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế, Chánh Văn phòng Chương trình Quốc gia nghiên cứu phát triển vaccine cho biết: Qua 3 kênh đăng ký tình nguyện thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19, hiện có khoảng hơn 200 người đã đăng ký, sẽ được trải qua một quá trình sàng lọc.

3 tình nguyện viên đầu tiên được tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 của Việt Nam là 3 người ngẫu nhiên được chọn sau quá trình sàng lọc theo đúng quy trình, thuộc độ tuổi từ 18 - 50, sau khi được khám, thực hiện các xét nghiệm đầy đủ đã được chọn.

"Sau khi tiêm, các tình nguyện viên sẽ được nghỉ ngơi tại phòng theo dõi trong vòng 72 giờ. Sau đó, họ về địa phương, nhóm nghiên cứu sẽ kết nối với y tế xã phường tại nơi cư trú để tiếp tục theo dõi trong các ngày tiếp theo"- ông Quang nói.

TS Nguyễn Ngô Quang trả lời báo chí. Ảnh: Hải Nguyễn

Trong giai đoạn thử nghiệm lần này, Học viện Quân y chỉ chọn khoảng 60 người độ tuổi 18 - 50 để tiêm thử nghiệm vaccine Nanocovax.

60 tình nguyện viên trên sẽ được phân ngẫu nhiên vào 3 nhóm. Nhóm 1A với 20 người dùng mức liều 25 mcg sẽ được thu tuyển đầu tiên. Nhóm 1B gồm 20 người dùng mức liều 50 mcg. Nhóm 1C gồm 20 người dùng mức liều 75 mcg. Tất cả những người tham gia nghiên cứu giai đoạn 1 sẽ được tiêm bắp 2 mũi vaccine, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 28 ngày.

Để đảm bảo tính an toàn cho người tham gia nghiên cứu, giai đoạn thu tuyển 60 người tham gia đánh giá an toàn theo thiết kế dò liều tăng dần. Quy trình thu tuyển người tham gia vào giai đoạn 1 sẽ được bắt đầu với 3 người thuộc nhóm liều 25 mcg.

Trên cơ sở kết quả theo dõi đánh giá 72 giờ sau tiêm vaccine trên 3 người đầu tiên mới quyết định mức liều và số người tham gia tiếp theo. Thời gian nghiên cứu cho mỗi người tham gia là khoảng 56 ngày để đánh giá mục tiêu nghiên cứu và theo dõi đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên.

Chuẩn bị trong trạng thái của một đội quân chiến đấu

Theo GS Đỗ Quyết- Giám đốc Học viện Quân y, để chuẩn bị cho công tác thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 giai đoạn 1, Học viện đã tối ưu về cơ sở vật chất, phòng ốc, giường, điện nước, kể cả những tiểu tiết như điều hòa không khí để đảm bảo nhiệt độ ấm, tránh cảm giác đau khi tiêm vaccine cho tình nguyện viên...

GS Đỗ Quyết- Giám đốc Học viện Quân y. Ảnh: Hải Nguyễn

"Hiện nay cả hệ thống đã sẵn sàng. Tất cả quy trình chuẩn, được tuân thủ nghiêm ngặt, Hội đồng Đạo đức của Bộ Y tế sau khi xem xét, cân nhắc đầy đủ các tiêu chí của thử nghiệm lâm sàng cũng đã phê duyệt"- GS Đỗ Quyết nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo GS, các phòng cũng đã chuẩn bị đầy đủ theo các bước, khám sàng lọc..., với 2 bệnh viện thực hành là bệnh viện 103, Viện Bỏng Quốc gia đều đã sẵn sàng "ứng chiến", đối phó với mọi tình huống.

"Chúng tôi chuẩn bị như tham gia vào một chiến dịch khi chúng ta quan niệm COVID-19 là "giặc", như trong trạng thái của đội quân chiến đấu, thật cẩn thận và phải thắng lợi"- GS Đỗ Quyết khẳng định.

Giám đốc Học viện Quân y cũng cho biết, hiện những trường hợp gặp biến chứng sau khi tiêm vaccine trên thế giới không nhiều. Hy vọng Nanocovax cũng như vậy.

Dù nguy cơ rất thấp nhưng để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các tình nguyện viên, Học viện Quân y đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện kể cả khi xảy ra tai biến sẽ xử lý được.

 

Theo Lao Động