4 nhóm nội dung cần giải quyết liên quan đến vấn đề lao động

Hậu đại dịch, thị trường lao động đã dần phục hồi tuy nhiên nhiều lao động còn gặp khó khăn, vẫn còn một số nhóm ngành nghề thiếu nguồn lao động.

Sáng nay (20/8), hội nghị với chủ đề phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập diễn ra theo hình thức trực tuyến tới từng tỉnh thành, với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Hội nghị diễn ra nhằm mục đích để đánh giá những kết quả đạt được của thị trường lao động trong những năm qua.

Cùng tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ LĐTB&XH, Tài chính, Tư pháp, Thông tin-Truyền thông, Công Thương, NN&PTNT, Nội vụ, Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Bộ GD&ĐT, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, đại diện các tổ chức quốc tế cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực lao động, việc làm.

Trong phần phát biểu mở đầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định lao động là một yếu tố đầu vào cơ bản của mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và của cả nền kinh tế.

Trong những năm qua, thị trường lao động ở Việt Nam đã có những bước phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, ngày càng hội nhập, từng bước tiệm cận với thị trường lao động khu vực và thế giới.

“Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn manh mún, chưa chuyên nghiệp, thiếu tính linh hoạt, chưa thật bền vững; công tác nghiên cứu, dự báo, khớp nối cung cầu và cập nhật hệ thống thông tin thị trường lao động chưa thực sự hiệu quả và chuyên nghiệp.

Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề tới thị trường lao động trong nước và thị trường xuất khẩu lao động”, Thủ tướng đánh giá.

Trước tình hình đó, cùng với những giải pháp phòng, chống dịch bệnh, Đảng, Nhà nước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách liên quan tới thị trường lao động.

Nhờ đó, sau khi chuyển sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", thị trường lao động đã từng bước được phục hồi và phát triển, góp phần quan trọng vào sự khởi sắc của nền kinh tế - xã hội nước ta.

Quy mô lực lượng lao động, tỉ lệ tham gia lao động và số người có việc làm tiếp tục tăng. Tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm dần.

Tuy nhiên, phát triển thị trường lao động vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cả trước mắt và lâu dài để đáp ứng yêu cầu phục hồi, phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Tiêu điểm - 4 nhóm nội dung cần giải quyết liên quan đến vấn đề lao động

Hội nghị diễn ra bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp (Ảnh: baochinhphu).

Vừa qua, Chính phủ đã tổ chức hội nghị về phát triển thị trường vốn, sau đó đã kiểm soát tình hình tốt hơn và thị trường có chiều hướng lành mạnh hơn, hiệu quả qua, bền vững hơn; tiếp đó, tổ chức hội nghị về thị trường bất động sản, để thị trường có những bước tiến và các bất cập đang dần được khắc phục.

Chính phủ ra tuyên bố ổn định và phát triển các loại thị trường – một trong "4 ổn định" trong trọng tâm, chỉ đạo điều hành của Chính phủ hiện nay, theo cách tiếp cận thị trường, rất linh hoạt, phù hợp tình hình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Việt Nam đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Tiếp tục xây dưng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển. Bên cạnh đó, phát huy tối đa trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.

Tiêu điểm - 4 nhóm nội dung cần giải quyết liên quan đến vấn đề lao động (Hình 2).

Nhiều vấn đề về lao động được đưa ra thảo luận ngày hôm nay (Ảnh: baochinhphu).

4 nhóm nội dung đặt ra

Trên tinh thần đó, trong buổi làm việc hôm nay Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần thẳng thắng, cởi mở, xây dựng, cầu thị, tập trung vào 4 nhóm nội dung cụ thể liên quan mật thiết đến vấn đề lao động.

Làm thế nào để nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò phát triển thị trường lao động và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững ?

Đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách về thị trường lao động theo hướng nào để tăng cường quản lý nhà nước và bảo đảm các điều kiện cần thiết cho thị trường lao động phát triển hài hòa, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tế ?

Những kinh nghiệm trong nước, quốc tế và các giải pháp phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững, hội nhập; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ?

Giải pháp nào để chủ động ứng phó với những khó khăn, thách thức hiện nay, nhất là những tác động do đại dịch Covid-19 gây ra ?.