"Tứ đại mỹ nhân" của Trung Quốc thời xưa, hẳn ai cũng nhớ ngay đến 4 cái tênTây Thi, Điêu Thuyền, Vương Chiêu Quân và Dương Quý Phi. Tuy nhiên, khi nói về 5 người phụ nữ xấu xí nhất Trung Quốc thời cổ đại, không phải ai cũng biết đến họ. Những người phụ nữ này tuy không sở hữu nhan sắc hơn người nhưng lại có tấm lòng nhân hậu hoặc tài năng đặc biệt.
1. Mô Mẫu
Nhắc đến người phụ nữ xấu xí nhất thời cổ đại phong kiến Trung Quốc, không thể không nói đến Mô Mẫu. Theo sử sách ghi lại, Mô Mẫu "có trán và hàm như búa bổ, làn da đen kịt, hàm lẹm vào trong, vừa thấp bé vừa mập mạp". Sự xấu xí của bà thậm chí còn được nhiều người sử dụng để xua đuổi những linh hồn xấu xa.
Dù xấu "ma chê quỷ hờn" là thế nhưng Mô Mẫu lại trở thành vợ củaHiên Viên Hoàng đế, một vị Thánh vương thời cổ đại, người được coi là thuỷ tổ của dân tộc Trung Hoa.Hiên Viên Hoàng đế quyết định chọn Mô Mẫu là người vợ thứ 4 của mình vì sự đức hạnh và hiền lành của bà. Chính vị vua này còn tuyên bố với thiên hạ rằng: "Những ai coi trọng sắc đẹp mà không có đức hạnh thì không phải là vẻ đẹp chân chính.Những người coi trọng đạo đức và coi thường nhan sắc bề ngoài mới làbậc hiền nhân chân chính".
Ảnh minh họa.
Không chỉ nhân hậu và tốt bụng, Mô Mẫu còn rất thông minh và khéo léo. Khi thấy những người dân dùng lá cây và da động vật làm quần áo, bà đã phát minh ra phương pháp ươm tơ, dệt lụa, tạo thành những mảnh vải nhiều sắc màu để làm thành quần áo cho người dân. Sau này, Mô Mẫu còn được người dân kính trọng gọi là "tiên nữ dệt tằm".
2. Chung Vô Diệm
Chung Vô Diệm tên thật là Chung Ly Xuân, người đất Vô Diệm (nay thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Sử sách xưa liệt bà vào danh sách những người phụ nữ xấu xí nhất: "Bà ấy có khuỷu tay và đùi dài, cổ ngắn, trán cao, lông mày sắc nét, da đen, răng khểnh, mũi tẹt, mắt trũng sâu, tóc thưa, lỗ mũi hếch,qua 30 tuổi vẫn chưa tìm được đối tượng để kết hôn". Tuy nhiên trái với bề ngoài,Chung Vô Diệm lại có tài năng vô cùng đặc biệt.
Thời đó, vua Tề Xuân đang cầm quyền nhưng chỉ mải ăn chơi trác táng, tính tình hung bạo, hoàn toàn không quan tâm chuyện chính sự, chính trị thối nát, tương laiđất nước mờ mịt, người dân cả nước hoang mang lo sợ. Trong khi đó,Chung Vô Diệm lại thích đọc sách và thơ, ấp ủ hoài bão lớn muốn cứu nước nên đã liều lĩnh chém đầu một tham quan, sau đó đến kinh đô để diện kiến vua Tề Xuân.
Ảnh minh họa.
Chung Vô Diệm nói rằng bà có tài tiên đoán sự việc, sau đó bắt đầuchỉ tay, khua chân, giương mắt và hét ầmlên: "Thiếp giương mắt để thay bệ hạ nhìn thấy khắp thiên hạ lửa cháy, thiếp vỗ gối để thay bệ hạ phạt cái tật tin dùng bọn gian thần, thiếp xua tay lắc đầu để thay bệ hạ đuổi bọn xu nịnh".
Sau này, lời phân tích của Chung Vô Diệm đã khiến vua Tề Xuân tỉnh mộng, lập tức chuyên tâm vào lo chuyện nước. Để tỏ lòng biết ơn với Chung Vô Diệm, vua còn triệu bà vào cung phong làm hoàng hậu. Nhờ ơn của Chung Vô Diệm, cuộc sống của người dân dần tốt lên, người đời đã viết nhiều câu chuyện để ca ngợi tinh thần dũng cảm của bà.
3. Mạnh Quang
Mạnh Quang là vợ của một nhà thông thái thời Đông Hán tên là Lương Hồng Chuẩn. Tướng mạo của Mạnh Quang được mô tả là cực kỳ xấu xí, vừa sồ sề, vừa đen đúa nhưng lại có sức khỏe hơn cả nam nhân. Trong khi đó,Lương Hồng Chuẩn là một người đàn ông vừa điển trai, vừa hào hoa phong nhã, lại có học thức hơn người. Có rất nhiều nữ tú muốn được làm vợLương Hồng Chuẩn nhưng cuối cùng ông chỉ chọn người phụ nữ xấu xí Mạnh Quang làm vợ.
Môi khiLương Hồng Chuẩn đi làm về, Mạnh Quang đều lo cơm nước chu toàn, đem dâng thức ăn ngang chân mày để mời chồng, điều này thể hiện sự tôn trọng chồng cũng như đức hạnh của bà.Cổ nhân Trung Quốc có câu “Cử án tề mi” (dâng mâm lên ngang chân mày) chính là xuất phát từ câu chuyện này. Trân trọng một người vợ tốt, Lương Hồng Chuẩn cũng từ bỏ cơ hội làm quan, cùng vợ lên núi ở ẩn, trồng cây dệt vải, sống cuộc đời bình yên.
4. Hoàng Nguyệt Anh
Hoàng Nguyệt Anh là vợ của một nhân vật vô cùng nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, đó chính làGia Cát Lượng. Tên tuổi củaHoàng Nguyệt Anh không được nhắc đến trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa" nhưng theo tương truyền, bà có dáng người nhỏ nhắn, làn da đen, thân hình tiều tụy, tóc vàng cháy, dung mạo thô kệch, xấu xí đến nỗi được liệt vào "ngũ xú Trung Hoa"nhưng lại có tài thơ văn, học rộng biết nhiều, hơn nữa còn vô cùng nhân hậu và tốt bụng.
Ảnh minh họa.
Tài năng là thế nhưng sau khi kết hôn với Gia Cát Lượng,Hoàng Nguyệt Anh đã quyết định lui về hậu phương để tề gia nội trợ, giúp đỡ công việc chính trị của chồng. Những phát minh của Gia Cát Lượng như "trâu gỗ ngựa máy", "đèn lồng Khổng Minh" hay "nỏ Gia Cát" đều có sự tham gia tư vấn và giúp đỡ của người vợ tài trí Hoàng Nguyệt Anh.
5. Nguyễn Thị
Nguyễn Thị là con gái của Vệ uý Nguyễn Cung, được gả cho Hứa Doãn thuộc dòng dõi đại tộc ở Cao Dương thời Tam Quốc. Tương truyền, Nguyễn Thị có dung mạo vô cùng xấu xí đến nỗi sau khi làm lễ giao bái, Hứa Doãn nhất định không chịu vào phòng tân hôn. Sau khi có người khuyên bảo, Hứa Doãn mới chịu ngó vào phòng, định bụng bỏ đi thìNguyễn Thị níu tay lại. Vì không muốn làm khó vợ mình, Hứa Doãn liền nói: "Người phụ nữ cần phải có tứ đức, vậy cô có được mấy thứ?".
Nghe thấy vậy, Nguyễn Thị liền trả lời: "Thiếp chỉ thiếu dung mạo xinh đẹp mà thôi, còn phu quân là người đọc sách Thánh hiền, xin hỏi có mấy đức?".
Hứa Doãn trả lời: "Đều có tất cả". Nguyễn Thị nhanh nhạy nói: "Trong nhiều phẩm hạnh tốt đẹp thì Đức là quan trọng nhất, phu quân chỉ háo sắc mà không biết quý trọng Đức, thì làm sao có thể nói là có tất cả chứ?".
Nghe đến đây, Hứa Doãn vô cùng xấu hổ, từ đó thay đổi hẳn cách nhìn về vợ và càng thêm trân trọng bà hơn.
Theo Thời đại plus