Mới đây, tạp chí Forbes (Mỹ) đã công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2021. Điều đáng nói, đây là năm Việt Nam có nhiều đại diện nhất trong danh sách, có tới 6 đại diện tiêu biểu. Đánh giá quy mô tài sản của cá nhân, Forbes dựa vào giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái tại ngày 5/3/2021.
Đó là Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.
Ông chủ đế chế Vingroup Phạm Nhật Vượng
Dựa vào giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái, người đứng đầu tập đoàn VinGroup gây ấn tượng mạnh với tổng tài sản lên tới 7,3 tỷ USD, đứng thứ 344 thế giới.
Trước đó, năm 2020, tỷ phú Phạm Nhật Vượng xuất hiện trong danh sách các tỷ phú được Forbes vinh danh. Ông lần đầu được Forbes vinh danh năm 2013, với 1,5 tỷ USD.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 năm 2020 theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) của Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán VIC) cho hay, doanh thu thuần của Vingroup đạt 110.462 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 13.962 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.388 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản Vingroup đạt 424.268 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 135.757 tỷ đồng, tăng lần lượt 5% và 13% so với cuối năm 2019.
"Nữ tướng hàng không" Nguyễn Thị Phương Thảo
Năm 2021 ghi dấu lần thứ 5 Phó chủ tịch và CEO hãng hàng không VietJet Air góp mặt trong danh sách tỷ phú USD với tổng tài sản là 2,8 tỷ USD, đứng thứ 1.111. Bà Thảo còn có 15 năm làm việc tại HDBank trong lịch sử 30 năm hoạt động của ngân hàng này.
Tên tuổi nữ doanh nhân này gắn liền với VietJet Air, hãng hàng không tư nhân có quy mô vốn hóa tỷ đô. Hàng không cũng chính là lĩnh vực đưa bà Thảo trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của khu vực.
Tính cả năm 2020, công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (HOSE: VJC) thu về 18.210 tỷ đồng doanh thu và đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 70 tỷ đồng, là một trong số ít các hãng hàng không trên thế giới không sa thải nhân viên và hoạt động có lợi nhuận trong năm 2020. Tổng tài sản đạt mức 47.036 tỷ đồng.
Chủ tịch tập đoàn Thaco Trần Bá Dương
Chủ tịch tập đoàn Thaco được đưa vào danh sách của Forbes từ năm 2018, hiện sở hữu 1,6 tỷ USD.
Công ty ô tô Trường Hải (Thaco) do ông Dương thành lập ban đầu chỉ bán xe, sau đó dần lắp ráp cho các thương hiệu nước ngoài, như Kia, Mazda và Peugeot và sản xuất xe bus, xe tải thương hiệu Việt.
Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang
Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang năm nay quay lại danh sách tỷ phú, sau khi vắng bóng năm ngoái. Ông sở hữu 1,2 tỷ USD.
Kết thúc năm 2020, Masan Group thu về 77.218 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng 106,7% so với mức 37.354 tỷ đồng trong năm 2019 và lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của Công ty đạt 265 tỷ đồng trong Quý 4/2020 và 1.234 tỷ đồng trong năm 2020.
Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh
Ghi nhận vào thời điểm hiện tại, người giàu thứ 4 trong top tỷ phú Việt Nam hiện là ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Ngân hàng Techcombank) với tài sản lên tới 1,2 tỷ USD. Tài sản của ông hiện tương đương ông Trần Bá Dương và cũng tăng so với năm 2020.
Ông Trần Đình Long cũng tái xuất trong bảng xếp hạng của Forbes sau lần đầu ghi tên vào năm 2018. Hiện tại, tỷ phú thép sở hữu 2,2 tỷ USD, đứng thứ 1444 thế giới.
Trên thế giới, ngôi giàu nhất năm nay vẫn là ông chủ Amazon - Jeff Bezos, với 177 tỷ USD. CEO Tesla Elon Musk đứng thứ nhì với 151 tỷ USD.
Số tỷ phú toàn cầu cũng lập kỷ lục mới, với 2.755 người, tăng 660 so với năm ngoái. Tổng cộng, nhóm này sở hữu con số ấn tượng lên tới 13.100 tỷ USD trong danh sách 2020.
T.M (Tổng hợp) - Người Đưa Tin Pháp Luật