7 lỗi dễ mắc phải khi lần đầu đi phỏng vấn xin việc

Phỏng vấn xin việc luôn là một thử thách lớn đặc biệt là với những người lần đầu trải nghiệm. Sự lo lắng, hồi hộp khiến nhiều ứng viên dễ mắc phải những sai lầm không đáng có, ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của mình. Trong buổi phỏng vấn đầu tiên, hãy cố gắng tránh mắc các lỗi sau nhé.

Thiếu chuẩn bị

Một trong những sai lầm lớn nhất của ứng viên là thiếu chuẩn bị cho buổi phỏng vấn. Việc tìm hiểu kỹ về công ty, vị trí ứng tuyển và chuẩn bị câu trả lời cho các câu hỏi thường gặp khi kiếm việcNha Trang, Đà Nẵng, TPHCM… sẽ giúp bạn tự tin hơn, thể hiện sự nghiêm túc với công việc.

Trước buổi phỏng vấn, hãy dành thời gian tìm hiểu về công ty, vị trí ứng tuyển, thị trường và đối thủ cạnh tranh. Bạn nên nghiên cứu website, các kênh truyền thông của công ty để hiểu rõ lĩnh vực hoạt động, sản phẩm, dịch vụ, văn hóa và định hướng phát triển. Nắm rõ thông tin cơ bản về doanh nghiệp và mô tả công việc chi tiết sẽ giúp bạn thể hiện sự nhiệt tình cũng như mong muốn được đóng góp.

Đến muộn

Đến phỏng vấn đúng giờ giúp bạn thể hiện sự tôn trọng với nhà tuyển dụng và công việc. Việc đến trễ sẽ để lại ấn tượng xấu, khiến nhà tuyển dụng đánh giá bạn là người thiếu trách nhiệm. Do đó, hãy chủ động tính toán thời gian di chuyển, đến địa điểm phỏng vấn trước 10-15 phút để có thời gian chuẩn bị.

Trường hợp bất khả kháng khiến bạn đến muộn, hãy gọi điện hoặc nhắn tin xin lỗi và thông báo cho nhà tuyển dụng. Điều này sẽ thể hiện sự chuyên nghiệp và có trách nhiệm của ứng viên.

Ăn mặc không phù hợp

Ấn tượng đầu tiên rất quan trọng, vì vậy trang phục cần lịch sự, gọn gàng và phù hợp với văn hóa công ty. Tránh mặc quần jeans rách, giày thể thao hay đồ quá khêu gợi. Nếu ứng tuyển vào các công ty luật, tài chính thì nên mặc trang phục công sở. Còn với môi trường sáng tạo, công nghệ, bạn có thể chọn phong cách thoải mái hơn nhưng vẫn đảm bảo chuyên nghiệp.

Lưu ý không nên đeo quá nhiều phụ kiện, sử dụng nước hoa quá nồng hoặc tóc tai, móng tay không gọn gàng. Trang phục cần vừa vặn, sạch sẽ và được là ủi cẩn thận. Hãy chọn bộ đồ mà bạn cảm thấy thoải mái và tự tin nhất.

Ngôn ngữ cơ thể tiêu cực

Ngôn ngữ cơ thể chiếm tới 70% "thông điệp" mà bạn truyền tải trong giao tiếp. Những cử chỉ, nét mặt, ánh mắt tiêu cực như lảng tránh ánh mắt, khoanh tay, gãi đầu, cau mày... sẽ khiến nhà tuyển dụng có cảm giác bạn đang che giấu điều gì đó, thiếu tự tin hoặc không thành thật.

Nói quá nhiều hoặc quá ít

Một sai lầm khác của ứng viên là không kiểm soát được lượng thông tin chia sẻ. Nói quá nhiều, lan man sẽ khiến nhà tuyển dụng có cảm giác bạn thiếu tập trung, không nắm rõ vấn đề. Ngược lại, chia sẻ quá ít thông tin sẽ tạo ấn tượng bạn thiếu nhiệt tình, thụ động.

Để tránh vấn đề này, hãy luyện tập cách trả lời ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề chính. Nếu nhà tuyển dụng muốn biết thêm, họ sẽ chủ động đặt câu hỏi. Bạn cũng nên chuẩn bị sẵn các ví dụ, câu chuyện cụ thể để minh họa cho những điểm mạnh, thành tích của bản thân.

Nếu không hiểu rõ câu hỏi, bạn có thể nhã nhặn đề nghị nhà tuyển dụng diễn giải lại. Bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng hiểu rằng ứng viên sẽ khó tránh khỏi việc căng thẳng. Do đó, nếu bạn bị "đứng hình", hãy bình tĩnh xin phép suy nghĩ thêm hoặc đề xuất quay lại câu hỏi sau.

Than phiền về công việc và đồng nghiệp cũ

Nhiều ứng viên thường than phiền, chỉ trích công ty cũ, đồng nghiệp hay cấp trên khi được hỏi lý do nghỉ việc. Điều này sẽ khiến nhà tuyển dụng có cái nhìn tiêu cực về bạn, nghi ngờ thái độ làm việc và khả năng hòa nhập của bạn.

Thay vào đó, bạn nên nhấn mạnh vào mong muốn tìm kiếm cơ hội phát triển sự nghiệp, học hỏi những điều mới mẻ phù hợp với định hướng của bản thân. Hãy thể hiện sự trân trọng những trải nghiệm tại công ty cũ, những bài học và kỹ năng bạn đã đúc rút được

Không đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng

Phần lớn nhà tuyển dụng sẽ dành thời gian để ứng viên đặt câu hỏi. Đây là cơ hội để bạn thể hiện sự quan tâm, nhiệt huyết với công việc và công ty. Việc không đặt bất kỳ câu hỏi nào sẽ khiến nhà tuyển dụng hiểu lầm bạn thờ ơ, thiếu nghiêm túc.

Hãy chuẩn bị trước 2-3 câu hỏi liên quan đến vị trí ứng tuyển, văn hóa công ty, cơ hội thăng tiến, thách thức công việc... Tuy nhiên, tránh những câu hỏi nhạy cảm về lương thưởng, đãi ngộ ngay trong lần phỏng vấn đầu tiên.

Các cuộc phỏng vấn có thể khiến ngay cả những ứng viên dày dạn kinh nghiệm nhất cũng phải run sợ, nhưng chúng cũng có thể đáng sợ không kém đối với người phỏng vấn, đặc biệt là những người mới tham gia lần đầu. Chú ý đến những điều được đề cập trên đây, bạn sẽ có nhiều cơ hội tạo được ấn tượng tốt và tăng cơ hội nhận được công việc yêu thích.

PHA LÊ