Theo thầy Mai Thế Hùng - Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Văn Ơn (quận 12, TP.HCM), thông thường vào cuối năm, giáo viên sẽ có khoản thu nhập tăng thêm. Tiền thu nhập tăng thêm là tiền kết dư trong 1 năm chi cho các hoạt động của nhà trường.
“Năm học trước nhờ tiết kiệm chi tiêu nên trung bình mỗi giáo viên của trường nhận được khoảng 20 triệu đồng tiền thu nhập tăng thêm. Còn năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhà trường phải mua sắm thêm nhiều trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống dịch nên nguồn thu nhập tăng thêm của giáo viên năm nay cũng bị tác động”, thầy Hùng cho biết.
Trong các bậc học, có thể nói các trường mầm non chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Bởi dịch COVID-19 khiến trẻ nghỉ học 3 - 4 tháng nên các trường không thu được học phí nhưng vẫn phải chi trả cho các hoạt động như lương cho giáo viên, nhân viên vệ sinh, bảo vệ, hoạt động phòng chống dịch...
Cô Nguyễn Thụy Thái Hòa - Hiệu trưởng Trường mầm non Trúc Đào (quận Bình Tân) cho biết, nguồn thu nhập tăng thêm dựa vào số trẻ đến lớp, nhưng năm học 2020 vì ảnh hưởng của dịch bệnh, các trường mầm non phải đóng của 4 tháng không có nguồn thu trong khi các nguồn chi vẫn phải chi bình thường. Hiện trường đang có 348 trẻ theo học nhưng có 44 giáo viên và cán bộ nhân viên. Lương của những cán bộ, nhân viên hợp đồng lấy từ nguồn thu nhập tăng thêm của nhà trường nên phần tiết kiệm năm nay sẽ không bằng năm trước.
“Nếu như năm trước trung bình mỗi giáo viên được khoảng 8-9 triệu đồng thì dự kiến năm nay mỗi giáo viên chỉ khoảng 4 - 5 triệu đồng tiền thu nhập tăng thêm”, cô Hòa cho biết.
Thông tin về khoản thu nhập tăng thêm năm nay, thầy Phạm Phương Bình - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức) cho biết, hiện nay nhà trường đang cân đối ngân sách để tính toán phần thu nhập tăng thêm cho cán bộ, giáo viên trong trường. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nguồn thu giảm nhưng nguồn chi lại tăng, do đó phần tiết kiệm của nhà trường sẽ không bằng những năm trước.
“Thông thường mọi năm tiền học phí sẽ thu 9 tháng nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch học sinh nghỉ học nên nhà trường cũng chỉ thu 8 tháng học phí. Dù học sinh nghỉ học nhưng nhà trường vẫn phải đảm bảo các hoạt động như trả lương cho cán bộ công nhân viên, học trực tuyến, các hoạt động cho phòng chống dịch”, thầy Phạm Phường Bình nói.
Trước đó, Nghị quyết 03 của HĐND TP.HCM về chi thu nhập tăng thêm được áp dụng từ 1/4/2018 với lộ trình ban đầu chi thu nhập tăng thêm năm 2018 là 0,6 lần, năm 2019 là 1,2 lần và năm 2020 là 1,8 lần.
Tuy nhiên, vào giữa tháng 4/2020, trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, TP.HCM có thông báo về việc điều chỉnh hệ số thu nhập giáo viên theo Nghị quyết 03, áp dụng tính từ ngày 1/1/2020.
Cụ thể, đối với cán bộ công chức, viên chức có hệ số lương trên 3,00 điều chỉnh hệ số thu nhập tối đa từ 1,2 lần giảm còn 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ của năm 2020.
Đối với cán bộ công chức, viên chức có hệ số lương từ 3,00 trở xuống điều chỉnh hệ số thu nhập tối đa từ 1,2 lần giảm còn 0,8 lần so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ của năm 2020.
Hiệu trưởng một trường học ở quận 9, TP.HCM cho biết, cuối năm giáo viên mong nhiều nhất vào khoản tăng thêm từ Nghị quyết 03 và kết dư ngân sách thường được chi cùng thời điểm, giúp họ có một cái Tết no ấm. Năm nay, trường chưa có con số cụ thể nhưng cả hai khoản này đều giảm nên chắc chắn"thưởng Tết" của giáo viên sẽ "hụt" sâu. Với áp lực về giá cả, các khoản lo toan cuối năm, giáo viên sẽ vất vả, chật vật hơn.
"Có nhiều giáo viên công tác ở trường, sau nhiều năm đi dạy, năm vừa rồi do có các khoản tăng thêm, mới có điều kiện để đưa con về quê đón Tết. Năm nay, khó khăn trở lại, thầy cô lại phải tính toán các phương án chi tiêu thắt chặt hơn", vị hiệu trưởng này bộc bạch.