Ba anh em sở hữu 3 cái tên có 1-0-2 tại Hải Dương: Ai đọc cũng phải thốt lên thật lạ lùng!

CTV
Dẫu tưởng tên các ông bà Trai, Cua, Hến, Sò đã là độc nhất vô nhị, ngờ đâu nơi đó còn có ba anh em sở hữu những cái tên hiếm gặp: Phạm Văn Trâu, Phạm Văn Bò và Phạm Văn Bê.

Tên là thuật ngữ dùng để nhận dạng, xác định một con người cụ thể. Tên thường đi kèm với họ: ở một số nước phương Đông người ta đặt họ trước, tên phía sau; phương Tây thì tên trước và họ sau.

Tại Việt Nam, trẻ con sinh ra không được đặt tên ngay mà sẽ được gia đình gọi bằng những tên cúng cơm như xưa là thằng cu, cái hĩm, thằng cò, cái bé… còn nay là Bông, Bắp, Xoài, Bom, Hàu… Sở dĩ người ta gọi con cháu của mình bằng những cái tên xấu xí hoặc giản dị như thế để tránh cho tà ma dòm ngó nhằm bảo vệ sinh mạng cho họ, hay đơn giản chỉ để dễ nuôi.

Song ít ai nghĩ rằng, chính những cái tên xấu xí như thế có thể “có mặt” ngay trên tờ giấy khai sinh – đi với một con người suốt cả cuộc đời. Điển hình như tại làng quê ở xã Lê Lợi (Gia Lộc, Hải Dương) cách đây vài chục năm có phong tục đặt tên người mang tên một loài vật.

Sở dĩ người ta gọi con cháu của mình bằng những cái tên xấu xí hoặc giản dị như thế để tránh cho tà ma dòm ngó nhằm bảo vệ sinh mạng cho họ, hay đơn giản chỉ để dễ nuôi.

“Thời xưa, các cụ ở quê mình đặt tên cho con cái lạ lắm… Cụ mình sinh được 4 người con và đặt tên rất lạ: Trai, Cua, Hến và Sò. Bà nội mình tên Phạm Thị Cua. Bà bảo vì cụ muốn các con dễ nuôi, sống mạnh khoẻ nên đã đặt như thế? Thực sự các ông bà mình từ nhỏ tới lớn đều có sức khoẻ, không ốm đau và sống thọ nữa. Các cụ giờ 75-80 cả rồi song vẫn minh mẫn lắm”, chị Ngọc Thuý (33 tuổi) – sinh ra tại vùng quê “đặc biệt” này cho biết.

Dẫu tưởng tên ông bà của chị Ngọc Thuý là độc nhất vô nhị, ngờ đâu nơi đó còn có ba anh em sở hữu những cái tên không thể “nhịn cười”: Phạm Văn Trâu, Phạm Văn Bò và Phạm Văn Bê. Tất cả là con của cụ Khoá – một nhà nho ở làng từ thời xưa.

Một số người dân xã Lê Lợi cho biết, ông Phạm Văn Bê đã không may qua đời từ nhỏ. Còn ông Phạm Văn Bò sau khi lập gia đình có tới 9 người con và 16 người cháu.

Ông Phạm Văn Bò gặp khá nhiều tình huống oái oăm với chính là tên Bò của mình. Từ nhỏ cho tới lúc trưởng thành, ông luôn tự ti với tên do cha mẹ đặt. Ông từng kể thời đi học cùng đám bạn, ông đã bị trêu chọc rất nhiều.

Đến tuổi trưởng thành, ông Phạm Văn Bò tình cờ quen và có tình cảm với bà Mai Thị Xoè. Khi tính đến chuyện gắn bó cả đời, ông đã bảo người yêu không được nói tên thật của mình trong ngày về ra mắt.

Lúc giới thiệu với bố mẹ vợ tương lai, chàng trai ấy nói đại cái tên Phạm Văn Tảo cho mọi người biết để gọi. Sau đó do gặp nhiều chuyện trớ trêu về tên nên ông đã đổi tên thành Phạm Văn Tảo.

Hiện người dân ở vùng quê ấy đã đặt tên con thật mĩ miều, thật hoa mỹ và đầy ý nghĩa.

Về phần ông Trâu, ông có phần tự tin hơn khi xưng danh với thiên hạ. Bởi nếu không viết thành chữ, chỉ giới thiệu bằng mồm thì ai cũng ngỡ ông là Châu trong “châu báu” hoặc “minh châu”.

“Mình từng được bà nội kể cho nghe chuyện của ba anh em nhà ông Trâu – Bò – Bê. Thoạt đầu mình đã bật cười vì nghĩ trên đời chẳng ai đặt tên con như thế? Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì các cụ xưa muốn đặt tên con càng đơn giản, thân thuộc… càng tốt! Các cụ sinh nhiều, luôn muốn các con khoẻ mạnh…. Giờ ở quê mình hiện đại hơn, người ta bắt đầu đặt tên con thật mĩ miều, thật hoa mỹ và đầy ý nghĩa cả rồi”, chị Ngọc Thúy bộc bạch.