Bà mẹ khiếp sợ khi biết chiếc kẹp tóc càng cua quen thuộc suýt "giết chết" con trai 7 tháng tuổi

Chỉ cần lơ là một chút với con trẻ, bố mẹ có thể sẽ phải hối hận cả đời.

Trước khi con đủ tuổi trưởng thành để có thể tự bảo vệ bản thân, bố mẹ cần làm tốt trách nhiệm chăm sóc đứa trẻ của mình an toàn. Bởi mọi thứ xung quanh cuộc sống, dù là đơn giản nhất nhưng nó vẫn có thể trở thành nguyên nhân khiến con rơi vào tình huống nguy hiểm đến sức khoẻ, thậm chí là tính mạng.

Mới đây trên một hội nhóm nuôi dạy con, bất ngờ nổi lên một bài viết đã được chia sẻ cách đây vài năm và khi bị đào lại vẫn khiến nhiều bố mẹ “rùng mình”, đó là một tai nạn xảy ra với một em bé 7 tháng tuổi. Cụ thể, chủ nhân bài viết kể lại câu chuyện con nuốt phải một cái lò xò từ kẹp tóc của mẹ và cho vào miệng. 

Đến sáng hôm sau, người mẹ thức dậy mới giật mình thấy con đang trong tình trạng hóc dị vật mặt đỏ và ho khạc rất mạnh. Ngay lập tức, gia đình đã đưa em bé đến bệnh viện cấp cứu và may mắn là mọi chuyện diễn ra không quá muộn màng để cứu chữa.

Trên thực tế, tình huống trẻ nhỏ nuốt nhầm các dị vật vào trong bụng là chuyện thường xảy ra, và dĩ nhiên có trường hợp nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài câu chuyện ở trên, còn nhiều sự việc khác cũng từng khiến không ít bậc phụ huynh phải run sợ. 

Đơn cử như một tình huống xảy ra cũng từng được truyền thông Trung Quốc đưa tin, bé trai 3 tuổi nuốt cả gói hút ẩm vào miệng. Theo đó người mẹ thuật lại rằng hôm đó, gia đình có khách đến chơi, và họ đã mua một ít đồ ăn vặt cho trẻ. Khi thấy các bé ngồi ăn uống vui vẻ, người mẹ mải trò chuyện với khách mà không để ý đến con. 

Đột nhiên, tiếng khóc của con trai khiến chị hoảng hốt chạy lại. Khuôn mặt bé đỏ bừng, chị vội vàng hỏi chuyện gì xảy ra, nhưng cậu bé không nói được. Cô bé con của người khách đã kể rằng bé trai thấy gói hút ẩm trong túi bánh kẹo, nên đã tò mò mở ra và cho vào miệng. 

Một trường hợp khác vào tháng 5/2020, người thân của bé trai ở quận 7, TP.HCM đã trải qua khoảnh khắc kinh hoàng khi phát hiện con vì bắt chước trò ảo thuật xem trên tivi nên đã lấy chìa khoá tủ và nuốt vào bụng. May mắn là nhờ có các y bác sĩ tìm cách giải quyết kịp thời nên đã cứu được đứa trẻ. 

Các trường hợp kể trên đều may mắn không gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ, tuy nhiên phòng tránh hơn là xử lý, vì thế các bậc cha mẹ nên sớm giáo dục cho trẻ biết tránh xa những vật nguy hiểm để không bị ảnh hưởng sức khỏe.

Vật dụng quen thuộc trong nhà nguy hiểm cho trẻ, cha mẹ sớm dạy bé tránh xa:

1. Thuốc viên

Nghiên cứu gần đây của Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cho thấy rằng ngay cả giáo viên cũng không thể phân biệt giữa thuốc và kẹo. Vì vậy việc nhiều gia đình không lưu trữ thuốc đúng chỗ sẽ rất nguy hiểm. Các bé chưa biết đọc sẽ dễ dàng bị nhầm tưởng thuốc là kẹo, đặc biệt là các loại có hình tròn, màu sáng, không có dấu hiệu nhận dạng đặc biệt.

2. Bóng bay

Bóng bay là đồ chơi yêu thích của các bé tuy nhiên ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Hoa Kỳ cảnh báo rằng bóng bay cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ nhỏ. Tai nạn xảy ra trong trường hợp bé cố gắng hút và thổi những quả bóng bay bị xẹp hoặc bé nhai những mảnh vỡ nhỏ của quả bóng bay. Nghiên cứu của NCBI cũng chứng minh rằng bóng bay là đồ chơi đứng đầu danh sách các vật dụng phổ biến gây tử vong ở trẻ nhỏ.

3. Tiền xu

Trẻ nhỏ thường hiếu kì và nghịch ngợm nên có thể cho mọi thứ vào miệng. Theo nghiên cứu mới của AAP, trẻ em dưới 6 tuổi có xu hướng nuốt nhiều vật dụng nhỏ, và tiền xu chiếm tỉ lệ cao nhất với tỷ lệ 61,7%. 

4. Các loại tẩy rửa dạng nén

Có nhiều loại chất tẩy rửa nhiều màu sắc được đóng gói bằng vỏ nhựa nhỏ, sặc sỡ khiến bé tưởng đó là kẹo hoặc nước trái cây. Khi bé nuốt nhầm các loại chất tẩy rửa này sẽ gây ra tình trạng ngộ độc nghiêm trọng. Ngoài ra những chất này cũng có thể khiến đau mắt nếu tiếp xúc. Theo nghiên cứu của Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) 98,9% các tai nạn đối với trẻ nhỏ xảy ra tại nhà và các bé từ 1-2 tuổi có tỉ lệ gặp tai nạn cao nhất.

Hướng dẫn xử trí khi trẻ nhỏ gặp tai nạn hóc hoặc nuốt dị vật

Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở, tùy từng trường hợp mà có cách xử trí hợp lý. Cần giữ bình tĩnh, tránh cố gắng móc dị vật ra khỏi miệng trẻ vì chưa chắc lấy ra được mà có khi đấy vào sâu hơn. Hơn nữa, việc móc họng có thể dẫn đến nôn ói, trẻ hít sặc lại chất ói lại càng nguy hiểm hơn.

- Nếu trẻ vẫn tỉnh táo, hồng hào, không khó thở, vẫn khóc được nói được thì giữ nguyên tư thế ngồi, nhanh chóng mang đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra, nếu đúng dị vật đường thở sẽ lấy ra.

Nếu trẻ có biểu hiện tím tái, khó thở nặng, ngưng thở, không khóc được, không nói được thì sau khi gọi xe cấp cứu, cần phải tiến hành thủ thuật can thiệp kịp thời trong thời gian đợi xe tới.

Với những bé còn tỉnh táo, nói được, cha mẹ nên để trẻ đứng thẳng. Một người đứng ra sau lưng, ôm ngang thắt lưng bé, một tay tạo thành nằm đấm ấn mạnh lên vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ.

Có 2 loại thủ thuật can thiệp

- Đối với trẻ dưới 2 tuổi

Cho trẻ nằm sấp, một tay giữ bé, một tay dùng lòng bàn tay vỗ thật mạnh 5 - 7 cái vào lưng bé, chỗ giữa hai xương bả vai. Hành động này sẽ khiến áp lực trong lồng ngực trẻ tăng lên để tống đấy dị vật ra ngoài.

Sau khi thực hiện xong mà trẻ vẫn khó thở và tím tái, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa, dùng hai ngón trỏ ấn nhanh, mạnh, đột ngột vào xương ức. Làm các động tác này tới khi nào bé thấy đỡ hơn, tỉnh táo hơn. Song song với việc đó là gọi xe cấp cứu.

Nếu thấy cháo, sữa, canh... chảy từ mũi, miệng ra, cha mẹ cần hút sạch để thông đường thở cho con. Việc này cần làm sớm để tránh sữa không ứ đọng trong mũi, miệng.

- Đối với trẻ trên 2 tuổi

Trường hợp trẻ hôn mê, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, nắm 2 bàn tay thành 2 nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh liên tiếp tới khi nào bé tỉnh. Sau đó đưa bé ngay vào viện.

Lưu ý: Sau các bước sơ cứu, nếu dị vật hóc ra được thì vẫn cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện để kiểm tra, đề phòng dị vật còn sót lại ở đường thở.

KIỀU TRANG