Chính vì vậy mà các cấp, các ngành luôn quan tâm chỉ đạo và kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động thực hiện tốt công tác ATVSLĐ.
Phóng viên Tạp chí Đời sống và pháp luật có cuộc phỏng vấn đồng chí Trần Văn Hà - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bắc Giang về kết quả đạt được và giải pháp phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trên toàn tỉnh trong thời gian tới.
Phóng viên: Đồng chí đánh giá như thế nào về hiệu quả trong phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?
Đồng chí Trần Văn Hà:
Thời gian qua, các cấp, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nhằm phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, góp phần thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.
Để thu hút được sự quan tâm, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân và người sử dụng lao động về tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ, các cấp, ngành, doanh nghiệp đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Tập huấn, huấn luyện trực tiếp, thông qua các cuộc thi, hội nghị, hội thảo chuyên đề; hoạt động đối thoại với Nhân dân, người lao động và với doanh nghiệp; qua công tác thanh tra, kiểm tra; trên các phương tiện thông tin đại chúng và Trang Thông tin điện tử của cơ quan chuyên môn... Bên cạnh đó, lực lượng làm công tác ATVSLĐ cũng chủ động tham mưu giúp các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chấp hành tốt pháp luật ATVSLĐ; giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình ATVSLĐ trong sản xuất; đôn đốc, nhắc nhở người lao động chấp hành nội quy lao động tại nơi sản xuất...; thực hiện chế độ, chính sách bảo hộ lao động cho người lao động theo quy định; chủ động rà soát, đánh giá rủi ro, áp dụng biện pháp phòng ngừa nguy cơ, rủi ro gây tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; đồng thời tăng cường tổ chức hoạt động huấn luyện, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; đẩy mạnh công tác tự kiểm tra, giám sát ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ tại doanh nghiệp, cơ sở.
Mặc dù đã triển khai tích cực nhiều biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, trong năm 2021, tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh vẫn để xảy ra 115 vụ, làm 07 người thiệt mạng, 24 người bị thương nặng. Các vụ tai nạn lao động chết người đã được cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh khai báo theo quy định của pháp luật. Qua theo dõi cho thấy, nguyên nhân của các vụ tai nạn lao động trong sản xuất chủ yếu là lỗi của người lao động không chấp hành tốt pháp luật giao thông đường bộ, nội quy, quy định làm việc an toàn; một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người sử dụng lao động chưa chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa yếu tố nguy hiểm, tai nạn lao động tại nơi sản xuất; thiếu quan tâm việc tổ chức huấn luyện công tác ATVSLĐ cho người lao động.
Phóng viên: Theo đồng chí, cần triển khai giải pháp gì để thực hiện có hiệu quả hơn nữa phòng ngừa, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp?
Đồng chí Trần Văn Hà:
Thời gian tới, để chủ động phòng ngừa và hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLĐ, đặc biệt tập trung vào nhóm đối tượng người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; hướng dẫn việc lập hồ sơ vệ sinh lao động, quan trắc môi trường, đo kiểm điều kiện lao động tại nơi làm việc, trong đó quan tâm đo kiểm những nơi điều kiện lao động có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ sức khỏe thông qua khám sức khỏe nhằm phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp; tăng cường vận động người sử dụng lao động và người lao động chấp hành tốt công tác ATVSLĐ; nội quy, quy trình làm việc an toàn, sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân tại đơn vị để hạn chế nguy cơ rủi ro về tai nạn lao động.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cũng quan tâm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người sử dụng lao động như bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc cho người lao động và những người có liên quan; đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động; chú trọng việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; không buộc người lao động tiếp tục làm công việc hoặc trở lại nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe của người lao động; khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ nghiêm trọng; chấp hành quyết định của thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ; chú trọng hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa tai nạn lao động tại đơn vị.
Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng; chú trọng công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ, đặc biệt là các lĩnh vực sản xuất có tiềm ẩn những yếu tố nguy hiểm, nguy cơ mất an toàn, dễ xảy ra tai nạn chết người như xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí.... nhằm hạn chế thấp nhất tai nạn lao động, bảo đảm an toàn cho người lao động.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết kết quả hoạt động tuyên truyền và những hoạt động chính được triển khai trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2022?
Đồng chí Trần Văn Hà:
Tính đến thời điểm này Bắc Giang có khoảng gần 7.000 doanh nghiệp đang hoạt động và đang sử dụng 305.000 lao động. Nhiều năm qua, tỉnh luôn quan tâm, chú trọng công tác an toàn vệ sinh lao động và ngày càng được các doanh nghiệp, người lao động tích cực hưởng ứng. Đây được coi là một trong những việc làm cần thiết góp phần phát triển sản xuất và tăng năng suất lao động tại địa phương. Năm 2021 tổng số doanh nghiệp tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động là 373 DN, tổng số lao động được huấn luyện là trên 250.000 người.
Theo kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Giang, các cấp, ban ngành, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ, phù hợp với điều kiện lao động, sản xuất của đơn vị, doanh nghiệp, thu hút được sự tham gia của đoàn viên công đoàn, người lao động và người sử dụng lao động, đồng thời đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 và sức khỏe người lao động.
Trước tiên là tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức tuyên truyền sâu rộng về Luật An toàn - Vệ sinh lao động, Nghị định số 88/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số: 28/2021/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc. Tuyên truyền các giải pháp nhằm cải thiện điều kiện lao động; Đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ; giải pháp phòng ngừa, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN), xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc.
Có thể nói, việc triển khai thực hiện các quy định của Luật ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh được thực hiện nề nếp, hiệu quả; các cấp, các ngành, địa phương và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có rất nhiều cố gắng, tích cực, triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, với nhiều cách làm sáng tạo; có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành, địa phương và các cơ sở sản xuất.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này!
Hà Anh (thực hiện)