Tài sản chung của gia đình
Ngày 14-6-2013, Sở Tài nguyên môi trường (TNMT) Hà Nội có Báo cáo số 754/BC-STNMT-TTr gửi UBND TP Hà Nội về kết quả kiểm tra, xem xét giải quyết đơn của bà Nguyễn Thị Sửu ở xóm 8, thôn Đông Ngạc, xã Đông Ngạc, Từ Liêm. Sở TNMT đã làm việc với bà Sửu, UBND xã Đông Ngạc, UBND huyện Từ Liêm, HTX Đông Thắng để thu thập thông tin, tài liệu và kết luận:
Từ năm 1960 trở về trước, thửa đất số 65, diện tích 973m2, tờ bản đồ số 6 Bản đồ địa chính đo vẽ năm 1994 do gia đình bà Sửu đang sử dụng và có đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) có nguồn gốc thuộc khu đất cao bỏ hoang, không có chủ quản lý nên nhân dân gọi là Gò Mả Ôi.
Hình ảnh khu Gò Mả Ôi tại phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Giai đoạn 1960 đến 1986 khu Gò Mả Ôi đa phần bị bỏ hoang, có một thời gian có nhóm người (đến nay chưa có tài liệu làm rõ gốc tích) tự đến san lấp, xây dựng nhà xưởng sang chiết ô xy, cắt phá, gia công phế liệu, kim loại. Hợp tác xã cũng như chính quyền xã, huyện không ý kiến gì. Sau đó cơ sở này bỏ đi nơi khác, Gò Mả Ôi tiếp tục bỏ hoang, không có chủ tiếp quản, sử dụng.
“Từ năm 1986 đến 1993, khu Gò Mả Ôi được gia đình bà Nguyễn Thị Sửu cải tạo, phục hoá đất bỏ hoang để đưa vào sử dụng trên toàn bộ diện tích 973m2. Gia đình bà Sửu trồng rau màu, cây ăn quả, cây lấy gỗ lâu năm, cây cảnh và xây dựng công trình mục đích ở trên đất. Từ sau năm 1993, gia đình bà Sửu sử dụng liên tục diện tích này”.
Công sức khai hoang, phục hoá đất có đóng góp chính của hai vợ chồng, sau đó là các người con. Năm 2006, vợ chồng bà Sửu được toà công nhận thuận tình ly hôn. Thời điểm này UBND xã Đông Ngạc chưa ghi nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của vợ chồng bà Sửu đối với khu Gò Mả Ôi vì cho rằng gia đình bà Sửu lấn chiếm đất công. Do đó, phần tài sản này không được đưa vào để phân chia.
Năm 2010 ông Sửu mất (UBND xã Đông Ngạc xác nhận tại giấy chứng tử số 49/2013). Sau thời điểm này, bà Sửu tiếp tục có đơn gửi đi các cơ quan thẩm quyền, đề nghị cấp GCNQSDĐ cho gia đình.
Thành phố chỉ đạo cấp "sổ đỏ" cho hộ gia đình
Từ báo cáo của Sở TNMT, ngày 2-7-2013 UBND TP Hà Nội có công văn gửi Sở TNMT và UBND huyện Từ Liêm, chỉ đạo hai đơn vị này hướng dẫn gia đình bà Nguyễn Thị Sửu kê khai, lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ.
Trên cơ sở chỉ đạo của TP Hà Nội, ngày 9-12-2015, Sở TNMT có công văn số 8517/STNMT-ĐKTKĐĐ hướng dẫn UBND quận Bắc Từ Liêm về việc cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình bà Nguyễn Thị Sửu.
Thành phố chỉ đạo cấp "sổ đỏ" cho hộ gia đình.
Ngày 25-3-2015, UBND quận Bắc Từ Liêm có công văn số 355/UBND-TNMT chỉ đạo UBND phường Đông Ngạc hướng dẫn gia đình bà Nguyễn Thị Sửu đăng ký, kê khai cấp GCNQSDĐ.
Như vậy, các tài liệu, hồ sơ và các văn bản từ cấp Thành phố, Sở, Quận đều xuyên suốt thể hiện khu Gò Mả Ôi là tài sản chung của hộ gia đình bà Sửu, và việc cấp “sổ đỏ” cũng là cấp cho gia đình bà Sửu.
Quá trình nghiên cứu vụ việc việc này, phóng viên được UBND quận Bắc Từ Liêm cung cấp toàn bộ tài liệu, hồ sơ liên quan đến quá trình cấp “sổ đỏ” cho thửa đất đề cập ở trên. Không hề có bất cứ văn bản uỷ quyền nào của các con bà Sửu cho bà Sửu đứng tên thay cho cả gia đình gồm bà Sửu và 3 người con (trong đó một người con trai bà Sửu mất năm 2013).
Quận lại cấp "sổ đỏ" cho... một cá nhân
Thế nhưng, không hiểu có sự nhầm lẫn hay động cơ gì, mà ngày 27/1/2017 UBND quận Bắc Từ Liêm lại cấp “sổ đỏ” CH 00056 cho 1 cá nhân là bà Nguyễn Thị Sửu, gián tiếp phủ nhận quyền và lợi ích hợp pháp liên quan của các con bà Sửu. Theo một tài liệu PV thu thập được, thể hiện có một người hỗ trợ làm thủ tục và bỏ “chi phí” làm “sổ đỏ” cho bà Sửu, có tên là Trần Văn Phát, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội, người nhà bà Sửu chỉ nghe ông này nói làm ở Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Quận lại cấp "sổ đỏ" cho một cá nhân.
Các tài liệu cũng thể hiện, ông Trần Văn Phát là người đại diện cho bà Sửu để chia tách “sổ đỏ” CH 00056 thành 5 chiếc “sổ đỏ” khác, và tiến hành chuyển nhượng tất cả 5 thửa đất cho các cá nhân khác. Ông Phát hỗ trợ gia đình bà Sửu 200 triệu đồng.
Xung đột lợi ích
Sau khi toàn bộ khu Gò Mả Ôi được bán trên giấy tờ, thì một nhóm người đến “giải phóng mặt bằng” và xung đột với con trai cả của bà Sửu là anh Nguyễn Văn Quý (còn gọi là Quyền, SN 1973). Anh Quý trưởng thành và lấy vợ, sinh con ở đây. Đây là tài sản chung của bố mẹ anh. Theo quy định pháp luật, khi người bố mất, thì anh Quý được một phần thừa kế. Tiếp đó, năm 2013 em trai anh Quý mất, đương nhiên cũng có thêm phần thừa kế nữa. Bản thân anh Quý không uỷ quyền cho mẹ mình đứng tên, định đoạt toàn bộ tài sản.
Hai vợ chồng anh Quý làm nghề nông, cuộc sống vất vả.
Việc ông Phát hỗ trợ gia đình 200 triệu đồng, anh Quý đồng ý nếu như để hỗ trợ cho phần đất riêng của mẹ mình. Nay đuổi cả nhà anh Quý đi để lấy phần đất của anh Quý thì không được, nên anh này đã trình báo địa phương để ngăn chặn, cũng như đề nghị ông Phát nhận lại số tiền hỗ trợ.
Đồng thời, anh Quý cũng đã gửi đơn đến UBND TP Hà Nội, Sở TNMT Hà Nội đề nghị thu hồi và huỷ bỏ 5 “sổ đỏ” cấp trái pháp luật, trái chỉ đạo của UBND TP Hà Nội. Luật sư Nguyễn Đông Khánh (Văn phòng luật sư Kiến Quốc, Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích: “Nếu là tài sản chung mà sau khi người chồng mất, chưa hết thời hiệu thừa kế (pháp luật quy định là 30 năm) thì phải tiến hành mở thừa kế.
Nếu chưa hết thời hiệu mà GCNQSDĐ chỉ ghi tên một người là chưa đúng quy định. Sau khi có đơn kiến nghị thì cơ quan thẩm quyền sẽ xác minh, kiểm tra, có căn cứ sai quy trình thì sẽ xem xét thu hồi, huỷ bỏ GCNQSDĐ”.
Còn nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc này, chúng tôi sẽ phân tích ở bài sau.