Bánh mỳ-trứng-sữa khi kết hợp sẽ có một cặp đôi hoàn hảo cho bữa sáng nhưng có một món "đại kỵ" nhiều người vẫn dùng

CTV
Bánh mì, trứng, sữa là những thực phẩm rất phổ biến, hay được sử dụng trong bữa sáng. Tuy nhiên có một “cặp đôi” các chuyên gia khuyên không nên kết hợp bởi sẽ không tốt cho cơ thể.

Trứng, bánh mì và sữa là ba thực phẩm được nhiều người lựa chọn cho bữa sáng, vì ngoài việc chế biến nhanh gọn, tiện lợi thì sự kết hợp hoặc sử dụng riêng các thực phẩm này sẽ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Theo đó, các “cặp đôi” thực phẩm hay được lựa chọn nhất bao gồm bánh mỳ-trứng, bánh mỳ-sữa, trứng-sữa. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng không phải cặp đôi nào ở trên cũng hoàn hảo, thậm chí còn gây hại cho sức khỏe.

Bánh mỳ kết hợp với trứng là “cặp đôi” hoàn hảo nhất

Bánh mỳ kết hợp với trứng là món ăn nhiều người lựa chọn và nếu nhìn tổng thể thì đây là sự kết hợp hoàn hảo nhất trong 3 cặp đôi như đã nói trên. TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám và tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, khi kết hợp bánh mỳ với trứng thường sẽ là bánh mỳ kẹp trứng rán hoặc có thể ăn bánh mỳ lát kết hợp với trứng ốp.

Bánh mỳ kẹp trứng có thêm rau là sự kết hợp hoàn hảo nhất cả về giá trị dinh dưỡng và ẩm thực. (Ảnh minh họa)

Khi ăn, thông thường người dùng có thể cho ít nhất một hoặc nhiều loại rau khác nhau và nhìn tổng thể một bữa sáng như vậy sẽ có khá đẩy đủ và cân bằng, đa dạng nhóm chất. Cụ thể nhóm tinh bột đến từ bánh mỳ; nhóm chất béo, protein đến từ trứng và dầu mỡ rán trứng; nhóm vitamin và khoáng chất đến từ các loại rau như đu đủ, cà rốt, cà chua, dưa chuột, rau mùi…

Từ phân tích trên, TS Nguyễn Trọng Hưng cho rằng bánh mỳ và trứng là sự kết hợp hoàn hảo nhất trong nhóm thực phẩm bánh mỳ-trứng-sữa. Nếu phù hợp với sở thích thì mọi người nên chọn "bộ đôi" này.

Bánh mỳ kết hợp với sữa cũng tốt nhưng không nên ăn nhiều

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng cho biết ăn bánh mỳ uống sữa hoặc bánh mỳ chấm sữa đặc cũng được nhiều người lựa chọn cho bữa sáng. Tuy nhiên, so với nhóm bánh mỳ kẹp trứng như trên thì không ưu việt bằng, vì ít ai ăn bánh mỳ chấm sữa lại kèm thêm quả dưa chuột hay vài lát cà chua.

Tuy nhiên, sự kết hợp này khá tiện lợi, không mất nhiều thời gian chế biến và cũng không quá tốn kém. Không những vậy, nó còn cung cấp khá nhiều chất như tinh bột đến từ bánh mỳ, đường - chất béo-protein và một số dưỡng chất quan trọng khác đến từ sữa.

Bánh mỳ chấm sữa đặc có thể dùng được nhưng không nên ăn thường xuyên. (Ảnh minh họa)

“Bánh mì có nhiều tinh bột, sữa đặc lại chứa nhiều đường, chất béo, hai thực phẩm này khi kết hợp với nhau sẽ giàu năng lượng. Nếu dùng 2 thực phẩm này hàng ngày có thể gây thừa cân, béo phì, tăng nguy cơ gây rối loạn chuyển hóa và mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch…

Vì vậy, nên ăn bánh mì kết hợp uống một cốc sữa tươi sẽ tốt hơn là dùng sữa đặc. Còn nếu vì bản thân có sở thích ăn bánh mì chấm sữa đặc thì không nên ăn quá thường xuyên, nhất là những người đang bị thừa cân, béo phì, tiểu đường…”, bác sĩ Hưng chia sẻ.

Trứng kết hợp với sữa tưởng tốt mà lại không nên

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng cho biết, trứng và sữa đều là những thực phẩm bổ dưỡng hàng đầu, cả hai đều chứa rất nhiều chất như protein, chất béo và một số vi khoáng chất khác. Tuy nhiên, không nên kết hợp 2 thực phẩm này với nhau, kể cả trong bữa sáng. “Trứng và sữa đều giàu chất đạm, nếu kết hợp với nhau sẽ dư đạm vào cơ thể, gây khó tiêu, ảnh hưởng đến công việc, hoạt động buổi sáng”, bác sĩ Hưng khuyên.

Bác sĩ Doãn Tường Vy - nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện 198) cho biết, rất nhiều người ăn sáng 1 đến 2 quả trứng luộc, sau đó uống cốc sữa và cho rằng như vậy là tốt nhưng thực tế thì không. Mọi người không nên kết hợp 2 thực phẩm này cùng một lúc.

Sữa và trứng đều giàu đạm nên không nên kết hợp với nhau. (Ảnh minh họa)

Theo bác sĩ Tường Vy, trong sữa có đường lactose, loại đường này tiêu hóa dễ nhờ vào các men lactase ở màng ruột tiết ra để cắt nhỏ đường lactose trở thành đường glucose. Còn trong trứng có nhiều protein, phân giải các acid amin.Khi ăn trứng và sữa cùng nhau sẽ gây ra tình trạng khó tiêu do cơ thể không thể hấp thu được đường lactose trong sữa. Ở tình trạng nặng hơn có thể gây sôi bụng, tiêu chảy và đi ngoài phân chua.

Không chỉ với sữa có nguồn gốc động vật như sữa bò, sữa dê mà sữa có nguồn gốc thực vật như đậu nành cũng không nên kết hợp với trứng. Bởi sữa đậu nành nhiều chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Trứng cũng là sản phẩm giàu đạm, khi kết hợp 2 sản phẩm giàu đạm cùng nhau, cơ thể không thể tiêu hóa hết gây khó chịu, đầy hơi.

Các chuyên gia khuyến cáo, nên tách riêng hai trứng và sữa khi ăn buổi sáng, tránh kết hợp. Có thể dùng nguyên trứng hoặc uống nguyên một cốc sữa cũng đủ năng lượng cho một buổi sáng.