Bảo mẫu xin nghỉ phép về quê, cuộc gọi lúc 10 giờ mỗi tối của cô ta với con khiến tôi lo lắng

Một lần nghe lén, tôi vô tình phát hiện bí mật động trời.

Khi con gái được 4 tuổi, tôi quay trở lại với công việc văn phòng và thuê một bảo mẫu để phụ tôi chăm sóc đứa trẻ. Bảo mẫu mới chỉ bắt đầu công việc từ lúc qua Tết, đến nay cũng đã được nửa năm. Theo quan sát, tôi và cả con gái đều khá ưng ý người bảo mẫu này nên tính sẽ ký hợp đồng lâu dài. 

Đầu tuần rồi, ở dưới quê mẹ già của chị bị ngã gãy chân nên chị ấy xin phép tôi nghỉ vài ngày để về nhà chăm sóc bà. Vắng bảo mẫu, tôi phải xin phép công ty ở nhà làm online để tiện chăm sóc con gái. Đứa trẻ cũng đang ở nhà vì còn trong kỳ nghỉ hè. 

Ảnh minh hoạ

Khoảng thời gian bảo mẫu không có ở đây, tôi cảm nhận được tâm trạng của con gái buồn hẳn. Ngày nào con bé cũng hỏi mẹ về sự quay lại của bảo mẫu, khiến tôi có chút chạnh lòng nhưng cũng không nghĩ nhiều vì tôi cho rằng điều này chứng tỏ bảo mẫu đã chăm sóc con gái rất tốt nên đứa trẻ mới quý chị ấy đến vậy.

Dù nhà có việc nhưng thỉnh thoảng bảo mẫu vẫn điện cho tôi để hỏi thăm về tình hình trong gia đình. Một đêm, lúc đó cũng khoảng tầm 10 giờ, sau khi làm việc trong phòng riêng xong tôi thấy hơi đói nên tính ra bếp lấy ít bánh lót bụng. Khi đi ngang qua phòng con gái, tôi bất ngờ nghe thấy giọng nói của con.

Tại sao giờ này mà đứa trẻ còn thức, trong khi đó chính tôi đã dỗ con lên giường ngủ từ lúc 8 giờ tối, cho đến khi thấy con ngủ say tôi mới rời phòng. Không hiểu có chuyện gì, tôi đã lén mở cửa phòng con nhìn vào và ngỡ ngàng khi nghe đứa trẻ đang nói chuyện điện thoại với một người nào đó.

Đó là chiếc điện thoại tôi mua đặt ở phòng khách, để phòng trường hợp cần dùng đến. Nào ngờ con gái đã lén lấy nó sử dụng, qua nội dung cuộc nói chuyện, tôi nhận ra ngay đó là bảo mẫu mình đã thuê. Vấn đề sẽ không có gì nghiêm trọng nếu như tôi không nghe thấy cách xưng hô bất thường của con gái với bảo mẫu.

Đứa trẻ gọi chị ta là mẹ, thậm chí còn nói những lời khiến tôi thực sự rất đau lòng. Con bé mè nheo đòi bảo mẫu nhanh chóng quay trở lại, vì không thích ở với tôi. Than rằng tôi lúc nào cũng khó tính, không cưng chiều nó giống như bảo mẫu. Trong nội dung cuộc nói chuyện, tôi còn phát hiện ra đây không phải là cuộc gọi đầu tiên giữa bảo mẫu và con gái, mà điều này đã được duy trì vào 10 giờ mỗi tối kể từ khi bảo mẫu về quê.

Ảnh minh hoạ

Hoá ra con gái vì nhớ chị ấy, muốn chị ấy chăm sóc mình nên mới có thái độ “bám dính” như thế. Thấy con thân thiết quá mức với bảo mẫu, tôi buồn và thất vọng, mất ngủ cả đêm đó. Tôi nhận ra có lẽ do mình đã dành quá ít thời gian cho con nên chuyện mới diễn ra như thế này. 

Suy cho cùng lỗi là ở bản thân, bảo mẫu vẫn làm tốt công việc của mình nên tôi không thể đuổi việc chị ấy vô cớ được. Nhưng thực sự tôi không biết nên bắt đầu từ đâu để lấy lại vị trí số 1 trong lòng con gái mà không phải đuổi việc bảo mẫu…

Tâm sự từ độc giả hoaiphuong…@gmail.com

Cha mẹ không cần quá lo lắng khi con nhỏ quá gắn bó với người giúp việc. Đó không phải điều xấu. Ngược lại nó còn cho thấy bé đang được người giúp việc chăm sóc rất tốt. Đây thực sự là may mắn vì khi mẹ đi vắng, bé đã được ở trong vòng tay an toàn và yêu thương.

Việc trẻ có suy nghĩ gọi người giúp việc là mẹ thực chất cũng không phải là điều gì quá lớn lao. Con vẫn chỉ là một đứa trẻ. Bé gọi bố là "mẹ" và nghĩ rằng gió cũng là sinh vật sống. Vì vậy một đứa trẻ gọi người giúp việc là mẹ không phải vấn đề quá lớn.

Mọi chuyện chỉ thực sự nghiêm trọng khi trẻ dần xa cách bố mẹ và chọn một người khác xứng đáng hơn để làm mẹ. Lúc đó, cha mẹ phải giúp con hiểu rằng, người giúp việc không phải là thành viên gia đình, không phải là những người thân thiết, mang chung dòng máu với mình. Bố mẹ có trách nhiệm giải thích cho con về vai trò và quyền hạn của người giúp việc trong gia đình.

Con cần biết ơn sự giúp đỡ và bày tỏ lòng biết ơn đó bằng hành động với người giúp việc và mọi thứ chỉ nên dừng lại ở đó, đừng vượt quá giới hạn. Quan hệ giữa con và người giúp việc nên được giới hạn trong phạm vi mà bố mẹ quy định và không vượt quá giới hạn

Cha mẹ có thể:

- Trò chuyện với con về vai trò và quyền hạn của người giúp việc trong gia đình để con hiểu rõ.

- Giảng dạy con về sự tôn trọng và biết ơn công việc của người khác.

- Định rõ các quy tắc và giới hạn trong quan hệ với người giúp việc, bao gồm không vượt quá mức đáng cho phép và không tạo ra sự nhầm lẫn về vai trò của người giúp việc.

- Tạo ra môi trường gia đình ấm cúng và hỗ trợ để con cảm thấy an toàn và gắn kết với bố mẹ.

Quan trọng nhất là xác định một môi trường gia đình lành mạnh và tạo cơ hội cho con phát triển mối quan hệ tình yêu với bố mẹ. Cha mẹ nên dành thời gian và tạo điều kiện cho con để tăng cường mối quan hệ và sự liên kết với gia đình chính của mình.

TRANG TRI