Chàng trai bỏ TP.HCM lên Đà Lạt trồng vườn hoa hồng đẹp tựa trời Tây, sở hữu hơn 400 giống hồng hiếm

Anh Khoa tâm đắc nhất là giàn hoa hồng Eden85 cao 6m. Cây nở hoa suốt 4 mùa và mỗi mùa nở hơn 400 bông.

Chàng trai bỏ TP.HCM lên Đà Lạt trồng vườn hoa hồng đẹp tựa trời Tây

Anh Trần Đăng Khoa (36 tuổi, quê Biên Hòa, Đồng Nai) từng có một công việc ổn định tại một tập đoàn sản xuất ô tô. Nhưng tới tháng 6/2021 khi cả nước đóng cửa vì dịch Covid-19, anh đã xin nghỉ việc và về Đà Lạt, bắt đầu xây dựng khu vườn hoa hồng trong mơ của mình.

Anh Khoa đã về Đà Lạt sống từ năm 2021. 

“Từ nhỏ mình đã mơ về một ngôi nhà nhỏ bên triền đồi phủ đầy hoa hồng và mong muốn sống ở một nơi có khí hậu mát lạnh quanh năm, một gian cửa sổ bếp đầy hoa và một vườn hồng cổ ăn trái mỗi độ thu về… Đó là điều khiến mình về Đà Lạt xây dựng ngôi nhà hoa hồng giữa vườn hồng ăn quả.

Lúc bỏ Sài Gòn về Đà Lạt, mình đã tải sau cốp xe những cây hoa hồng đã từng chăm sóc ở Đồng Nai. Sở dĩ mình đưa hoa hồng ở Đồng Nai lên ‘thủ phủ’ hoa hồng Đà Lạt vì các nhà vườn phổ thông ở Đà Lạt không có giống mình cần, mình phải nhập từ Trung Quốc, Thái Lan và Anh về và những giống đó mình đã chuẩn bị từ trước đó, trồng dưỡng nhiều năm để làm điểm nhấn cho ngôi nhà mơ ước của mình”, chàng trai 8X chia sẻ.

Anh Đăng Khoa cho biết, vườn của anh rộng 2.000m2, nép bên kia đồi tại khu săn mây nổi tiếng Đà Lạt (xã Xuân Trường, TP. Đà Lạt). Mảnh vườn này được anh mua trước khi về Đà Lạt vài năm.

Để mảnh vườn có diện mạo như hiện tại, anh đã tốn không ít tiền của và công sức. Anh kể, lúc đó anh mới chân ướt chân ráo đến Đà Lạt, chưa quen ai lại đúng thời điểm dịch. Hơn nữa, mức sống ở Đà Lạt cao, chi phí thuê thợ lớn nhưng khan hiếm thợ nên quá trình cải tạo vườn gặp không ít khó khăn, khiến anh cảm thấy khá áp lực.

Bên trong nhà anh. Đây là góc chill ở phòng khách với view rừng thông, ngồi đây có thể ngắm mây vào sáng sớm hoặc chiều tà.

Mình phải thuê thợ về làm vườn. Nhưng lúc vui thì thợ làm, lúc buồn họ nghỉ, nói nặng nói nhẹ thì giận, nên mình phải chỉ tận tay họ mới làm. Về chi phí, mình đã đầu tư khoảng vài trăm triệu để cải tạo mảnh đất đầy cỏ dại thành khu vực trồng hoa hồng và cây ăn trái xinh đẹp như hiện nay. Bao gồm chi phí cải tạo, tưới tiêu, chậu, giống hoa nhập,…

Từ lúc làm bồn để trồng cây hoa hồng đầu tiên xuống vườn, mình chỉ hy vọng cây sẽ phát triển và ra hoa theo mong muốn của mình. Vì thế, mình đã ghi lại từng giai đoạn phát triển và đặc tính ra hoa từng cây để có kế hoạch chăm sóc và cắt tỉa đúng thời điểm sao cho vườn rộ hoa đồng loạt”, anh Khoa cho hay.

Hoa hồng giăng khắp lối. 

Gian bếp và khung cửa sổ có giàn hoa hồng thơ mộng, chỉ cần mở cửa sổ ra là sẽ cảm nhận được hương hoa ngào ngạt.

Sở hữu hơn 400 giống hoa hồng hiếm, chàng trai chia sẻ bí quyết chăm sóc hoa

Tính đến thời điểm hiện tại, anh Khoa đã sưu tập được hơn 400 giống hoa hồng hiếm. Đây là những giống hoa hồng vừa mới được lai tạo của các hãng lớn như Wans, VIPs, Wabara, David Austin, Rosa Orentics… “Đây là những giống hoa hồng mới lạ mà bạn không thể thấy ở bất cứ đâu, kể cả Đà Lạt”, anh Khoa nói.

Trong số đó, anh Khoa tâm đắc nhất là giàn hoa hồng Eden85 cao 6m. 8X cho biết, giống hoa hồng này không phải ai muốn cũng trồng được vì cần phải mất 7 năm thì cây mới cho hoa được như hiện tại. Mỗi mùa hoa cây nở hơn 400 bông. Ở Mỹ hoặc Nhật, mỗi năm cây chỉ cho ra được 1-2 mùa hoa nhưng giàn hoa hồng Eden85 nhà anh nở suốt 4 mùa.

Giàn hoa hồng Eden85. Đây là chỗ anh Khoa thường ngồi thưởng trà. Dưới tán hoa hồng, hương hoa hồng át cả hương trà.

Kế đó là một cây hoa hồng Juliet cao 3,5m tán rộng 2m, giàn Abraham Darby cao 4m,… Anh còn có cả bộ sưu tập hoa hồng Royal Beauty của hãng Wans rose, bao gồm cả những giống mới ra mắt năm 2023 như: Pink’n Pretty, Saint Tropez, Sweet Diamond, Shades of white, OFF White.

Bộ sưu tập hoa hồng Royal Beauty do anh Khoa trồng. 

Ngoài ra, trong mảnh vườn của chàng trai 8X còn có những giống sen đá quý hiếm, 30 cây hồng ăn quả. Anh còn trồng nhiều loài rau và cây ăn quả theo mùa cùng một số loài hoa khác như cẩm tú cầu, lavender, hương thảo, đô la lá bạc,…

Một góc vườn nhà. 

Nhà chòi dưới vườn hồng ăn quả, độ thu về sẽ đỏ rực màu của quả hồng.

Những dàn hoa ngũ sắc tím tô điểm thêm cho khu vườn.

Chia sẻ bí quyết chăm sóc hoa hồng, anh Khoa cho biết, hoa hồng là một loài hoa khá đỏng đảnh, cần rất nhiều dinh dưỡng để ra hoa và phục hồi sau mỗi đợt hoa. Nhưng, nó lại rất dễ bị sâu, trĩ, nhện đỏ, rệp, nấm lá, thối đen thân,… hơn những loại cây cảnh khác.

Vì vậy, mỗi sáng anh phải dùng vòi áp suất xịt từ toàn bộ cây từ lá cho đến gốc để rửa lá và thổi bay côn trùng nấp dưới tán cây. Mỗi tuần phải kết hợp các loại thuốc dưỡng lá, thuốc côn trùng, thuốc nấm để phun xịt trị và phòng bệnh. Đồng thời, anh tưới đạm cá mỗi tuần giúp cây duy trì dinh dưỡng.

Khi đến thời kì cắt tỉa, ra đọt, ra hoa thì phải dùng các loại phân bón riêng phù hợp với từng giai đoạn của cây. Bởi, nếu bón lung tung sẽ phí và gây hại cho cây.

“Quan điểm của mình khi chăm bón là đúng lúc, đúng thời điểm và đúng liều lượng. Ví dụ như cây nhỏ mà dùng lượng phân lớn sẽ gây sốc và chết cây. Cây đang ra hoa mà bón đạm nhiều sẽ gây thối hoa. Cây vừa cắt tỉa mà bón phân hoá học sẽ gây hỏng rễ…”, anh Khoa cho hay.

Ngoài ra còn phải chuẩn bị giá thể thật tốt và sạch bệnh. Nếu trồng chậu phải chọn loại chậu nhiều lỗ, thoát nước tốt, ưu tiên các loại chậu nhẹ dễ di chuyển. Nếu trồng đất, phải xử lý đất xung quanh tránh mầm bệnh, sâu đất, ấu trùng ve sầu… đến mùa mưa phải bổ sung nấm đối kháng và trị tuyến trùng để tránh bị thối thân,…

Trồng hoa hồng ở nơi đâu cũng có cái khó, như ở Đà Lạt sẽ có mưa đá làm gãy hết cành hoa. Không những vậy, ở Đà Lạt còn có mùa bọ hung ăn hoa thường xuất hiện từ tháng 5 – 7 hàng năm. Anh Khoa kể: “Hàng trăm cây đang ra nụ bị bọ hung ăn không còn một bông nguyên vẹn, sáng dậy nhìn hoa bị bọ hung bu đen khiển tôi nổi da gà”.

Mặc dù đã sở hữu hơn 400 giống hoa hồng hiếm, đi đến đâu cũng chạm phải hoa, đắm chìm trong hương hoa nhưng anh Khoa cho biết, anh sẽ tiếp tục nhập thêm những giống hoa hồng mới để thỏa mãn niềm đam mê.

CẨM TÚ