Bắp cải hay cải bắp là thực phẩm quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày của mỗi gia đình. Không chỉ giòn ngọt, bắp cải còn chứa nhiều vitamin B, C, K, E và khoáng chất như canxi, kẽm, sắt, kali... rất có lợi cho sức khỏe. Trong thành phần bắp cải có glutamine, một loại axit amin có tác dụng chống viêm, giảm kích ứng, dị ứng và các rối loạn về da. Các chất xơ, vitamin, khoáng chất giữ cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh, ngăn ngừa táo bón. Hàm lượng polyphenol cao trong bắp cải giảm nguy cơ bệnh tim mạch do ngăn ngừa tích tụ tiểu cầu và hạ huyết áp.
Đặc biệt bắp cải còn có tác dụng ngăn ngừa một số bệnh ung thư. Cụ thể, theo kết quả của một nghiên cứu từng được công bố trên tạp chí Cancer Biomarkers & Prevention của Mỹ, bắp cải chứa hàm lượng glucosinolates tương đối cao có đặc tính chống ung thư. Glucosinolates được cơ thể hấp thụ chuyển thành hợp chất isothiocyanate giúp ngăn ngừa ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư bàng quang và ung thư đại tràng.
Một số công trình nghiên cứu của viện đại học New York cũng cho thấy ăn bắp cải thường xuyên giúp giảm nguy cơ mắc ung thư đường tiêu hóa. Tất cả các loại cải đều có tác dụng phòng chống ung thư, nhưng rõ rệt nhất được xác định là bắp cải. Nếu ăn 1 tuần 1 lần bắp cải giảm 70% xác suất bị ung thư ruột. Nếu 2 tuần 1 lần sẽ giảm được 40%.
Tuy có nhiều lợi ích nhưng không phải ai ăn bắp cải cũng tốt nhất là nếu bạn thuộc một trong những trường hợp sau:
Người bị bệnh tuyến giáp, bướu cổ
Bắp cải giàu chất chống oxy hóa glucosinolate. Tuy nhiên trong một số điều kiện, glucosinolate bị thủy phân chuyển thành isothiocyanate và thiocyanate có thể gây bệnh tuyến giáp.
Bên cạnh đó bắp cải cũng chứa một hàm lượng nhỏ goitrin có thể gây bướu cổ. Người bị rối loạn tuyến giáp hoặc bướu cổ không nên ăn bắp cải vì có thể khiến bệnh diễn biến nghiêm trọng hơn. Nếu muốn nên ăn bắp cải với lượng vừa phải, trước khi ăn nên cắt từng lá, ngâm rửa cẩn thận rồi thái nhỏ, để khoảng 10-15 phút rồi mới chế biến bởi khi đó goitrin sẽ bị phân hủy hết.
Người bị bệnh thận
Axit oxalic có trong bắp cải có thể kết hợp với các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể (canxi, mangiê, sắt, kali...) tạo thành các muối oxalat, khiến cơ thể thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết này. Oxalat calci có thể lắng đọng ở thận, lâu ngày tạo thành sỏi thận. Do đó người có tiền sử sỏi thận hoặc đang mắc các bệnh về thận nên hạn chế ăn bắp cải. Để giảm lượng acid oxalic hấp thu, mọi người nên dùng thực phẩm chứa acid oxalic chung với thực phẩm hoặc thuốc có nhiều canxi, magiê, kali... hoặc sử dụng một số kỹ thuật chế biến thực phẩm giúp giảm lượng acid oxalic có sẵn trong bắp cải bằng cách xay, nghiền, cắt nhỏ hoặc nấu kỹ.
Người mắc bệnh về đường tiêu hóa
Bắp cải giàu chất xơ, có tác dụng nhuận tràng, người bị bệnh tiêu chảy không nên ăn loại rau ngày. Ngoài ra ăn bắp cải sống trong các món salad, dưa muối xổi, … dễ sinh ra nhiều khí gây đầy bụng, đặc biệt đối với người bị đau dạ dày. Vì thế nếu mắc các bệnh về đường tiêu hóa nên thận trọng khi ăn bắp cải và tuyệt đối không nên ăn sống, nếu ăn thì phải nấu chín.
Người tạng hàn
Bắp cải là loại thực phẩm có tính hàn nên những người thể trạng yếu, thường xuyên lạnh bụng khi ăn đồ lạnh nên hạn chế ăn. Để khắc phục, bạn nên chế biến bắp cải với một chút gừng tươi (loại gia vị có tính ấm) để cân bằng lại.
Bên cạnh đó trong quá trình chế biến các bạn cũng nên lưu ý khi sử dụng bắp cải với dưa chuột, gan động vật, táo và măng cụt vì kết hợp cùng nhau sẽ làm ảnh hưởng đến việc hấp thụ các chất dinh dưỡng trong cả hai loại thực phẩm. Nhất là măng cụt ăn cùng với bắp cải sẽ làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa đồng thời gây cản trở quá trình hấp thu dưỡng chất.