Bí ẩn về con đường bị cấm suốt 400 năm vì ai đi cũng không về, liệu có phải do "chướng khí"?

CTV
Đường Hoàng Tuyền là trí tưởng tượng của những người trong thời kỳ phong kiến ​​về điểm đến sau khi chết nhưng liệu nó có tồn tại ngoài đời thực?

Vào thời cổ đại, khi khoa học và công nghệ chưa phát triển, suy nghĩ của con người có xu hướng cầu trời khấn Phật và tin vào ma quỷ. Con người thời xưa tin khi chết đi, linh hồn của họ sẽ đi theo con đường Hoàng Tuyền để đến âm tào địa phủ, những người đã đặt chân lên con đường này sẽ không bao giờ quay trở lại bởi vì đó là con đường tới cõi chết.

Người xưa tin rằng có con đường gọi là đường Hoàng Tuyền - nơi linh hồn người chết đi về địa phủ. (Ảnh minh họa)

Vậy, đường Hoàng Tuyền có thực sự tồn tại? Hầu hết mọi người đều biết đó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng nhưng theo ghi chép của "Lịch sử quận Mi Sơn", quả thật có một con đường ở núi Ngõa Ốc, Tứ Xuyên (Trung Quốc) được nhiều người dân địa phương gọi là đường Hoàng Tuyền hay đường Mê Hồn Đãng vì bất cứ ai tới đó đều một đi không trở lại.

Núi Ngõa Ốc hiện là khu vực bảo vệ cấp quốc gia, đây là một khu rừng nguyên sinh và công viên địa chất cần được nghiên cứu. Từ 400 năm trước vào thời nhà Minh, gần khu rừng nguyên sinh này vẫn có người sinh sống và dần dần người ta phát hiện có những điều kỳ lạ xảy ra ở một con đường trên núi Ngõa Ốc. Người dân địa phương gọi nó là "đường không trở về" tức là ai đi vào cũng không thấy quay lại. Vào thời điểm đó, ngọn núi này đã bị chính quyền nhà Minh phong tỏa, thậm chí còn phái quân đội canh gác để ngăn cản người dân vào trong.

Có một con đường ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) được đồn đại là đường Hoàng Tuyền vì nhiều người đi vào đó đều không tìm được lối ra. 

Ở thời hiện đại, con người ngày càng tin vào khoa học, không chấp nhận cái gọi là đường Hoàng Tuyền nên đã gỡ bỏ phong tỏa và biến nó thành công viên quốc gia. Nhưng từ khi núi Ngõa Ốc lại được mở cửa trở lại, nhiều sự cố mất tích, lạc đường đã xảy ra ở khu vực này.

Ngày 4/12/1999, Zheng Mingquan, một kỹ sư và chuyên gia về gấu trúc tại Viện Nghiên cứu Du lịch Sinh thái núi Ngõa Ốc, đã gặp phải một trận bão tuyết lớn khi đang nghiên cứu về gấu trúc khổng lồ. Zheng Mingquan đã chết trên núi sau khi mắc kẹt 2 ngày.

Vào ngày 31/10/1974 và ngày 13/7/1975, có 2 nhóm khảo sát tài nguyên động vật hoang dã gồm những người dân địa phương vốn quen thuộc với địa hình đồi núi địa phương nhưng đều bị mắc kẹt trong rừng quốc gia. Năm 1979, một nhóm khảo sát đã đi vào con đường Hoàng Tuyền và bị mắc kẹt trong 3 ngày 3 đêm. Sau khi nhóm thám hiểm được giải cứu, các thành viên cho biết lúc đó họ đang trong tình trạng hoang mang, đồng hồ đeo tay và la bàn đều không hoạt động nên không thể thoát ra được.

Nhiều người cho rằng chướng khí và từ trường trong rừng đã khiến nhiều người đi vào đó bị lạc. (Ảnh minh họa)

Do khách du lịch và các đoàn thám hiểm thường xuyên gặp phải nguy hiểm, nên khu vực đường Hoàng Tuyền trở thành khu vực cấm cấp 1, cấm người ra vào. Có nhiều suy đoán ​​​​khác nhau về con đường này, chủ yếu liên quan tới môi trường.

Nhiều người suy đoán do địa hình địa phương đặc biệt và thậm chí cả vĩ độ và kinh độ của ngọn núi dẫn tới sự hình thành từ trường, gây cản trở thiết bị điện tử như GPS hay la bàn, đồng hồ điện tử chạy nhanh hơn. Đặc biệt nhiều người rất tin về thuyết chướng khí ở khu vực này. Họ cho rằng chướng khí do động vật và thực vật thối rữa trong đầm lầy sinh ra đã làm tổn hại đến thần kinh của những người đi vào đó, khiến họ đưa ra những phán đoán sai lầm nên dễ đi lạc hướng, không tìm được lối ra. 

Mặc dù những điều trên chỉ là suy đoán nhưng trong tương lai khi công nghệ phát triển hơn, có lẽ các nhà khoa học sẽ có thể giải đáp bí ẩn về đường Hoàng Tuyền ở núi Ngõa Ốc. 

Thuyết chướng khí là gì?

Thuyết chướng khí là một lý thuyết y học lạc hậu cho rằng các bệnh chẳng hạn như dịch tả, chlamydia, hoặc Cái chết đen được gây ra bởi chướng khí. Chướng khí là một dạng độc hại của không khí xấu, phát ra từ các chất hữu cơ thối rữa. 

Mặc dù lý thuyết về khí độc thường liên quan đến sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, nhưng một số học giả vào đầu thế kỷ 19 cho rằng lý thuyết này cũng dẫn tới các điều kiện khác, ví dụ như một người có thể bị béo phì do hít phải mùi thức ăn.

Thuyết chướng khí do Hippocrates đưa ra vào thế kỷ thứ tư trước Công nguyên và được chấp nhận từ thời cổ đại ở châu Âu và Trung Quốc. Một phương pháp chống lại khí độc ở thời kỳ đó là đeo một chiếc mặt nạ chứa đầy những bông hoa có mùi thơm dễ chịu, đó là điều mà các bác sĩ đã làm trong thời kỳ bệnh dịch hạch.Tuy nhiên, lý thuyết này cuối cùng đã bị các nhà khoa học và bác sĩ bác bỏ sau năm 1880, được thay thế bằng lý thuyết mầm bệnh: Cụ thể là vi trùng mới là nguyên nhân gây ra bệnh, không phải khí độc. 

Dù khí độc không phải gây ra những đại dịch thời xưa nhưng không thể phủ nhận rằng ngày này, không khí bị ô nhiễm là một trong những nguyên nhân gây ra các vấn đề sức khỏe của con người, điển hình là các bệnh về đường hô hấp.

Có thể nói, không khí bị ô nhiễm gây hại cho sức khỏe chẳng khác gì khí độc. Ô nhiễm không khí làm cho mọi người phải tiếp xúc với các hạt mịn. Các hạt mịn này thâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch, có thể gây ra đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Mặt khác, không khí ô nhiễm còn ảnh hưởng đến tâm thần kinh, tác động lên hệ thần kinh trung ương, làm thay đổi hành vi; tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và Parkinson, gây biến chứng tâm lý, tự kỷ và dễ gây cáu gắt. Do đó, việc vệ sinh môi trường, đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, thoáng khí vẫn là ưu tiên hàng đầu.