Nghịch lý dùng tiền thật mua tiền giả
Thời gian gần đây, mạng xã hội Facebook xuất hiện hàng loạt tài khoản quảng cáo dịch vụ mua bán tiền giả với mức giá cực ưu đãi.
Các tài khoản mua bán tiền giả đang hoạt động công khai tấp nập trên mạng. Chỉ cần vào Google gõ “Đổi tiền giả sang tiền thật”, rất nhiều trang mua bán tiền giả hiện lên trong tìm kiếm. Không chỉ trên Google, việc tìm kiếm dịch vụ này trên Facebook cũng nhộn nhịp không kém.
Tiền giả được buôn bán tràn lan trên mạng. Ảnh chụp màn hình
Theo lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an, hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả xâm phạm đến việc phát hành, lưu hành, quản lý tiền tệ của nhà nước.
Việc xử lý tội phạm này gặp không ít khó khăn. Bởi các tài khoản Facebook, Zalo mà các đối tượng này sử dụng để rao bán tiền giả chủ yếu là tài khoản ảo, tài khoản ngân hàng được đăng ký bằng CMND giả, CMND của người khác, gây khó khăn cho việc điều tra, xử lý.
Hiện nay, các đối tượng tội in tiền giả phạm tinh vi và liều lĩnh hơn khi tự trang bị các thiết bị hiện đại sản xuất tiền giả và tiêu thụ ngay trong nước. Vừa qua nhiều vụ sản xuất tiền giả lên đến hàng tỷ đồng đã cơ quan công triệt phá thành công. Các đối tượng sản xuất tiêu thụ tiền giả bị bắt trong thời gian qua hầu hết đều khai nhận nhận quy trình in tiền giả được “học trên mạng xã hội”.
Phương thức sản xuất đơn giản
Nhiều vụ mua bán trái phép tiền giả trên mạng xã hội đã bị bắt. Điển hình nhất gần đây là vụ sản xuất, tiêu thụ gần 1 tỷ đồng tiền giả ở Nam Định. Theo báo Tiền Phong, 7/5/2020, Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Nam Định đã phối hợp với các đơn vị triệt phá thành công một đường dây in, tiêu thụ tiền giả với số lượng lớn lên đến 1 tỷ tiền giả.
Công thu giữ máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu để sản xuất tiền giả.
Manh mối đầu tiên của vụ việc này xuất hiện vào ngày 7/4/2020, khi 4 Công an huyện Hải Hậu phát hiện, bắt giữ Đỗ Mạnh Tường (20 tuổi, trú tại xã Trực Thắng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) đang có hành vi tiêu thụ tiền giả. Khám xét tại chỗ, công an đã thu giữ của Tường 7,8 triệu đồng tiền giả.
Lần theo manh mối này, Công an Nam Định đã tìm ra đầu mối của toàn bộ đường dây sản xuất, tiêu thụ tiền giả nằm trong một căn nhà tềnh toàng ở xóm Lâm Hồ, xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Đột kích vào “hang ổ” in tiền giả công an đã bắt quả tang 2 đối tượng Nguyễn Văn Tác (24 tuổi) và Cao Văn Phương (25 tuổi), trú cùng xóm 16, xã Giao Thịnh, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định đang có hành vi sản xuất tiền giả.
Công an thu giữ các loại máy móc, vật tư phục vụ việc in ấn và 41 tờ tiền giả mệnh giá 500.000 đồng. Trong đó, Tác có vai trò là chủ mưu, cũng là người trực tiếp tham gia in tiền giả. Kẻ chủ mưu này khai, bản thân vốn không hề có trình độ gì. Để in được tiền giả, Tác đã lên mạng học hỏi kỹ thuật in. Sau đó, Tác rủ Cao Văn Phương hợp tác rồi đặt mua qua mạng xã hội những máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ việc in tiền giả.
Đối tượng Nguyễn Văn Tác tại cơ quan điều tra.
Nhằm che giấu hành vi in tiền giả, các đối tượng chọn căn nhà cấp 4 tuềnh toàng để tránh sự chú ý của cơ quan chức năng. Hàng ngày, chúng triển khai in tiền tại đây và rao bán tiền giả trên mạng xã hội. Loại tiền Tác và đồng bọn thường làm giả là loại có các mệnh giá 100.000 đồng, 500.000 đồng.
Nhiều người cho rằng, việc in tiền giả cần phải có kỹ thuật tinh vi và máy móc hiện đại. Tuy nhiên, theo lời khai của các đối tượng và kết quả khám xét cho thấy, "máy móc, thiết bị" và nguyên liệu in tiền giả của đường dây này rất đơn giản, chỉ là máy in, máy photo, mực in, giấy... đều rất dễ mua trên thị trường.
Tuy nhiên, từ "xưởng in tiền" tuềnh toàng, Tác và Phương đã in và bán ra gần 1 tỷ đồng tiền giả cho 113 "đối tác" ở 38 tỉnh, thành phố trên cả nước với mức giá quy đổi là 1 triệu tiền thật lấy 5-6 triệu đồng tiền giả. Số tiền mà 2 đối tượng này thu về từ bán gần 1 tỷ tiền giả 135 triệu đồng tiền thật.
Điều 207 – Bộ luật hình sự năm 2015 về Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả quy định như sau:
“1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”