Đang làm công việc kỹ sư chuyên về hàn kết cấu tại Nhật, đến cuối năm 2019, anh Luân về nước đám cưới em trai. Sau đó dịch bùng phát, anh ở lại quê hương. Trong thời gian rảnh rỗi ở nhà, anh vô tình biết đến mô hình nuôi dế. Ban đầu, Luân chỉ nuôi 1-2 chuồng cho biết. Sau khi nhìn thấy tiềm năng từ con dế, anh quyết định bỏ việc ở Nhật Bản để đi sâu vào nuôi và chế biến các sản phẩm từ dế.
Luân chia sẻ, mô hình nuôi dế đã du nhập vào Việt Nam khoảng 20 năm, chia ra thành 2 hướng kinh doanh chính là làm thức ăn cho vật nuôi và làm nguyên liệu cho các quán đặc sản. Anh nhận thấy việc kinh doanh dế theo cách thức truyền thống có nhiều rào cản như dế tươi khó bảo quản, các hàng quán đặc sản dế không nhiều,... Chưa kể, các sản phẩm dế thô giá trị không cao, ai cũng có thể làm được. Do đó, Luân lựa chọn nghiên cứu phát triển các mặt hàng chế biến dế tẩm ướp. Cách này giúp tiếp cận khách hàng dễ hơn, khả năng cạnh tranh cao hơn nên lợi nhuận lớn hơn so với hướng kinh doanh cũ.
Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất và thương mại hóa dế, tính cạnh tranh không cao, dễ tạo nhận diện thương hiệu, nhu cầu thị trường ổn định. Bắt đầu kinh doanh, Đình Luân định hướng làm chuẩn ngay từ đầu, từ bộ nhận diện thương hiệu đến quy trình sản xuất.
Hiện tại, công ty có tất cả 15 sản phẩm, bao gồm những sản phẩm ngoài dế. Các sản phẩm về dế chia thành 2 nhóm chính. Nhóm thứ nhất là dành cho dân nhậu, các món snack ăn liền và dế cấp đông để chế biến. Nhóm thứ hai là thực phẩm dinh dưỡng: bột protein, thanh protein, bánh ăn kiêng chiết xuất từ dế. Bên cạnh việc bán dế, công ty của Đình Luân còn bán cả các sản phẩm khác như lươn, cua, ghẹ để tối ưu hóa tệp khách hàng.
Bắt đầu từ tháng 5.2020, với mảnh đất rộng 60 mét vuông cùng 65 triệu đồng. Bây giờ, anh đã có trang trại với một văn phòng, một xưởng chế biến đóng gói tổng diện tích 600 mét vuông. Anh không vay vốn từ bất kỳ nguồn nào mà chỉ sử dụng chính vốn nội tại, lãi bao nhiêu thì đem đi tái đầu tư.
Tự nhận thấy việc kinh doanh khép kín từ khâu nuôi trồng đến chế biến là một bài toán khó, Luân lựa chọn tập trung vào thế mạnh là chế biển sản phẩm và chuyển giao kỹ thuật nuôi dế cho bà con. Cách vận hành này vừa giúp Luân có thêm nguồn nguyên liệu, vừa tạo ra giá trị cho cộng đồng.
Đình Luân cho rằng nếu ngành nuôi dế có thêm các công ty lớn để liên kết giữa doanh nghiệp và hộ chăn nuôi thì sẽ bền vững và ổn định hơn cho cả hai bên. Hiện nay, anh có hơn 30 hộ liên kết nuôi dế ở 3 tỉnh: Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông
Luân cho biết, vòng đời dế ngắn, xoay vòng vốn nhanh, lại còn có thể tận dụng phế phẩm nông nghiệp như ngô, khoai, sắn, lá khoai mì, lá chuối - những thứ sẵn có ở khu vực nông thôn. Hiện tại, giá 1kg dế thương phẩm khoảng 70 nghìn đồng, trong khi chi phí thức ăn chỉ khoảng 20 nghìn đồng. “Một hộ nuôi 10 chuồng có thể lãi khoảng 7 triệu đồng mỗi lứa trong 45 ngày”, Luân nhận định.
Chị Hương, 30 tuổi, ở Cư Kuin, Đắk Lắk, là một hộ liên kết với cơ sở của Luân từ tháng 9/2023. Gia đình chị tận dụng sân nhà và các phế phẩm sẵn có để nuôi 34 chuồng, có thêm thu nhập 12-15 triệu mỗi đợt dế. Công việc chính của gia đình là trồng tiêu, trồng mì và chăn nuôi gia súc gia cầm. Chị chia sẻ, trước kia thu nhập trông chờ hết vào đợt thu hoạch duy nhất trong năm. Tuy nhiên, từ khi nuôi dế, chị có thu nhập đều đặn hàng tháng, có thêm một khoản đáng kể để trang trải cuộc sống.
Bên cạnh nhiều lợi thế, việc thương mại dế cũng có nhiều rào cản. Ở Việt Nam, chưa có tài liệu hay sách kỹ thuật chuyên sâu về nuôi dế từ chuyên gia nông nghiệp. Luân phải tự tìm hiểu từ nhiều nguồn khác nhau.
Thời gian đầu khi mới khởi nghiệp, Đình Luân cũng rất mơ hồ về kỹ thuật nuôi dế. Năm 2021, trại dế bị dịch bệnh lạ khiến dế chết sạch không rõ nguyên nhân. Đến bây giờ anh vẫn không vì không tìm được tài liệu chuyên môn nào để lý giải. Lúc đó Luân đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng, thiệt hại lớn tầm 60 triệu, nếu chỉ cần thêm 2-3 lứa nữa vẫn như thế thì không thể gồng thêm được.
Chị Hương cũng gặp nhiều khó khăn khi bắt đầu với việc nuôi dế. Chị cho hay, có nhiều khi dế chết ko rõ nguyên nhân. Hay thậm chí việc mắc mưa, dính thuốc sâu cũng làm ảnh hưởng đến đàn dế.
Sau khi rút kinh nghiệm nhiều lần, Luân hoàn thiện quy trình nuôi và kỹ thuật, anh ghi chép lại thành một cuốn cẩm nang nhỏ để chia sẻ cho các hộ khác. Cuốn cẩm nang này đã giúp nhiều hộ có góc nhìn tham chiếu tổng quát hơn. Bên cạnh đó, công ty Luân cũng cử người đến tận nơi để hỗ trợ khắc phục các vấn đề về đàn dế cho bà con.
Hiện tại, doanh thu từ công ty của Luân đạt khoảng 850 triệu đồng mỗi tháng, trong đó 70-80% đến từ các sản phẩm côn trùng. Tỷ suất lợi nhuận khoảng 30% (khoảng 250 triệu). “Ngành này mang lại lợi nhuận và tăng trưởng ổn định,” Luân khẳng định.